Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)
Bảo tồn cọc gỗ Bạch Đằng trong môi trường ngập nước
Chủ nhật, 06/06/2021 | 09:13:45 [GMT +7] A A
Những chiếc cọc gỗ được phát hiện, khai quật và trưng bày kể cho hậu thế rất nhiều câu chuyện hay về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Trưng bày cọc gỗ như thế nào không chỉ để bảo quản mà còn phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt chiến thắng Bạch Đằng trong việc quảng bá du lịch là vấn đề tiếp tục được quan tâm.
Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng được phát hiện, khai quật lần đầu vào năm 1958 và nhiều lần sau đó vào các năm 1969, 1976, 1984, 1988... Từ đó đến nay, nhiều nhà khoa học đã thường xuyên về nghiên cứu trận Bạch Đằng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Đồng Vạn Muối, bãi cọc Đồng Má Ngựa đều liên quan đến trận Bạch Đằng năm 1288. Ngày 27/9/2012 ,Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng.
Tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, là người dành nhiều tâm huyết sưu tầm, ngâm tẩm bảo quản cọc gỗ nói riêng cũng như các hiện vật của chiến thắng Bạch Đằng nói chung. Năm 1974, Tiến sĩ Nguyễn Việt tổ chức chuyến điền dã đầu tiên về vùng bãi cọc Yên Giang. Năm 1984, ông sang Đức làm nghiên cứu sinh mang theo những mẫu gỗ cọc Bạch Đằng ở Yên Giang thực hiện đồng vị Carbon phóng xạ (C14). Năm 1988, ông đưa giáo sư Bruno Krueger, Viện trưởng Viện Khảo cổ và Cổ sử Đức đến thăm và lấy mẫu một lần nữa ở bãi cọc Yên Giang. Năm 2002, Tiến sĩ Nguyễn Việt trở lại Quảng Yên với cương vị Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, tham dự Hội nghị chuyên đề về Tiền sử Quảng Ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Việt từng cho rằng, về công tác bảo tồn, tôn tạo di tích này thì rõ ràng điểm khó khăn nhất là tạo ra cảm nhận trực quan cho du khách thông qua những hình ảnh và hiện vật cụ thể. Nếu không, chính chúng ta và khách tham quan sẽ không cảm nhận được sự oai hùng của Bạch Đằng mà dễ bị “hụt hẫng”, buồn tẻ trước thực trạng đơn điệu như hiện nay của bãi cọc Bạch Đằng.
Tiến sĩ Nguyễn Việt chỉ ra có hai cái khó trong việc này, thứ nhất là phạm vi di tích quá rộng và dàn trải; thứ hai là di vật lại rất thưa thớt và khó nhận thấy. Việc chúng ta có thể tránh được những nhàm chán, kém hấp dẫn, mặt phụ thuộc vào sự đầu tư và tính hấp dẫn của phần trưng bày về đời Nhà Trần và chiến thắng Bạch Đằng.
Cách trưng bày vừa bảo quản tốt nhất cọc gỗ Bạch Đằng lâu nay Quảng Yên vẫn làm đó là trưng bày ngay tại vị trí đã phát hiện và khai quật. Việc này không tách cọc gỗ ra khỏi môi trường bùn nước đã chôn vùi giữ gìn nó hàng trăm năm qua. Đồng thời, khi du khách đến tìm hiểu tham quan cọc gỗ cũng là đang tìm hiểu di tích chiến thắng Bạch Đằng. Tiến sĩ Nguyễn Việt cho rằng, việc xây dựng một bảo tàng ngoài trời ở ngay di tích là cần thiết. Muốn vậy, cần mở rộng khai quật nhằm mục đích phục vụ bảo tàng ngoài trời, gắn liền với quan tâm về điều kiện bảo quản, đường dẫn cũng như là không gian, môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, việc tham quan chiêm ngưỡng cọc gỗ không phải lúc nào cũng thuận lợi vì còn phụ thuộc vào mực nước. Vì thế một số cọc gỗ đã được di chuyển và trưng bày tại các bảo tàng. Hiện Bảo tàng Bạch Đằng (TX Quảng Yên), Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng Phạm Huy Thông (bảo tàng cá nhân nay đã không còn hoạt động) cũng có trưng bày một số cọc gỗ Bạch Đằng. Đây là những hiện vật khô được trưng bày sau khi ngâm tẩm, xử lý hóa chất bảo quản. Việc trưng bày đó vẫn chưa tập trung và chưa xứng tầm với giá trị di tích. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, cần có một bảo tàng riêng biệt và phải được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, quy mô phục vụ trưng bày chuyên đề về đời Trần và trận Bạch Đằng.
Về cách thức bảo tồn và quảng bá du lịch cụ thể tại các bảo tàng, Tiến sĩ Nguyễn Việt đề xuất có thể đào nguyên cả bãi cọc lên, để nguyên khối như thế trưng trong tủ kính cường lực và sử dụng nước ở vùng bãi cọc cũ để thay.
Trong không gian bảo tàng trong nhà cũng cần làm một sa bàn quy mô lớn với các thiết bị trình chiếu, điều khiển hiện đại và hấp dẫn nhất đối với du khách. Các hoạt động tham quan bảo tàng và lễ hội cũng cần phải gắn giáo dục lịch sử với các trò chơi ứng dụng mô phỏng như: Tính biên độ thủy triều, chèo thuyền, chế cọc, đóng cọc, lặn đục thuyền, bắt vịt, chế lửa, đánh hỏa công, bắn cung nỏ và võ dân tộc… được đưa vào sinh hoạt bảo tàng và các dịp lễ hội.
Nhưng việc trước tiên cần làm ngay, theo Tiến sĩ Nguyễn Việt, các cơ quan chức năng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và giới sử học phải vào cuộc, phân định đâu là nơi xảy ra chiến trận, đâu là nơi ém quân, xóa đi những hiểu lầm không đáng có đang tồn tại khi giới thiệu với du khách về di tích Bạch Đằng. Việc kế tiếp là duy trì tổ chức tốt lễ hội truyền thống Bạch Đằng hàng năm để thu hút khách du lịch tạo nguồn thu cho nhân dân địa phương và có thêm những nguồn lực tu bổ, phát huy giá trị di tích.
Nếu làm tốt những vấn đề nêu trên thì Di tích quốc gia đặc biệt Chiến thắng Bạch Đằng cùng với Yên Tử và Hạ Long sẽ trở thành một trung tâm du lịch di sản mang tính lịch sử sinh thái và tâm linh tạo nên một sản phẩm du lịch mới, độc đáo riêng có của Quảng Ninh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()