Làn sóng bạo loạn sau vụ cảnh sát Pháp bắn chết một thiếu niên khiến Tổng thống Macron đau đầu tìm cách hóa giải mà không gây mất lòng bên nào.
Nước Pháp đã chứng kiến làn sóng bạo loạn 6 ngày liên tiếp sau khi Nahel M, 17 tuổi, công dân Pháp gốc Algeria và Morocco, bị cảnh sát bắn chết hồi tuần trước ở ngoại ô thủ đô Paris. Các cuộc biểu tình bạo lực bùng lên ở nhiều thành phố, đồng thời làm dấy lên những cáo buộc về nạn phân biệt chủng tộc trong cơ quan thực thi pháp luật của đất nước.
Cuộc khủng hoảng một lần nữa khiến Tổng thống Emmanuel Macron rơi vào thế khó, trong bối cảnh uy tín của ông đang bị lung lay.
Bạo lực nổ ra sau khi chính quyền Tổng thống Macron vừa dẹp yên các cuộc biểu tình kéo dài gần nửa năm qua nhằm phản đối chính sách cải cách lương hưu của ông.
Nhưng hình ảnh các cửa hàng bị cướp phá và xe hơi bị đốt cháy trên khắp đất nước đang có nguy cơ làm tổn hại đến vị thế quốc tế của Tổng thống Pháp. Vụ bạo loạn có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của ông Macron tìm giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine để thể hiện bản thân như một nhà môi giới hòa bình hàng đầu châu Âu.
Tác động tức thì của các cuộc biểu tình bạo lực với chính sách đối ngoại của Macron là ông phải hủy chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức dự kiến bắt đầu vào cuối tuần này.
Việc hoãn chuyến thăm gây khó xử rất lớn cho Điện Elysee vì hồi đầu năm, Tổng thống Macron đã phải hoãn chuyến của Vua Charles III tới Pháp do các cuộc biểu tình phản đối luật tăng tuổi hưu. Nếu diễn ra, đây sẽ là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Vua Charles III với vai trò người đứng đầu nền quân chủ Anh.
Ông chủ Điện Elysee cũng phải cắt ngắn chuyến công du dự hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels tuần trước, vội vã quay trở lại Paris để chủ trì một cuộc họp nhằm xử lý vụ cảnh sát bắn chết thiếu niên Nahel.
Sau nhiệm kỳ đầu tiên chật vật vì phong trào biểu tình "Áo vàng" chống chính phủ và đại dịch Covid-19, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Macron và phe ôn hòa một lần nữa có nguy cơ bị đánh dấu bằng những nỗ lực khắc phục sự cố thay vì thực thi chính sách phát triển.
Cuộc bạo loạn "là tin rất xấu đối với Tổng thống", người đã hy vọng có thể bước vào một mùa hè suôn sẻ khi ông vừa cải tổ nội các để tiếp thêm năng lượng cho chính phủ và vượt qua cuộc khủng hoảng lương hưu, Bruno Cautres, học giả tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris, nhận xét.
"Mọi người sẽ cảm thấy choáng váng khi thấy đất nước chúng ta hết lần này đến lần khác phải đối mặt với căng thẳng, bạo lực và khủng hoảng như thế nào", ông nói thêm.
Bạo loạn nổ ra ngay khi Tổng thống Macron vừa kết thúc chuyến công tác kéo dài ba ngày tới thành phố phía nam Marseille, nơi ông tìm cách thúc đẩy một chương trình nghị sự nhằm giải quyết các vấn đề nan giải tại những khu vực khó khăn nhất của Pháp.
Tổng thống Pháp cũng phải đối mặt với những lời mỉa mai từ truyền thông nước ngoài vì việc ông tham dự buổi hòa nhạc chia tay của ca sĩ Elton John ở Paris hôm 28/6, sau khi Nahel bị bắn chết và vài giờ trước khi một số cuộc bạo loạn nghiêm trọng nổ ra.
