Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:30 (GMT +7)
Bảo tồn văn hoá các dân tộc ở Tiên Yên
Chủ nhật, 05/11/2023 | 13:42:43 [GMT +7] A A
Có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, với bề dày lịch sử, nhiều phong cảnh thiên nhiên, Tiên Yên luôn chứa đựng nét riêng, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong tiến trình hội nhập, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Yên.
Từ năm 2011, Ban Thường vụ Huyện uỷ Tiên Yên đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/HU về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Triển khai Nghị quyết nói trên, huyện Tiên Yên đã chủ động xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn 2020”. Cụ thể hóa Nghị quyết, còn có nhiều đề án thành phần về danh lam thắng cảnh, về di tích, về cây di sản và về các dân tộc thiểu số.
Nhờ đó, công tác đã có nhiều chuyển biến tích cực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các di sản văn hoá được bảo tồn và phát huy giá trị. Huyện hiện có 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 15 di tích đã được kiểm kê phân loại và phát huy giá trị. Hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở ngày càng phát huy được hiệu quả.
Huyện đã tổ chức thành công 4 kỳ Tuần Văn hoá, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, xây dựng các đề án bảo tồn văn hóa dân tộc Sán Dìu giai đoạn 2020-2025, đề án xây dựng làng văn hoá Tày tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ giai đoạn 2020-2025, định hướng 2023, đề án xây dựng chợ phiên văn hoá vùng cao Hà Lâu.
Một số lễ hội tiếp tục được duy trì thường niên như: Lễ hội Đồng Đình gắn với ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Tày, Lễ hội văn hoá thể thao dân tộc Sán Chỉ gắn với mùa vàng vùng cao Đại Dực, Lễ hội văn hoá dân tộc Dao gắn với chợ phiên vùng cao Hà Lâu, Lễ hội đền Đức ông Hoàng Cần gắn với ngày hội văn hoá thể thao dân tộc Sán Dìu. Huyện duy trì tốt hoạt động của phố đi bộ Tiên Yên vào tối thứ bảy hằng tuần.
Không chỉ cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong nghị quyết, Tiên Yên còn xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội, phục dựng các lễ hội truyền thống, tích cực gìn giữ, bảo tồn các giá trị, tài sản vô giá của cộng đồng bằng việc triển khai các đề án bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Các lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây và trở nên quen thuộc với đông đảo du khách ở cả trong và ngoài huyện.
Ông Nguyễn Chí Thành, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, cho biết: Huyện Tiên Yên rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Chúng tôi triển khai có hiệu quả các đề án về văn hóa, chú trọng đi vào văn hóa của 4 dân tộc chiếm dân số đông, 4 lễ hội lớn, bố trí nguồn lực để bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong huyện.
Kế thừa những thành tựu đã đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên lần thứ 25, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tiên Yên tiếp tục ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU “Về việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa huyện Tiên Yên giai đoạn 2022-2025”.
Mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết hướng đến là năm 2025, Tiên Yên sẽ xây dựng được mỗi xã, phường tối thiểu một mô hình về bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, quy hoạch và triển khai trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, nâng tầm quy mô và chất lượng các lễ hội dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu, lễ hội đua thuyền truyền thống và các nghi lễ đặc trưng như: Lảu then, cầu mùa, cấp sắc, đại phan gắn với phát triển du lịch.
Huyện đăng cai tổ chức Ngày hội văn hoá thể thao các dân tộc Quảng Ninh định kỳ 3 năm một lần, rà soát lập hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân dân gian cho những người có đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hoá. Huyện sẽ tích cực mở các lớp truyền dạy dân ca của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu và lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận lễ cầu mùa của người Sán Chỉ là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Rất nhiều giá trị, nét đặc sắc văn hóa bà con dân tộc như: Âm nhạc dân tộc, lễ cầu mùa, cấp sắc, lễ rước dâu, lễ đại phan, trang phục các dân tộc Dao, Sán Chỉ, Sán Dìu, nhà trình tường, hát soóng cọ, nghệ thuật ẩm thực dân gian, trò chơi dân gian được bảo tồn tốt, trở thành chất liệu được khai thác tạo sức hút cho du lịch. Điển hình nhất là ở sản phẩm du lịch Phố đi bộ “Hồn xưa nét cũ, Tiên Yên phố”.
Ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, cho biết: Chúng tôi học tập kinh nghiệm về tổ chức phố đi bộ nhưng không biến phố đi bộ thành phố thương mại mà kết hợp phố ẩm thực du lịch và văn hóa, lấy bản sắc hồn cốt Tiên Yên. Chúng tôi không làm chợ đêm mà đẩy vào đó những hàm lượng văn hóa, lấy văn hóa làm hồn cốt. Văn hóa sẽ mở ra không gian cho kinh doanh, thương mại. Và văn hóa tạo ra sự khác biệt.
Phạm Học
- 7 - là số Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia của Quảng Ninh
- Từ một Nghị quyết về bảo tồn di sản văn hoá ở Tiên Yên
- 8 di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới tại Việt Nam
- Số hoá các di sản văn hóa về Yên Tử
- Phụ nữ chung tay bảo tồn di sản văn hóa
- Xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, danh thắng
- Số hóa 3D các di sản văn hóa ở Quảng Ninh
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
Liên kết website
Ý kiến ()