Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:39 (GMT +7)
Bảo tồn đa dạng sinh học biển
Thứ 5, 11/03/2021 | 09:00:46 [GMT +7] A A
Để phát triển bền vững kinh tế biển, công tác bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học, bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên từ biển được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách. Đó cũng là mục tiêu của các dự án về bảo tồn biển mà tỉnh triển khai thời gian qua.
Rừng ngập mặn và vùng triều đá là 2 hệ sinh cảnh tại khu vực đảo Ba Mùn (Vườn quốc gia Bái Tử Long). |
Năm 2020, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long tổng kết 5 năm thực hiện "Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước của Vườn quốc gia Bái Tử Long, giai đoạn 2016-2020". Hiệu quả của cách làm này khẳng định bằng kết quả khảo sát thực tế: Từ tình trạng suy giảm, cạn kiệt nghiêm trọng nguồn lợi nhuyễn thể ven các đảo trước đây, đến nay trữ lượng nhuyễn thể ở một số khu vực đã bước vào giai đoạn ổn định; một số loài thủy sản quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao như bào ngư, hải sâm, cầu gai... có sự phục hồi tốt.
Người dân địa phương không còn khai thác tự do, tận thu, mà trực tiếp tham gia đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, khai thác hợp lý đi liền với bảo tồn. Người dân còn là “cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm tại Vườn quốc gia, đấu tranh hiệu quả với các hành vi xâm hại vùng biển, vùng bãi triều, vùng rừng ngập mặn, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại đây.
Ngư dân thị trấn Cô Tô (huyện Cô Tô) cập bến sau chuyến đánh bắt trên biển. |
Tháng 5/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 1614/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần là khu bảo tồn loài, sinh cảnh cấp tỉnh. Theo đó, khu bảo tồn biển này nằm trong ranh giới hành chính của các xã Đồng Tiến, Thanh Lân và thị trấn Cô Tô của huyện Cô Tô, tổng diện tích trên 18.400ha. Trong đó, trên 3.200ha thuộc các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (đảo Trần, hòn Bồ Kết, Cô Tô Con, Thanh Lân, hòn Ngựa); trên 3.200ha thuộc các phân khu phục hồi sinh thái; gần 6.800ha thuộc vùng đệm và phân khu dịch vụ, hành chính...
Theo quyết định này, Sở TN&MT chủ trì điều tra, đánh giá tiềm năng, xây dựng dữ liệu về tài nguyên và môi trường biển, hải đảo liên quan đến phạm vi khu bảo tồn. Từ đó làm cơ sở triển khai các dự án bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Địa phương chủ đồng đề xuất, triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ cộng đồng dân cư ven biển phát triển kinh tế, chuyển đổi hoặc phát triển ngành nghề mới nhằm đảm bảo cuộc sống, giảm sức ép tới môi trường và khả năng tổn hại tới khu bảo tồn.
Cùng với đó là đẩy mạnh các biện pháp từng bước nâng cao nhận thức và kiến thức của cộng đồng dân cư về tầm quan trọng, giá trị các nguồn tài nguyên sinh vật biển. Từ đó, huy động sự đồng thuận, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân trong bảo vệ, khai thác đúng mức tài nguyên biển.
UBND xã Quan Lạn (huyện Vân Đồn) cùng ngư dân thả con rùa biển nặng 56kg đánh bắt được về môi trường tự nhiên, tháng 11/2020. Ảnh: Mạnh Trường |
Những giải pháp được triển khai tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần... là các giải pháp cụ thể trong phát triển bền vững kinh tế biển. Tuy nhiên ngành kinh tế biển hiện phải đối mặt với nhiều thách thức, như: Sự suy giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, tình trạng ngư dân khai thác thủy sản bất hợp pháp, môi trường tự nhiên bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu toàn cầu...
Để phát triển bền vững kinh tế biển thì phải chú trọng tới công tác bảo tồn lâu dài, chủ động gìn giữ, tái tạo nguồn lợi bền vững; trong đó cần nhân rộng cách làm về bảo tồn biển.
Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các tỉnh ven biển trong cả nước tiến hành rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đề án bao gồm cả nuôi và trồng các đối tượng thủy sinh vật - nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng nhóm sản phẩm, trong đó doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp là yêu tố then chốt trong đề án. Bộ NN&PTNT tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách cho các dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, nuôi lồng bè công nghiệp ở vùng biển xa, biển hở; hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp để nhập công nghệ, chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống nhân tạo các đối tượng nuôi biển. |
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()