Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:04 (GMT +7)
Bảo tồn nhà trình tường với kiến trúc độc đáo
Chủ nhật, 23/06/2024 | 14:05:10 [GMT +7] A A
Nhà đất trình tường là nét văn hóa bản địa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số còn được lưu giữ lại với lối kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, khi cuộc sống hiện đại gõ cửa các bản làng thì nhà trình tường cũng dần mất đi. Tại các thôn bản vùng cao của Quảng Ninh, những nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của những ngôi nhà trình tường chính là cách để gìn giữ một không gian văn hóa đặc trưng gắn với đời sống sinh hoạt của đồng bào nơi đây.
Đại Dực là một xã vùng cao của huyện Tiên Yên, cách trung tâm huyện gần 30km. Nơi đây còn lưu giữ được nhiều nếp nhà trình tường của đồng bào các dân tộc, đa số là người Sán Chỉ. Kiến trúc mộc mạc, cổ kính của những ngôi nhà sàn cổ người Sán Chỉ thấp thoáng giữa núi rừng xanh mát như tô điểm thêm cho vẻ đẹp yên bình, nên thơ của non nước Đại Dực.
Men theo con dốc nhỏ dẫn lên đồi, anh Nình A Vày, cán bộ văn hóa xã Đại Dực dẫn chúng tôi ghé thăm ngôi nhà của gia đình bà Nình Móc Màu ở thôn Khe Lục, xã Đại Dực.
Căn nhà sàn cổ gần 60 năm tuổi đặc trưng cho kiến trúc nhà trình tường đất của người Sán Chỉ, với điểm nhấn là cổng và bức tường đá bao quanh nhà được chồng xếp rất tự nhiên, tỉ mỉ, tạo nên một vẻ đẹp hòa quyện với thiên nhiên cho ngôi nhà. Móng nhà cũng được xếp bằng đá lấy từ sông suối.
Tường nhà bằng gạch đất, lợp ngói âm dương, các khung cột, vách ngăn, kèo trong nhà chủ yếu làm bằng gỗ và tre. Gỗ làm nhà để không bị cong vênh và có độ bền cao thì phải ngâm trong bùn, sau đó phơi khô rồi mới làm cột nhà, tránh bị mối mọt.
Bên cạnh phòng khách và phòng ngủ, gian bếp cũng được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, phía trên bếp có giàn gác để chứa các loại hạt giống và đồ dùng làm bằng tre nứa.
Trong bộ trang phục truyền thống của đồng bào Sán Chỉ, bà Nình Móc Màu - chủ nhân của ngôi nhà cổ niềm nở tiếp đón chúng tôi. Bà cho biết, căn nhà này được gia đình làm từ năm 1969 và phải mất 2 tháng chuẩn bị vật liệu, 1 tháng xây dựng.
Trong quá trình làm nhà, hàng xóm cũng sang giúp nhau xây nhà. Bà mong muốn có thể gìn giữ được ngôi nhà này để con cháu đời sau biết đến những ngôi nhà cổ của ông cha được xây dựng như thế nào.
Theo thống kê toàn xã Đại Dực hiện có 18 căn nhà trình tường nằm rải rác ở các thôn bản. Tuy vậy, không còn nhiều ngôi nhà giữ được nguyên bản như căn nhà của gia đình bà Nình Móc Màu.
Anh Nình A Vày, cán bộ văn hóa xã Đại Dực, cho biết: Để bảo tồn những căn nhà này, xã đã và đang thực hiện các đề án bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch của địa phương để những căn nhà cổ trở thành điểm tham quan cho du khách khi đến với Đại Dực.
Không dừng lại ở việc bảo tồn những ngôi nhà trình tường, xã Đại Dực còn phát huy giá trị của những ngôi nhà này trở thành những homestay gắn với du lịch cộng đồng ở địa phương.
Đi vào hoạt động từ ngày 15/3/2024, homestay Đại Dực tại thôn Khe Lục, xã Đại Dực trở thành điểm tham quan, lưu trú của du khách trong và ngoài tỉnh, khám phá nét kiến trúc nhà gạch đất độc đáo mang màu sắc bản địa và những hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra tại đây như hát soóng cọ, giao lưu lửa trại, trò chơi dân gian đánh quay.
Tuy vậy, một thách thức đặt ra là những ngôi nhà cổ đang nằm rải rác chứ không tập trung tại một địa điểm nên chưa tạo được sức hút lớn với khách du lịch và cũng chưa đáp ứng được nhu cầu lưu trú của những đoàn khách lớn.
Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục cho cải tạo lại và xây thêm những ngôi nhà trình tường để trở thành những homestay đón khách du lịch và tuyên truyền vận động nhân dân gìn giữ nhà cổ truyền thống của người Sán Chỉ, định hướng phát triển thành một bản làng du lịch cộng đồng ở thôn Khe Lục, xã Đại Dực, tạo nên những giá trị văn hóa điểm nhấn cho Đại Dực.
Nếu như xã Đại Dực đang bước đầu thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn nhà trình tường gắn với phát triển du lịch địa phương thì xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên - nơi có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống - vẫn còn những khó khăn vướng mắc trong việc bảo tồn những ngôi nhà cổ này.
Trên địa bàn xã hiện nay chỉ còn giữ được vài ba ngôi nhà gạch đất. Các ngôi nhà trình tường ở đây đều trong hiện trạng đã bị xuống cấp không còn người ở và đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà bằng gạch, bê tông...
Ngôi nhà gạch đất của gia đình ông Chu Văn Dương, người dân tộc Tày ở thôn Hua Cầu, xã Phong Dụ là ngôi nhà cổ của người Tày duy nhất còn lại trên địa bàn xã.
Căn nhà được xây dựng từ năm 1967, qua nhiều lần tu sửa nhưng theo thời gian vẫn bị xuống cấp và không còn người ở hơn 3 năm nay. Gia đình ông Dương đã chuyển sang sinh sống ở căn nhà mái bằng xây mới kiên cố ngay cạnh đó.
Mặc dù huyện Tiên Yên đã có chủ trương bảo tồn những ngôi nhà cổ, tuy nhiên kinh phí đầu tư sửa chữa, cải tạo nhà trình tường rất lớn, trong khi đó các doanh nghiệp chưa "mặn mà" đầu tư, nguồn ngân sách địa phương lại hạn hẹp. Vì vậy, để bảo tồn cần một kế hoạch dài hơi, trong đó muốn thành công phải có sự vào cuộc của cả chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân.
Chia sẻ về những khó khăn của địa phương trong việc bảo tồn nhà trình tường, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Dụ, cho biết: Hiện nay, xã Phong Dụ chưa có đề án cụ thể cho việc bảo tồn nhà trình tường, vì vậy chưa có nguồn kinh phí chi cho việc này. Xã cũng có chủ trương vận động nhân dân chung tay gìn giữ nhà cổ nhưng số lượng các căn nhà còn rất ít và nếu chỉ trông chờ vào người dân mà không có những giải pháp tổng thể thì những căn nhà trình tường có thể sẽ không còn.
Cùng với Tiên Yên, Bình Liêu cũng là địa phương còn lưu giữ được những nếp nhà trình tường của đồng bào các dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Chỉ... Nhà trình tường của người Tày Bình Liêu cũng được làm hoàn toàn từ các vật liệu tự nhiên gồm cây, đất và đá.
Gạch để xây nhà được làm từ bùn lấy ở ruộng sau đó đóng thành viên. Để gắn kết các viên gạch, đồng bào Tày ở đây cũng dùng chính đất ruộng được nhào nhuyễn chứ không dùng bất cứ loại nguyên liệu nào khác. Thời điểm lấy đất làm gạch xây nhà thường sau khi gặt xong lúa tháng 10.
Ông Trần Sìu Thu, thôn Đồng Thanh (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu), cho biết: Đất ruộng sau khi gặt xong sẽ được lấy lên, cho trâu giẫm nhuyễn rồi đóng thành gạch và phơi khô, sau đó lấy làm nhà. Mái nhà thì được lợp bằng ngói âm dương - loại ngói đặc biệt được làm từ đất sét đỏ, giúp cho ngôi nhà mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Kiến trúc nhà của người Tày Bình Liêu thường gồm nhà chính, nhà bếp, nhà kho và sân phơi. Hầu hết ngôi nhà của người Tày đều có ngõ và cổng. Cũng giống người Sán Chỉ, người Tày cũng có phong tục giúp nhau dựng nhà.
Bà Lý Thị Hoàng, thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu), chia sẻ: Trong thôn bản hiện tại có 10 hộ dân là còn giữ được những ngôi nhà trình tường. Chúng tôi vận động bà con giữ gìn những ngôi nhà truyền thống này để giữ lại những nét văn hóa của địa phương đồng thời trở thành địa điểm du lịch cho du khách tham quan.
Có thể nói, mỗi ngôi nhà gạch đất truyền thống là một di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và gìn giữ bởi nó không chỉ thể hiện sự khéo léo và bộ óc sáng tạo của con người, mà ở đó còn là cả một kho tàng tri thức dân gian, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên, được đúc kết, lưu truyền qua nhiều thế hệ, là biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng ở những bản làng vùng cao Đông Bắc.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()