Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8/6) Bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học biển
Thứ 7, 08/06/2024 | 06:03:38 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh luôn coi trọng thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh” bền vững. Trong đó, công tác bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ, phục hồi đa dạng sinh học biển được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Quảng Ninh sở hữu chiều dài bờ biển trên 250km, diện tích vùng biển khoảng 6.000km2 - đây là lợi thế lớn, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, Quảng Ninh là một trong những địa phương có đa dạng sinh học biển lớn, với nhiều kiểu hệ sinh thái, loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu; trong đó, nhiều hệ sinh thái đặc trưng, nhiều loài sinh vật có giá trị kinh tế cao.
Nhận thức rõ lợi thế về biển, Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ môi trường biển, cùng với đó là tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi đa dạng sinh học trên vùng biển. Ngày 1/9/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, năm 2018, tỉnh ban hành Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm.
Cùng với đó, nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành được tỉnh ban hành, như: Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 12/3/2018) về bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2022; Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 26/9/2022) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030...
Đến nay, tại khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường vịnh, cũng như giám sát việc chấp hành những quy định bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống vịnh. Tỉnh đã đầu tư 40 hệ thống máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan... Các tàu chở khách du lịch trên địa bàn cũng chủ động đầu tư hệ thống xử lý nước thải; lắp đặt các thiết bị phân ly dầu - nước trên 100% tàu du lịch; thu gom rác thải tập kết về đất liền sau mỗi chuyến hành trình. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ra quân thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát...
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thay thế hoàn toàn phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, thời gian qua các địa phương ven biển của tỉnh đã tập trung ra quân tổ chức thực hiện chuyển đổi phao xốp, cũng như di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép ảnh hưởng đến môi trường biển. Đến nay, 9 địa phương ven biển của tỉnh đã chuyển đổi được hơn 6,015 triệu phao xốp sang vật liệu nổi hợp chuẩn quy, đạt 97,8% kế hoạch.
Hiện nay, Quảng Ninh đã quy hoạch hơn 45.000ha khu vực biển dành cho nuôi biển, tổng diện tích đã đưa vào khai thác nuôi thủy sản hiện đạt trên 42.300ha, theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp và bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo. Bên cạnh đó, tỉnh khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt 5 khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý hiếm, đặc hữu trên vịnh Hạ Long, bảo tồn các loại thực vật quý; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; triển khai 14 dự án thuộc đề án cải thiện môi trường tỉnh; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ; di dời toàn bộ nhà bè trên vịnh…
Đồng thời, tiếp tục cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển; phục hồi và phát triển hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo, phấn đấu đến năm 2030 trồng phục hồi thêm khoảng 30-50ha. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái biển. Các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó các hình thức đánh bắt tận diệt đã được ngăn chặn và xử lý triệt để.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU ngày 1/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản được các lực lượng chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, nên những năm qua đã phát hiện, ngăn chặn hàng ngàn vụ, việc ngư dân sử dụng các công cụ khai thác thủy sản bằng hình thức tận diệt, hành vi buôn bán, vận chuyển giống thủy sản không rõ nguồn gốc... Qua triển khai, ý thức, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến; nhận thức của người dân, nhất là ngư dân đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã được nâng lên rõ rệt; ngày càng xuất hiện nhiều những gương người tốt, việc làm hay trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản thể hiện qua các hành động chung tay làm sạch môi trường biển, bảo vệ, giải cứu các loài thủy sinh nguy cấp, quý hiếm như rùa biển, cá voi...
Kết quả tích cực từ môi trường biển những năm qua là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của Quảng Ninh. Theo nhận định của các chuyên gia, môi trường biển trên địa bàn Quảng Ninh đã và đang được cải thiện tích cực, ngày càng trong sạch hơn và nguồn thức ăn dồi dào trở lại chính là lý do khiến một số loại động vật quý hiếm như rùa, vích, cá heo, cá voi quay lại sinh sống, săn mồi. Việc các loài sinh vật đại dương quý hiếm liên tục xuất hiện trên vùng biển Quảng Ninh là tín hiệu đáng mừng cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển của tỉnh đang ngày càng cải thiện tốt lên...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()