Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:40 (GMT +7)
Bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống
Chủ nhật, 16/06/2024 | 16:52:25 [GMT +7] A A
Nghệ thuật sân khấu truyền thống hàm chứa những giá trị độc đáo được kết tinh từ nền văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa, con người cho nên rất cần được bảo tồn và phát triển.
Tại hội thảo “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao” do tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Bộ VH-TT&DL tổ chức, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, cho biết: Quảng Ninh có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhất là văn hóa nghệ thuật phục vụ cho du lịch, phục vụ cho đời sống nhân dân. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong thực hiện sáp nhập 3 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh là: Chèo, cải lương và kịch. Điều này đã góp phần phát huy hiệu quả việc bảo tồn, gìn giữ vốn nghệ thuật truyền thống mà các nghệ sĩ Quảng Ninh đã dày công vun đắp.
Gần 70 năm qua, sân khấu Quảng Ninh đã không ngừng lớn mạnh và phát triển. Các thế hệ nghệ sĩ đã ra sức lao động, sáng tạo nghệ thuật, đóng góp nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hoạt động sân khấu chuyên nghiệp ở Quảng Ninh được hình thành vào năm 1956, một năm sau ngày giải phóng Vùng mỏ. Các đoàn nghệ thuật như: Đoàn Nghệ thuật Cải lương, Đoàn Nghệ thuật Chèo, Đoàn Ca múa nhạc, Đoàn Kịch lần lượt thành lập vào năm 1956, 1960, 1962 và 1966 và tới nay là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh.
Các đoàn nghệ thuật của tỉnh đã xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công hùng hậu, chất lượng nghệ thuật ngày càng nâng lên mức chuyên nghiệp. Nhờ vào lực lượng đó, sân khấu Quảng Ninh đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều vở diễn thành công, gây được tiếng vang như: "Chị Ngần", "Người không thể chết", "Vỉa than ngầm", "Vàng đen", "Đời người thợ mỏ", "Tiếng sóng Bạch Đằng", "Sắc phù dung", "Quê than rực lửa"... Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn trăm vở diễn dài gồm kịch, cải lương, chèo để tham gia các hội diễn. Riêng Đoàn Ca múa nhạc Quảng Ninh có 40 tiết mục và 2 vở kịch hát.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, các loại hình nghệ thuật truyền thống ở Quảng Ninh đang có dấu hiệu mai một. Thêm nữa, vấn đề xã hội hoá sân khấu gặp nhiều khó khăn, thiếu vắng chương trình hay, mâu thuẫn nội tại giữa việc nghệ sĩ muốn cống hiến, với việc phải bán được vé, có doanh thu, cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu vắng nghệ sĩ tài năng, vướng mắc trong các khâu quản lý - cấp phép biểu diễn, sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các sân khấu...
Một giải pháp khác đó là kêu gọi nguồn lực xã hội hoá sân khấu. Trên cơ sở đó, sẽ huy động được mọi nguồn lực của tư nhân đầu tư cho sự tồn tại và phát triển mạnh mẽ của sân khấu. Đây là điều kiện thuận lợi để nghệ thuật sân khấu ngày một hoàn thiện hơn, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn; đồng thời diễn viên cũng có thêm nhiều suất diễn, nâng cao thu nhập, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống. Loại hình được bảo tồn tốt nhất nhờ nguồn lực xã hội hóa sân khấu với sự tham gia của Nhà hát múa rối MTV Hạ Long, Nhà hát múa rối Hoa Sen, Nhà hát múa rối Hoàng Gia (nay đã giải thể) sân khấu múa rối nước ở cầu cảng Tuần Châu, sân khấu múa rối nước tại Khu du lịch làng quê Yên Đức.
"Chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý nên nghiên cứu, xem xét kỹ để đưa ra các chính sách quy định về cơ chế tự chủ của các đơn vị nghệ thuật, để giúp các loại hình nghệ thuật vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, việc bảo tồn, phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống của các loại hình nghệ thuật gắn với phát triển du lịch địa phương, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới" - NSND Triệu Trung Kiên đề xuất.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()