Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:04 (GMT +7)
Vân Đồn: Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống dân tộc Sán Dìu
Thứ 7, 17/07/2021 | 09:54:52 [GMT +7] A A
Với những nét độc đáo, đặc sắc riêng, thời gian qua, người Sán Dìu ở huyện Vân Đồn đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
UBND huyện đã ban hành Quyết định số 2427/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 về phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022”. Đề án được cấp ủy, chính quyền huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng, nhân dân hưởng ứng tích cực.
Đến nay, sau 1 năm triển khai Đề án, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu tại xã Bình Dân nói riêng, huyện Vân Đồn nói chung, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ý thức bảo tồn nét văn hóa truyền thống của người dân được nâng lên rõ rệt, từ việc bảo tồn làn điệu hát Soọng cô, Vũ điệu hành quang, đến ẩm thực, tiếng nói...
Bà Phan Thị Lệ Giang, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, cho biết: Các xã trên địa bàn huyện đều có người Sán Dìu. Trong đó, Bình Dân là xã có đông người dân tộc Sán Dìu nhất, chiếm trên 90% số dân của xã. Đến nay, người Sán Dìu trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ truyền thống giao tiếp bằng tiếng nói của dân tộc mình. Trẻ em sinh ra đều được cha mẹ, ông bà dạy tiếng dân tộc mình ngay từ lúc tập nói.
Cùng với đó, để bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, huyện tổ chức các trò chơi dân gian, lễ hội đại phan, lễ cấp sắc, Vũ điệu hành quang, dân ca, dân vũ của người dân tộc Sán Dìu trong toàn huyện; phát triển nghề thủ công truyền thống. Đặc biệt, một nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc Sán Dìu đó là hát Soọng cô (phát âm theo tiếng Sán Dìu nghĩa là ca hát). Mỗi bài ca là một bài thơ được viết theo thể "thất ngôn tứ tuyệt". Soọng cô bắt nguồn từ chính cuộc sống bình dị, chất phác, thể hiện tâm tư, tình cảm, ước vọng của người dân lao động được ứng tác lưu truyền trong dân gian qua nhiều thể loại, như: Hát ru, đồng dao, giao duyên, đám cưới, chúc thọ, lễ hội đại phan, mừng nhà mới, chúc Tết...
Chị Từ Thị Sinh, cán bộ văn hóa xã Bình Dân, cho biết: CLB hát Soọng cô xã Bình Dân thành lập tháng 1/2015 với 25 thành viên. CLB duy trì sinh hoạt ít nhất 2 lần/tháng. Hằng năm, thành viên CLB còn đi giao lưu hát Soọng cô với một số tỉnh, như: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang...; tham gia biểu diễn tại Tuần Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh tại huyện Tiên Yên.
Huyện nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể của dân tộc Sán Dìu. Trong quá trình khôi phục miếu Thành Hoàng, huyện chỉ đạo UBND xã Bình Dân xã hội hóa nguồn kinh phí, khôi phục ngôi miếu trên nền miếu cũ; tổng kinh phí gần 100 triệu đồng, khuôn viên miếu 45m2.
UBND xã Bình Dân còn phối hợp với Công ty TNHH Hải Dương Xanh, Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Tân Việt xây dựng công trình Trung tâm văn hóa - thể thao xã kết hợp với Nhà truyền thống Sán Dìu tại thôn Vòong Tre, kinh phí 8,7 tỷ đồng, khởi công xây dựng tháng 8/2020. Đến nay công trình đã hoàn thiện và đưa sử dụng, phát huy hiệu quả.
Bà Phan Thị Lệ Giang cho biết thêm: Thời gian tới, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tiếp tục tham mưu cho huyện xây dựng các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; thành lập CLB sinh hoạt và trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể tại cộng đồng và điểm du lịch. Đồng thời, tiếp tục thống kê, lập hồ sơ các di sản văn hóa; khuyến khích tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, bảo quản, mở các lớp truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()