Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:37 (GMT +7)
Bảo vệ đàn vật nuôi mùa dịch bệnh
Thứ 2, 06/12/2021 | 11:26:41 [GMT +7] A A
Mùa Đông được cho là mùa dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Với thời tiết diễn biến phức tạp, rét đậm, rét hại, nhiệt độ giữa ngày - đêm có sự chênh lệch khá lớn, kết hợp sương giá, nồm ẩm (cuối Đông) là điều kiện thuận lợi cho các chủng vi rút, vi khuẩn có hại bùng phát gây bệnh cho đàn vật nuôi của các hộ gia đình như đàn lợn, gia cầm. Thực tế thời gian qua, trong cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã xuất hiện những ổ dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm khiến hàng ngàn con vật nuôi phải buộc tiêu huỷ. Thực trạng này tiềm ẩn nguy cơ dịch trên đàn vật nuôi có thể bùng phát nếu các hộ chăn nuôi không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, xảy ra tại 2.275 xã của 57 tỉnh, thành phố trong nước, với tổng số lợn buộc tiêu hủy trên 230.000 con, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm khoảng 0,8% tổng đàn; dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động lớn, tiêu cực đến ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, người chăn nuôi và cung cầu thực phẩm.
Với Quảng Ninh, từ ngày 20/4/2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 176 hộ chăn nuôi trên địa bàn 63 thôn, khu, thuộc 34 xã, phường của 9 huyện, thị xã, thành phố, có lợn bị bệnh dịch tả châu Phi. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy là 1.100 con, trọng lượng tiêu hủy 50.993kg. Để đảm bảo khoanh vùng gọn, không để lây lan ra các hộ chăn nuôi lân cận, các ngành chức năng và địa phương liên qua tiến hành tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng, lập chốt kiểm soát vận chuyển lợn ra, vào địa bàn thôn có dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống, dập dịch theo đúng quy định.
Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi có thể bùng phát, nhất là trong kỳ mùa Đông này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh theo quy định; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại tuyến cơ sở.
Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các hoạt động buôn bán, nhập lậu lợn, sản phẩm lợn qua biên giới; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; lấy mẫu xét nghiệm và tiêu hủy lợn, sản phẩm lợn nhập lậu; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn bất hợp pháp và sử dụng sản phẩm lợn bị bệnh để chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Vào thời điểm mùa Đông, không chỉ có dịch tả lợn châu Phi mà các chủng vi rút cúm gia cầm cũng phát triển, lây lan mạnh, đặc biệt là cúm gia cầm chủng cúm A/H5N8. Hiện nay, tại một số địa phương trong nước đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N8 trên đàn gia cầm. Đây là chủng cúm gia cầm lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, chưa được giám sát chủ động, nếu dịch lây lan diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Ở Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận chủng cúm A/H5N8 xuất hiện trên đàn gà của gia đình ông Nguyễn Đình Khánh, thôn 5, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà vào đầu tháng 11. Các đơn vị chức năng đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ 5.000 con vịt, 200 con ngan mắc bệnh. Trước đó vào tháng 7, chủng cúm A/H5N8 đã xuất hiện trên đàn gia cầm của người dân ở thôn Bãi Cát, xã Vũ Oai, TP Hạ Long. Điều đáng lo ngại là chủng cúm A/H5N8 không chỉ là làm chết gia cầm mà còn có thể lây nhiễm và phát bệnh trên cơ thể người.
Thời gian này đang là mùa đông, thường xuyên xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm, do vậy nguy cơ xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm là rất cao. Chính vì vậy, cùng với đảm bảo công tác tiêm vắc xin phòng ngừa các loại bệnh thường phát sinh trên đàn vật nuôi, công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng cũng cần được các hộ chăn nuôi chú trọng nhằm chủ động ngặn chặn sự lây truyền của vi rút trên đàn vật nuôi và môi trường xung quanh, qua đó hạn chế thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh gây ra.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()