Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:29 (GMT +7)
Cách làm của Ba Chẽ
Chủ nhật, 05/12/2021 | 13:44:52 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, nhiều giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Chẽ đã được huyện phát huy một cách hiệu quả, nhiều giá trị văn hóa một thời tưởng như mất hẳn nay đã được khôi phục lại.
Nếu như không tái phát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, thì tháng 11 này huyện Ba Chẽ đã tổ chức Lễ hội Thể thao – Văn hóa dân tộc Sán Chay lần đầu tiên tại xã Thanh Sơn, là xã có đông người Sán Chay sinh sống. Lễ hội gồm lễ cúng tổ tiên, các vị thần theo phong tục của người Sán Chay để cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, mùa vàng tốt tươi và phần hội gồm thi đẩy gậy, kéo co, làm các món ẩm thực của dân tộc Sán Chay. Lễ hội nhằm khích lệ người dân phát huy hơn bản sắc dân tộc mình, nhất là lớp trẻ thấy yêu hơn những gì mà ông cha đã để lại và bảo tồn một cách tốt nhất.
Trước đó, người Dao là dân tộc đông nhất ở huyện Ba Chẽ đã được huyện quan tâm khôi phục và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Theo đó, năm 2020, từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện Ba Chẽ đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn.
Cũng năm 2020, cùng với Hội Trà hoa vàng, huyện Ba Chẽ tổ chức lễ hội Bàn Vương, từ lễ hội này, nhiều giá trị văn hóa của người Dao đã được tôn vinh. Đặc biệt có chương trình trải nghiệm bơi thuyền trên sông Ba Chẽ, được tổ chức tái hiện hành trình “Vượt biển”, từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian (xã Nam Sơn), đi theo đường sông đến miếu Bàn Vương tại thôn Sơn Hải. Theo truyền thuyết, người Dao ở Ba Chẽ có 12 họ và cùng “vượt biển” đến các vùng đất mới, nên Ban tổ chức lễ hội cũng đã sử dụng 12 con thuyền trong lễ hội.
Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa của người Dao, một thời tưởng như không còn nay được phục hồi, như múa Rùa, nhảy lửa thể hiện sức mạnh của con người chống lại sự tàn phá mùa màng của một con rùa thành tinh theo truyền thuyết của người Dao. Đặc biệt có Nghi lễ nhảy lửa đã gây ấn tượng với nhiều du khách và người dân địa phương.
Việc bảo tồn văn hóa người Dao còn có sự vào cuộc tích cực của các em học sinh Trường Phổ thông DTNT huyện Ba Chẽ qua việc làm mặt nạ Ka đong do các nghệ nhân được mời đến truyền dạy, mà trước đó mặt nạ Ka đong bị mai một gần như mất hẳn. Trong lễ cấp sắc của người Dao, nhân vật Ka đong được coi như đấng thần linh bảo vệ con người, dòng họ và bản làng. Múa Ka đong với đeo mặt nạ là một diễn xướng dân gian tổng hợp vô cùng ý nghĩa của người Dao Thanh Y. Những người đàn ông giỏi giang, giỏi đối đáp, giỏi võ thuật sẽ được lựa chọn làm Ka đong. Xen lẫn trong màn múa là các hội thoại răn dạy con người, các bài học đạo đức, bài học ứng xử, kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Thầy mo ngoài nhiệm vụ cấp sắc còn phải răn dạy đứa trẻ khi đã thành người lớn rồi phải tiếp nối dòng họ, tuyệt đối không được làm điều xấu, phải hiếu thuận với cha mẹ, yêu thương giúp đỡ, cứu người.
Ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng VH – TT huyện Ba Chẽ, cho hay, nếu như không có dịch Covid-19 xảy ra, thì trên địa bàn đã có nhiều lớp học được tổ chức như: Lớp dạy nghề chạm bạc, lớp dạy thêu và cắt may người Dao, lớp dạy chế tác mặt nạ gỗ và mặt nạ giấy cho người Dao - Thanh Y. Song song với các lớp học còn có các dự án khôi phục bảo tồn trình diễn dân ca dân vũ của một số dân tộc, Dự án Sưu tầm xuất bản cuốn sách di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Dao. Tất cả, nhằm phát huy một cách tốt nhất giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()