Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 10:14 (GMT +7)
Bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng
Thứ 4, 14/08/2024 | 10:02:59 [GMT +7] A A
Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 55%, với trên 370.000ha đất có rừng, là địa phương đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố có diện tích rừng lớn nhất trong cả nước. Những cánh rừng không chỉ tạo sinh kế cho người dân có thu nhập ổn định, mà còn là nơi bảo tồn đa dạng sinh học, là vành đai bảo vệ biên giới, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để bảo vệ và phát triển rừng bền vững, Quảng Ninh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. HĐND tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển lâm nghiệp, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, điển hình như Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn Quảng Ninh.
Nghị quyết triển khai thí điểm tại TP Hạ Long, TP Cẩm Phả và huyện Ba Chẽ với 921 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tham gia chính sách phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, cây bản địa, với diện tích hơn 1.400ha; tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ 28,8 tỷ đồng. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 19 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND, thay thế cho Nghị quyết số 337/2021/NQ-HĐND. Nghị quyết số 37/2024/NQ-HĐND đã mở rộng phạm vi áp dụng từ 2 địa phương lên 13 địa phương toàn tỉnh; mở rộng đối tượng áp dụng từ hộ gia đình, cá nhân lên tổ chức, nhóm hộ, hộ gia đình, cá nhân. Điều chỉnh, bổ sung nhiều chính sách…
Đặc biệt, để bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Kiểm lâm), các cơ quan chức năng (Công an, Bộ đội biên phòng...) phối hợp với chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng, nhất là động vật, thực vật rừng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Điều 38 của Luật Lâm nghiệp; các quy định của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Công tác quản lý hoạt động gây nuôi, trồng, buôn bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh các loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và mẫu vật các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES được triển khai nghiêm túc.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 110 cơ sở gây nuôi động vật rừng (36 cơ sở gây nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; 61 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường) 13 cơ sở nuôi cả động vật rừng nguy cấp quý hiếm và động vật rừng thông thường với khoản 20 loài và 8.000 cá thể; loài nuôi chủ yếu là Dúi, Nhím, Cầy vòi hương, Cầy vòi mốc, Kỳ đà hoa, Rắn ráo trâu, Rắn hổ mang... Việc gây nuôi đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ sở nuôi đều đảm bảo tuân thủ về nguồn gốc hợp pháp, chuồng trại, kỹ thuật gây nuôi, các biện pháp an toàn cho người nuôi và người dân trong vùng, cơ bản đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
Để quản lý tốt việc kinh doanh, buôn bán động vật hoang dã, lực lượng kiểm lâm đã tổ chức ký cam kết đối với các cơ sở kinh doanh, nhà hàng có hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật rừng gây nuôi hợp pháp trên địa bàn tỉnh về việc không mua, bán, sử dụng, tiêu thụ, trung bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp. Chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn nắm thông tin, tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định pháp luật; tuyên truyền, hướng dẫn người dân chấp hành các quy định trong lĩnh vực quản lý động vật hoang dã, quản lý lâm sản.
Hệ sinh thái rừng là nơi bảo tồn lưu trữ tính đa dạng sinh học chủ yếu, có tính đặc thù và nguy cơ cao nên cần bảo vệ đặc biệt. Những nỗ lực bảo tồn rừng của Quảng Ninh đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ “lá phổi” xanh của trái đất, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng của tự nhiên.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()