Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:10 (GMT +7)
Vì một Quảng Ninh xanh
Thứ 7, 28/08/2021 | 08:23:00 [GMT +7] A A
Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên là mục tiêu xuyên suốt mà Quảng Ninh kiên trì thực hiện trong hơn 1 thập kỷ qua. Với nhiều giải pháp đồng bộ, kết hợp song song mục tiêu ngắn hạn và định hướng lâu dài, Quảng Ninh đã bước đầu thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường (BVMT) cũng như phát triển kinh tế theo mô hình tăng trưởng xanh, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.
“Xanh hóa” ngành Than
Là ngành đặc thù, lấy khai thác khoáng sản làm động lực phát triển chính, những năm gần đây, với định hướng đúng và nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, TKV đã cho thấy quyết tâm cao trong việc “xanh hóa” hoạt động của ngành với hiệu quả thực chất của công tác BVMT.
Công ty CP Than Hà Tu là đơn vị đầu tiên của TKV được Bộ TN&MT phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ đối với dự án đầu tư phát triển mỏ từ tháng 7/2021. Đối với moong than và bãi thải phục vụ dự án, Công ty đã dừng hoạt động. Bên cạnh thực hiện các giải pháp BVMT đã được phê duyệt, Công ty còn tập trung cải tạo, phục hồi môi trường, chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh bãi thải; sửa chữa đầu tư hệ thống rãnh thoát nước và hoàn thiện công trình đê, đập chắn đất đá chân bãi thải…
Đối với 2 điểm khai thác than lộ thiên tại dự án Bắc Bàng Danh, Công ty đã và đang đầu tư nhiều dự án BVMT trọng điểm. Đầu tháng 7/2021, Công ty đã đầu tư hơn 12 tỷ đồng lắp đặt 6 hệ thống phun sương dập bụi cao áp, trong đó có 4 hệ thống cố định tại kho than số 1 mức +200m, khu sàng 3 và sàng 5; 2 hệ thống phun sương dập bụi cao áp di động bãi thải mức +140m và mức +170m. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, 6 hệ thống phun sương dập bụi cao áp vận hành ổn định, phát huy hiệu quả xử lý lượng bụi phát tán ra môi trường xung quanh khu vực Bắc Bàng Danh. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2021, Công ty tiếp tục đầu tư 4,6 tỷ đồng lắp đặt thêm 2 hệ thống phun sương dập bụi cao áp tại khu vực bãi thải.
Trên khu vực khai trường, hiện Công ty đang duy trì 10 xe tưới nước công suất 10-20m3 nước, thực hiện tưới nước thường xuyên các tuyến đường vận chuyển. Để nâng cao công suất tưới nước dập bụi, dự kiến quý IV/2021, Công ty đầu tư 1 xe tưới nước chuyên dụng công suất lớn, trị giá 17 tỷ đồng, đáp ứng tưới nước dập bụi trên các tuyến đường vận chuyển đất đá. Bên cạnh đó, để tạo vành đai cây xanh chắn bụi phát tán BVMT và chống sạt lở, từng bước hoàn nguyên môi trường, dự kiến từ nay đến hết năm 2021, Công ty đầu tư 6,7 tỷ đồng để trồng trên 15ha cây xanh quanh khai trường mỏ.
Tất cả các đơn vị của TKV đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đẩy nhanh lộ trình xây dựng “Mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ sản lượng cao” để thực hiện mục tiêu “xanh hóa”, bảo vệ và hoàn nguyên môi trường. Từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, TKV đã phê duyệt 5 phương án bảo vệ môi trường tổng thể tại Hạ Long và Cẩm Phả, gồm: Khai trường than Hà Tu (Công ty CP Than Hà Tu), cảng Làng Khánh (Công ty Tuyển than Hòn Gai), bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn), Nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông (Công ty Tuyển than Cửa Ông), cảng Km6 (Công ty Kho vận và Cảng Cẩm Phả). Trong đó đáng chú ý là hệ thống lưới chắn bụi xung quanh các kho than cụm bến số 3 và 0,16ha cây xanh thiết lập hàng rào xanh khu vực cảng Làng Khánh; hệ thống phun sương dập bụi cao áp, lắp đặt hệ thống lọc bụi đầu băng và các máng hứng than rơi vãi và cải tạo sân bãi một số kho than tại Nhà máy tuyển than và cảng Cửa Ông; hệ thống xử lý nước thải cho khu vực cảng Làng Khánh với công suất 50m3/ngày đêm…
Theo thống kê của TKV, giai đoạn từ năm 2016 đến nay, các đơn vị trực thuộc đã đầu tư gần 5.000 tỷ đồng triển khai nhiều giải pháp cải tạo, phục hồi, BVMT. Qua đó cho thấy việc “xanh hóa” ngành Than đã và đang được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất, đảm bảo lợi ích trước mắt và phát triển lâu dài. Đồng thời phù hợp với định hướng của TKV là phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ không gian mỏ, cũng như chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh" của tỉnh.
Ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường
Trong khoảng chục năm trở lại đây, quyết tâm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của tỉnh được thể hiện rất rõ nét, đặc biệt là qua các quy hoạch quan trọng, chiến lược của tỉnh, như: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch; Quy hoạch môi trường tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…
Đặc biệt, Nghị quyết 236/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh "Về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020", đã nêu rõ mục tiêu, các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, công tác quản lý, BVMT tập trung vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường; đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Hằng năm, tỉnh chi không dưới 3% tổng chi ngân sách địa phương cho công tác BVMT. Cùng với đó là hàng loạt các chính sách đặc thù liên quan đến công tác này, như: Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực môi trường các địa phương (600.000 đồng/người dân/năm đối với vùng đô thị; 100.000 đồng/người dân/năm đối với vùng nông thôn); dành 100% nguồn thu phí BVMT từ khai thác khoáng sản cho các địa phương để chi cho lĩnh vực BVMT (80% chi đầu tư, 20% chi thường xuyên); điều tiết 100% nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long cho ngân sách TP Hạ Long, trong đó tối thiểu 30% để chi cho quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, duy trì các hoạt động bảo vệ cảnh quan, môi trường Vịnh và các hoạt động chi thường xuyên khác; dành 100% thu phạt trong lĩnh vực môi trường và phí môi trường từ nước thải (thu qua Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh) cho các địa phương để cân đối chi cho lĩnh vực môi trường…
Nhờ đó, nguồn chi kinh phí sự nghiệp BVMT tăng từng năm: Năm 2018 trên 661 tỷ đồng; năm 2019 gần 750 tỷ đồng; năm 2020 hơn 800 tỷ đồng. Với nguồn lực lớn trong những năm qua, tỉnh đã triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh. Trong đó cụ thể hóa Nghị quyết 236/2015/NQ-HĐND, tỉnh đã triển khai đồng bộ và thực hiện đủ 8/8 chỉ tiêu thuộc 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,72%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 54,75%; tỷ lệ các KCN có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động đạt 100%...
Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã triển khai 24 chương trình, nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến công tác BVMT. Trong đó nguồn ngân sách sự nghiệp KH&CN của tỉnh trên 27 tỷ đồng; nguồn huy động đối ứng của các đơn vị chủ trì trên 8,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này đã tập trung vào các nội dung: Ứng dụng công nghệ tiên tiến về phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và công bố các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường; phục hồi hệ sinh thái tại khu vực Vịnh Hạ Long; khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tiết kiệm năng lượng, sản xuất và sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; nghiên cứu lựa chọn, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quan trắc, giám sát môi trường, xử lý chất thải, rác thải, đảm bảo môi trường...
Sẵn sàng cho chiến lược mới
Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song công tác bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Trong đó phải kể đến: Suy giảm chất lượng nước biển ven bờ, suy giảm đa dạng sinh học vùng Vịnh Hạ Long; áp lực gia tăng nước thải sinh hoạt, chất thải rắn, trong khi hệ thống xử lý và các công trình xử lý còn thiếu và yếu; biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan…
Để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, bảo vệ bền vững môi trường tự nhiên, phục vụ cho định hướng phát triển xanh, tỉnh đang triển khai quyết liệt các giải pháp. Trong đó tập trung áp dụng tiêu chuẩn môi trường của những nước phát triển ở châu Âu, Nhật Bản; xúc tiến các hoạt động giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh xã hội hóa công tác BVMT, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường; tiếp tục vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, nhằm cung cấp thông tin để phục vụ công tác quản lý nhà nước; giám sát hoạt động của công trình BVMT tại các KCN, CCN.
Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo, định hướng duy trì trạng thái phục hồi của vùng sinh thái môi trường trên địa bàn các vùng khai thác than, cơ bản đưa công nghiệp sản xuất than theo hướng ngành kinh tế xanh vào năm 2030. Tỉnh phấn đấu tăng tổng chi ngân sách nhà nước của tỉnh cho công tác BVMT; tích cực huy động nguồn kinh phí từ các quỹ tài trợ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), huy động vốn đầu tư nước ngoài (FDI), vốn vay ADB để triển khai các dự án về môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế về giám sát môi trường, tham gia vào mạng lưới quan trắc môi trường quốc tế, như mạng lưới giám sát lắng đọng axit Đông Á (EANET), để giải quyết vấn đề môi trường liên quốc gia, hợp tác quốc tế BVMT Vịnh Hạ Long...
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()