Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:31 (GMT +7)
Bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý
Thứ 2, 26/09/2022 | 08:22:11 [GMT +7] A A
Nhằm bảo tồn, khai thác và phát triển an toàn, bền vững nguồn gen cây trồng, dược liệu, các mẫu giống vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật quý để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở KH&CN đang triển khai Đề án khung bảo tồn nguồn gen tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Trà hoa vàng là loại cây dược liệu quý có giá trị dinh dưỡng cao. Tại Quảng Ninh, cây trà hoa vàng được trồng phổ biến tại huyện Ba Chẽ, là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân bản địa. Đến nay, huyện có khoảng 205ha trồng cây trà hoa vàng, trong đó khoảng 100ha cho thu hoạch, doanh thu trên 20 tỷ đồng/năm. Các xã có diện tích trồng và thu hoạch trà hoa vàng nhiều là Đồn Đạc, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đạp Thanh...
Với mong muốn bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý này, trong 3 năm qua, Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đề tài "Nghiên cứu xây dựng kỹ thuật nhân giống và quy trình sản xuất các sản phẩm trà hoa vàng tại huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh". Nhóm nghiên cứu đã áp dụng thành công mô hình nhân giống cây trà hoa vàng bằng phương pháp giâm hom. Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Phương pháp này có lợi thế là tạo ra số lượng cây con có chất lượng tốt và đồng đều. Quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, cây trồng từ hom giống cho tỷ lệ sống cao trên 90%, có thể đáp ứng được nhu cầu về giống cho trồng cây trà hoa vàng trên quy mô lớn.
Thông qua nhiệm vụ này đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý trà hoa vàng cũng như tạo được nguồn cung giống cây trồng cho mục tiêu phát triển vùng trồng nguyên liệu tại Ba Chẽ, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ngoài trà hoa vàng Ba Chẽ, Sở KH&CN đã chấp thuận để Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) triển khai nhiệm vụ KH&CN "Bảo tồn nguồn gen lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh". Mục tiêu là thông qua việc ứng dụng công nghệ gen và công nghệ hỗ trợ sinh sản kết hợp với dinh dưỡng để phục tráng, phát triển đàn lợn Móng Cái thuần chủng. Qua đó, tạo nguồn cung giống vật nuôi có chất lượng cho người dân trên địa bàn, góp phần mở rộng quy mô chăn nuôi lợn Móng Cái theo hướng tập trung.
Dự kiến, nhóm nghiên cứu sẽ lựa chọn ít nhất 50 con lợn đực và 200 con lợn nái từ các quần thể lợn Móng Cái trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận để tiến hành nhân giống bằng quy trình công nghệ gen. Với quy trình này, bên cạnh rút ngắn thời gian tạo giống, còn đem lại nguồn con giống chất lượng, năng suất, tránh được nguy cơ thoái hóa giống do sinh sản tự nhiên.
Theo rà soát, đánh giá của Sở KH&CN, hiện Quảng Ninh có gần 250 nguồn gen nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, rươi nước lợ Đông Triều, thông lá tre ngắn, cây tùng La Hán, lúa chiêm đá, cây nấm chẹo… Xác định bảo tồn nguồn gen các loài đặc hữu là nhiệm vụ cấp bách, Sở KH&CN đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, ban hành Quyết định số 418/QĐ-UBND (ngày 15/12/2020) "Về việc phê duyệt Đề án khung bảo tồn nguồn gen tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025".
Đề án sẽ giải quyết các điểm nghẽn trong bảo tồn gen, như xây dựng cơ chế hỗ trợ bảo tồn, phát triển nguồn gen; hình thành mạng lưới bảo tồn quỹ gen quốc gia tại Quảng Ninh; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn gen đã lưu giữ, bảo tồn; phát triển các nguồn gen cây rừng bản địa, cây dược liệu để phát triển lâm nghiệp bền vững; thúc đẩy xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân...
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()