Câu hỏi quan trọng nhất hiện tại đối với Tổng thống Macron là liệu ông có đủ sức chịu đựng để đối mặt với tình hình chính trị bất ổn trong nước hay không. "Ông ấy vẫn còn 4 năm nữa ở phía trước", Luc Rouban, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS), cho biết.
Đối với Tổng thống Macron, người thích đặt mình vào vị trí trung tâm của nền chính trị Pháp, cái chết của Nahel và các vụ bạo loạn bùng phát sau đó buộc ông phải có những động thái cân bằng tinh tế, nhưng đây không phải điều dễ dàng, giới chuyên gia nhận định.
"Năng lực của ông ấy sẽ được đánh giá dựa trên khả năng xoa dịu căng thẳng. Đối với Tổng thống Macron, điều nguy hiểm là tỏ ra yếu đuối và thiếu quyết đoán", Jean Garrigues, nhà sử học chuyên về lịch sử chính trị, nhận định.
Trong vụ Nahel, việc thiếu niên này bị cảnh sát bắn chết đã thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ đã âm ỉ từ lâu trong công chúng về xu hướng bạo lực của lực lượng cảnh sát.
Tổng thống Macron chắc chắn muốn dập tắt các cuộc biểu tình nhanh nhất có thể trước khi chúng lan rộng hơn. Tuy nhiên, nếu ông thực hiện các biện pháp quá cứng rắn, chúng sẽ chỉ làm cơn giận dữ của người dân bùng cháy dữ dội hơn, theo giới quan sát.
Như các cuộc bạo loạn trước đây, phần lớn tình trạng bạo lực hiện nay bắt nguồn từ những kẻ kích động hoặc những kẻ cơ hội lợi dụng tình trạng hỗn loạn để cướp bóc và phá hoại. Hầu hết các cuộc tấn công, đốt phá những ngày gần đây đều nhằm vào các dịch vụ công cộng như tòa thị chính, thư viện, trường học, xe buýt tại những vùng ngoại ô kém phát triển. Chính phủ Pháp những năm gần đây đã chi nhiều khoản tiền lớn để cố gắng cải tạo những khu phố này nhưng chưa thực sự thành công.
Năm 2005, bạo lực cũng lan rộng khắp các vùng ngoại ô Paris năm 2005, khi Zyed Benna, 17 tuổi, và Bouna Traore, 15 tuổi, bị điện giật tử vong khi trốn cảnh sát trong một trạm biến áp tại khu dân cư Clichy-sous-Bois gần thủ đô Pháp. Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp và phải mất ba tuần mới ổn định được tình hình.
Hiện tại, Tổng thống Macron nói rằng ban bố tình trạng khẩn cấp là chưa cần thiết. Thay vào đó, chính phủ đang cố gắng tìm cách thực thi luật lệ và quy định một cách hợp lý nhất trên đường phố. Họ cũng muốn các nền tảng mạng xã hội hợp tác để xác định những kẻ kích động bạo loạn.
Đây được cho là động thái cân bằng của Tổng thống Macron nhằm không gây mất lòng cả công chúng lẫn cảnh sát.
Tuy nhiên, ông đang đối mặt áp lực không nhỏ từ các đối thủ chính trị khi thực hiện nỗ lực này. Trong phát biểu hôm 30/6, lãnh đạo phe cực hữu Marine Le Pen đã kêu gọi chính phủ áp lệnh giới nghiêm cũng như ban bố tình trạng khẩn cấp. Bà cũng đổ lỗi cho luật nhập cư "lỏng lẻo" dẫn tới cuộc khủng hoảng, dù Nahel là công dân sinh ra và lớn lên ởPháp.
"Rõ ràng, bạo loạn đang diễn ra là một cuộc khủng hoảng nguy hiểm và không mong muốn đối với Tổng thống Macron, giữa lúc ông đang chật vật tìm cách thúc đẩy nhiệm kỳ thứ hai của mình", bình luận viên Valerie Leroux từAFPđánh giá.
Ý kiến ()