Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống ở xã Nam Sơn
Thứ 2, 22/03/2021 | 09:36:45 [GMT +7] A A
Xã Nam Sơn là nơi có Miếu Ông - Miếu Bà và nhiều điểm di tích văn hóa giá trị khác nữa của huyện Ba Chẽ. Người dân Nam Sơn cũng đã từ lâu hình thành ý thức về phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình qua nhiều hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc.
Điểm nổi bật của hoạt động văn hóa huyện Ba Chẽ gần đây nhất là Chương trình Hội Trà hoa vàng lần thứ III, Lễ hội Bàn Vương năm 2020 và đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Miếu Ông - Miếu Bà ở xã Nam Sơn, tổ chức vào cuối tháng 12/2020.
Tại Lễ hội Bàn Vương, người dân được trải nghiệm bơi thuyền trên sông Ba Chẽ (đoạn sông khu vực xã Nam Sơn) tái hiện hành trình “vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp. Nếu như ở các huyện khác trong tỉnh, người Dao thường chọn vị trí vùng cao để sinh sống, thường chỉ thạo việc rừng, thì người Dao ở Ba Chẽ lại khởi nghiệp bên sông, họ xây dựng các làng bản bên sông và rất thông thạo sông nước.
Hành trình "vượt biển" của người Dao được tái hiện trong Lễ hội Bàn Vương năm 2020. |
Hành trình “Vượt biển” tái hiện việc 12 dòng họ người Dao ở Ba Chẽ, du khách cũng đã phần nào hình dung được, việc hình thành các làng bản người Dao của xã Nam Sơn là các thôn Làng Mới, Cái Gian, Sơn Hải, Khe Sâu ngày nay.
Năm 2020, từ Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, huyện Ba Chẽ đã xây dựng miếu Bàn Vương và Nhà sinh hoạt truyền thống cộng đồng người Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn. Trước mắt, công trình nhằm đáp ứng nhu cầu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh, sau để phát triển du lịch.
Hàng năm vào những ngày lễ hội, 100% chị em phụ nữ người Dao đều mặc các bộ quần áo truyền thống của dân tộc mình. Để duy trì được nét văn hóa đó, Nam Sơn có CLB Thêu thổ cẩm Dao Sán Chay ở thôn Lò Vôi với 21 hội viên của các hộ gia đình ở thôn, để làm ra những bộ quần áo cho các chị em.
Trong các lễ hội trên địa bàn huyện, người Dao ở Nam Sơn còn múa Phùn Voòng là nghi lễ rất quan trọng của họ. Nam Sơn có CLB múa Phùn Voòng đã hoạt động hiệu quả từ nhiều năm qua.
Múa Phùn Voòng trước miếu Bàn Vương tại Lễ hội Bàn Vương 2020. |
Người đến Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà còn rất ấn tượng với môn đua thuyền độc mộc trên sông Ba Chẽ. Nghề đua thuyền cũng nhằm tôn vinh cuộc sống mưu sinh của bà con người Dao gắn liền với sông nước. Ở thôn Làng Mới (Nam Sơn) từ nhiều năm nay duy trì cơ sở đóng thuyền độc mộc. Nghề này có cách đây 30 năm, do 9 hộ dân trong thôn cùng chung vốn vào làm nghề. Nghề đóng tàu thuyền thôn Làng Mới một thời phục vụ hầu hết các thôn của Nam Sơn và các thôn bám con sông Ba Chẽ của các xã khác trên địa bàn huyện. Ngày nay, nghề này đã kém đi nhưng vẫn duy trì, tạo ra phương tiện thúc đẩy môn chèo thuyền bằng chân rất độc đáo ở Ba Chẽ trong Lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà hàng năm.
Ở thôn Làng Mới còn có lò gốm sứ cổ có cách đây hơn 100 năm. Tháng 6/2013, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Sở KH&CN và Viện Khảo cổ học đã tiến hành khảo sát lò gốm sứ cổ này. Các mẫu vật ở đây được Viện Khảo cổ học đánh giá “Chất lượng xương sứ Ba Chẽ hàng đầu Việt Nam và tương đương với chất lượng đồ sứ Trung Quốc giai đoạn thế kỷ 19 và đây là di tích có tính chất đặc trưng về công nghiệp chế tác đồ sứ, đặc biệt là lò nung có quy mô lớn nhất Việt Nam thời điểm lò gốm hoạt động”.
Không chỉ lưu giữ lại những nét xưa, người dân xã Nam Sơn cũng đã rất cố gắng trong việc xây dựng đời sống mới. Nam Sơn từ xã đặc biệt khó khăn thì đã ra khỏi diện này năm 2019. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,9% và tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85%.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()