Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 12:38 (GMT +7)
Bảo tồn tranh thờ người Dao
Thứ 7, 10/08/2024 | 16:53:07 [GMT +7] A A
Không chỉ có giá trị là vật thiêng mà tranh thờ dân gian của người Dao Quảng Ninh còn chứa đựng nhiều câu chuyện văn hoá đặc sắc. Tuy nhiên, số nghệ nhân còn vẽ được tranh thờ rất ít, cộng với việc nhiều gia đình người Dao đã không còn duy trì tục thờ tranh đã đẩy dòng tranh dân gian này đến bờ vực thẳm của sự mai một.
Tranh dân gian của người Dao nhiều nhất vẫn là tranh thờ, chiếm một vị trí quan trọng trong sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Dao, được bảo tồn từ nhiều đời nay. Người Dao thường sử dụng tranh thờ trong lễ cấp sắc, Tết nhảy và các nghi lễ quan trọng khác, tạo nên một nét văn hóa riêng biệt, đặc sắc. Đặc biệt, tranh trong các hoạt động chung của cộng đồng thường có hình tượng Bàn Vương. Hình tượng này chính là long khuyển, tức là con chó ngũ sắc mình rồng, có đến 12 chiếc đuôi.
Tuy nhân vật là các thiên thần nhưng tranh không bay bổng siêu thực mà lại được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực. Các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều mang nét oai nghiêm. Màu chủ đạo trong tranh là xanh, đỏ, tím, vàng, trắng, được cụ thể hóa trong từng chi tiết.
Bên cạnh giá trị tín ngưỡng, tranh thờ còn mang tính giáo dục, chứa đựng kho tri thức dân gian rất lớn. Tranh chứa đựng quan niệm của người Dao tự thuở hồng hoang gắn với lịch sử cội nguồn, cũng như các mối quan hệ giữa con người với vũ trụ, thần linh và những ước vọng trong cuộc sống. Theo đó, có 3 vị thần linh có quyền năng vô song, bảo trợ cuộc sống cho con người là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ).
Tranh là của gia bảo nên người Dao không treo tranh hằng ngày trong nhà, chỉ khi tiến hành nghi lễ mới treo. Quan niệm của người Dao cho rằng, tranh thờ thể hiện sự linh thiêng, liên quan đến sự an nguy của gia đình, dòng tộc. Bởi thế, họ làm lễ cúng tế và cất giữ bộ tranh rất cẩn thận. Tranh của thầy cúng thì dùng chung cho cả cộng đồng. Trong lễ cấp sắc, người ta treo rất nhiều bộ tranh thờ do các thầy cúng mang tới.
Có khi bộ tranh có tuổi đời hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm. Một bộ tranh thờ gồm nhiều bức tranh khác nhau và được vẽ rất kỳ công, từ khâu làm giấy vẽ, lựa chọn mực vẽ. Theo nghệ nhân Hoàng Văn Tài, ở xã Đông Hải (huyện Tiên Yên), bộ tranh nào nhiều thì 12 tranh, ít cũng 3 tranh và khi sắm về phải làm lễ cúng rất phức tạp nên đều được các gia đình, dòng họ coi như bảo vật gia đình.
Cái khó của nghệ nhân vẽ tranh là trong một diện tích hẹp và dài phải bố cục dày đặc các nhân vật thần chủ. Đó là Ngọc Hoàng, Thái Thượng lão quân, Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thánh chủ, Khai Thiên, Khai Địa, Thiên Lôi, La Sát cùng với trần gian, thần linh, đức Phật, quỷ thần và địa ngục... Bức tranh nhiều nhất có tới 120 nhân vật thần chủ. Các nhân vật này tuân theo một quy tắc xã hội, nhân vật nào có quyền năng lớn được vẽ to, chiếm vị trí trung tâm, còn các thần ít quyền năng hơn thì được vẽ đơn giản, kích thước nhỏ. Ngoài ra còn có voi, ngựa, cờ lọng, tuỳ tùng hầu hạ.
Cái tài nữa của người nghệ nhân là trong cùng một khuôn tranh, lại thể hiện được nhiều lớp không gian, thời gian, thực và ảo khác nhau, các thần chính, thần phụ, ma quỷ và con người. Đặc biệt có bức tranh thờ vẽ đủ các cảnh, từ mặt đất lên bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục tới tiên cảnh, tùy theo trí tưởng tượng phong phú của nghệ nhân dân gian.
Xưa kia, người Dao tự làm giấy dó để làm giấy vẽ tranh, nay tiện hơn vì có sẵn trên thị trường. Nghệ nhân sẽ dùng gạo nếp, bì trâu băm nhỏ và vài lát cây rừng cho vào nồi đun sôi nhỏ lửa khoảng 2 ngày, 2 đêm để tạo ra chất hồ kết dính. Sau đó, họ trải giấy dó ra rồi phết hồ lên từng tấm. Cứ như vậy, khoảng 10 đến 15 tấm giấy dó được bồi vào nhau tạo nên một tấm giấy dày rồi mang treo ở chỗ thoáng gió, để lớp keo kết dính khô từ từ.
Công phu là thế nên việc hoàn thành một bộ tranh thường mất khoảng vài tháng đến 1 năm. Và đương nhiên, giá của mỗi bộ tranh thờ lên tới hàng chục triệu đồng. Không phải gia đình nào cũng có điều kiện để mua. Đây cũng là một trong những lý do số lượng tranh thờ không còn nhiều. Nhu cầu ít đi nên số lượng nghệ nhân cũng chỉ tính trên đầu ngón tay. Đáng lo ngại nữa là nhiều gia đình đã mất hẳn tục thờ tranh. Vì vậy, thiết nghĩ việc sưu tầm, bảo tồn tranh thờ của người Dao nói riêng, tranh dân gian ở Quảng Ninh nói chung rất cần được quan tâm hơn nữa.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()