Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 12:23 (GMT +7)
Bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số gắn với du lịch
Chủ nhật, 03/11/2024 | 08:23:44 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 43 dân tộc, trong đó có 42 dân tộc thiểu số (DTTS) với 162.531 người, chiếm 12,31% dân số cả tỉnh. Trong những năm qua, bám sát định hướng trong phát triển văn hóa, con người của tỉnh, các địa phương vùng miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh đã chủ động, từng bước khai thác hiệu quả những tiềm năng về văn hóa bản địa, bản sắc dân tộc, tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững, góp phần thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển KT- XH địa phương.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Thời gian qua, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà… đều đã nhận diện và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS cùng các giá trị thiên nhiên tươi đẹp vùng miền núi, biên giới để xây dựng thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc, thu hút du khách khám phá, trải nghiệm. Trong đó, vai trò chủ thể của người dân không ngừng được phát huy. Không chỉ là người sáng tạo, thực hành, biểu diễn, bảo tồn văn hóa mà chính đồng bào DTTS đang từng bước lan tỏa, đưa nét đặc sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình để phát triển du lịch.
Theo đó, nhân dân các dân tộc ở khắp các địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện tốt các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao; tham gia các mô hình CLB múa, hát dân ca truyền thống, dạy nghề may thêu trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng… Vào các dịp lễ hội, ngày hội văn hóa - thể thao Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, đồng bào DTTS cũng chính là lực lượng chính tham gia tái hiện các nghi lễ truyền thống, biểu diễn văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian. Đặc biệt, từ đây, nhiều nét sinh hoạt văn hóa của người DTTS đã được phát triển trở thành sản phẩm du lịch riêng có của Quảng Ninh, được du khách yêu thích phải kể đến như bóng đá nữ người Sán Chỉ ở Bình Liêu, Tiên Yên.
Góp công trong việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc dân tộc phải kể đến vai trò của các nghệ nhân ưu tú người DTTS, như: Các ông, bà Lương Thiêm Phú, Hoàng Thiêm Thành, Hoàng Thị Viên, Vi Thị Mè (dân tộc Tày) ở Bình Liêu; bà Nông Thị Hang (dân tộc Tày), ông Trần Văn Sẹc, ông Lỷ A Sáng (dân tộc Sán Chỉ), ông Hoàng Văn Hoa (dân tộc Dao) ở Tiên Yên; các bà Tô Thị Tạ, Trương Thị Choong, Trương Thị Trúc (dân tộc Sán Dìu) ở Vân Đồn; các ông, bà Bàn Thị Vinh, Trương Thị Quý, Lý Văn Út, Trương Thị Hoa, Đặng Văn Thương, Trần Xuân Bích, Đặng Thanh Lương (dân tộc Dao) ở Hạ Long…
Không chỉ dành tình yêu, niềm tự hào cho văn hóa truyền thống, những nghệ nhân đã, đang từng ngày vun đắp, trao truyền cho thế hệ trẻ để đến nay nhiều giá trị văn hóa phi vật thể được đánh giá, công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, quốc tế. Nổi bật, Nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam (trong đó có người Tày ở Quảng Ninh) chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Quan tâm, đầu tư thỏa đáng
Ngày 21/6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi, giai đoạn 2023-2025. Đó là làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (Móng Cái), làng người Tày ở thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn và làng người Sán Chỉ ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (Bình Liêu), làng người Sán Dìu ở thôn Vòng Tre, xã Bình Dân (Vân Đồn).
Sau hơn 1 năm triển khai kế hoạch, các địa phương đã tích cực khôi phục, bảo tồn nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc của đồng bào DTTS. Đơn cử, TP Móng Cái đã thực hiện lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Làng văn hóa du lịch cộng đồng tại thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn; phục dựng chợ phiên Pò Hèn, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch thông qua Lễ hội hoa sim biên giới tại xã Hải Sơn.
Huyện Vân Đồn đang triển khai lập hồ sơ tư vấn xây dựng công trình Dự án làng văn hóa dân tộc Sán Dìu, bao gồm các hạng mục: Cổng làng, bãi đỗ xe, mở rộng đường giao thông nội làng; xây dựng kiến trúc bảo tồn nhà văn hóa, trưng bày các hiện vật, xây dựng và phát huy không gian văn hóa vật thể, phi vật thể. Trước đó, huyện cũng đã ban hành Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh”.
Huyện Bình Liêu cùng với việc duy trì tổ chức các hoạt động lễ hội, ngày hội truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, địa phương đã lập hồ sơ đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian hát Soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh và nghi thức mừng cơm mới của người Tày. Trong đó, hát Soóng cọ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2023.
Với mục đích khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ngày 10/5/2024, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 125/KH-UBND về việc triển khai Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 (triển khai năm 2024-2025).
Trong 2 năm 2024-2025, Quảng Ninh sẽ triển khai 15 nhiệm vụ, trọng tâm như: Khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS; tổ chức bảo tồn, phát huy lễ hội truyền thống tiêu biểu các DTTS, khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng những người kế cận. Cùng với đó, hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS và miền núi; hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các DTTS kết hợp với nghiên cứu, khảo sát tiềm năng du lịch, lựa chọn xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho các vùng đồng bào DTTS và miền núi….
Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành một số nội dung: Giao Sở Văn hóa - Thể thao lập 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Lễ cầu mùa dân tộc Sán Chỉ, trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chay (Sán Chỉ) tỉnh Quảng Ninh và trang phục truyền thống dân tộc Dao Thanh Y.
Cùng với đó, giao UBND huyện Bình Liêu xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch di sản cộng đồng các DTTS huyện Bình Liêu; giao UBND huyện Vân Đồn triển khai xây dựng, trưng bày phòng truyền thống dân tộc Sán Dìu tại nhà văn hóa xã Bình Dân (huyện Vân Đồn); giao UBND huyện Ba Chẽ tổ chức và phát huy Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay (xã Thanh Sơn) gắn với phát triển du lịch và sửa chữa nhà văn hóa dân tộc Dao thôn Hải Sơn (xã Nam Sơn).
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()