Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:48 (GMT +7)
Thăm những ngôi nhà cổ ở Quan Lạn
Chủ nhật, 11/07/2021 | 07:58:43 [GMT +7] A A
Từ 11 ngôi nhà cổ , xã Quan Lạn (Vân Đồn) giờ chỉ còn lại 3. Tình trạng trên đặt ra yêu cầu bảo tồn để gìn giữ những giá trị quý báu cho thế hệ mai sau.
Không gian hoài niệm
Nằm lặng im giữa những ngôi nhà mái bằng và khu khách sạn sầm uất mọc lên san sát tại trung tâm xã Quan Lạn là ngôi nhà cổ màu trắng thuộc sở hữu của vợ chồng cụ Vũ Thị Dược và Nguyễn Văn Di ở thôn Thái Hòa. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1918, ban đầu thuộc sở hữu của cụ chánh Đạt và được gia đình cụ Dược mua lại vào năm 1989.
Nhìn từ xa, ngôi nhà giản dị song lại khác biệt hoàn toàn với những nhà ống xung quanh bởi lối kiến trúc cổ. Ngôi nhà được xây hoàn toàn bằng đá và vữa được làm từ mật mía trộn vôi và phụ gia. Bước vào ngôi nhà như bước vào một dòng thời gian khác, những năm đầu thế kỷ 20.
Nhà được xây theo kết cấu tứ trụ 5 gian, 2 chái, gồm 4 cột gỗ lim to và cao hơn 7m. Nhiều hoành phi câu đối bằng chữ Hán Nôm. Sau khi cụ Di mất, cụ Dược chuyển vào thị trấn Cái Rồng sống cùng con cháu thì ngôi nhà trở nên vắng vẻ, chỉ còn được sử dụng để thờ cúng.
Trong sự vắng lặng của ngôi nhà có lẽ khoảng sân rộng là nơi toát ra sức sống và sự sinh động đặc biệt. Đó là bể nước mưa mà hầu hết các gia đình Bắc Bộ đều có vào mấy chục năm trước, những chum mắm xếp đều tăm tắp, tràn ra cả khoảng sân sau, cho ải mưa, ải nắng và ngấu mùi thời gian…
Cùng thăm ngôi nhà với chúng tôi có ông Phạm Quốc Duyệt, nguyên Trưởng ban Văn hóa xã Quan Lạn, hội viên Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Quảng Ninh. Ông là người đam mê và có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa truyền thống quê hương. Ông Duyệt đã cho ra mắt một cuốn sách có tên “Dặm dài Quan Lạn”, sưu tầm công phu về văn hóa địa phương. Ông cũng đang ấp ủ một cuốn sách viết về những vốn quý trong văn hóa Quan Lạn như chuyện về những cái giếng cổ, về cây mắm đã một thời cứu đói cho người dân và trong bản thảo cuốn sách ông cũng dành một phần để nói về những ngôi nhà cổ tại Quan Lạn.
Theo ông Duyệt, trong số 11 ngôi nhà cổ tại Quan Lạn, ngôi nhà màu trắng của gia đình cụ Dược là ngôi nhà cao nhất và cũng là ngôi nhà còn giữ được nhiều nét nguyên bản, từ hiên nhà mang phong cách kiến trúc Pháp tới các gian phòng bên Đông và bên Tây.
Số phận 2 ngôi nhà cổ
Theo chân ông Duyệt đến căn nhà thứ hai, chúng tôi ngỡ ngàng và cũng có phần xót xa. Nhìn hiện trạng ngôi nhà với lớp vôi vàng mới quét, các bức tường được xây bê tông vững chãi, cửa được thay mới, thật khó tin đây là một ngôi nhà cổ. Ngoài dáng dấp còn vương đôi chút xưa cũ thì gần như mọi chi tiết trong ngôi đã bị thay mới.
Ấy vậy mà tính về tuổi đời thì ngôi nhà cổ thứ 2 còn được xây dựng trước cả ngôi nhà cổ màu trắng của cụ chánh Đạt, là nhà do cụ chánh Đạt xây cho con gái vào năm 1917.
Ngôi nhà cổ thứ 3 là nhà của bà Nguyễn Thị Nhung tại thôn Bấc, hiện vẫn còn có gia chủ sinh sống. Đó là bà Nhung và người con trai út bị khuyết tật.
Trải qua 4 thế hệ, ngôi nhà hơn 100 năm tuổi này đã bị mối mọt, hỏng hóc và không còn an toàn để sinh sống lâu dài nếu không được trùng tu. Một bên mái của ngôi nhà từng bị hất bay trong cơn bão năm 2019. Mặc dù, bà Nhung đã cố gắng giữ gìn ngôi nhà theo tâm nguyện của cha ông nhưng tuổi già, gia cảnh khó khăn khiến việc trùng tu, nâng cấp ngôi nhà đã trở thành lực bất tòng tâm đối với bà. Trong giọng nói nghẹn ngào, bà Nhung chia sẻ: Đầu hoành nhà tôi hiện đang bị mục nhưng chúng tôi không có điều kiện sửa chữa. Bây giờ tuổi già sức yếu, cứ ở tạm vậy thôi.
Những ngôi nhà cổ còn sót lại tại Quan Lạn đều là tài sản tư nhân. Việc sửa chữa, bảo tồn những ngôi nhà này hiện mới chỉ dừng lại ở trách nhiệm và nhận thức của các hộ gia đình. Nếu nhà xuống cấp, không có điều kiện tài chính thì gia đình phải chịu cảnh sống trong nơm nớp lo sợ còn nếu có điều kiện, căn nhà lại được cải tạo theo hướng bỏ đi xây mới hoàn toàn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị lịch sử và kiến trúc xa xưa.
Sự biến mất của những ngôi nhà cổ tại Quan Lạn và thực trạng 3 ngôi nhà còn sót lại đang đặt ra yêu cầu bảo tồn cấp bách. Và trong câu chuyện đó, không thể thiếu được vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Bảo tồn nhà cổ không chỉ là cần sự hỗ trợ về tài chính mà còn là tư vấn chuyên sâu để làm sao bảo tồn đúng cách. Nếu không có những giải pháp mạnh mẽ và kịp thời, những ngôi nhà cổ tại Quan Lạn sẽ biến mất trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Nhà cổ rồi sẽ chỉ còn trong những trang viết đầy hoài niệm của những nhà nghiên cứu tâm huyết và thế hệ trẻ sẽ không bao giờ còn có cơ hội được tận mắt nhìn hay chạm vào quá khứ nữa.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()