Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:41 (GMT +7)
Bao giờ tiền quay lại?
Thứ 6, 27/01/2023 | 09:35:04 [GMT +7] A A
“Tiền đang ở đâu?” là câu hỏi lớn của thị trường. Dòng tiền được ví như mạch máu đối với doanh nghiệp, cần có dòng tiền thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả.
Một con số đáng chú ý cho thấy nền kinh tế đang thực sự "khát" vốn. Tính đến cuối tháng 10.2022, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5%, tăng trưởng huy động vốn đạt 4,8% so với đầu năm. Chênh lệch huy động vốn và tín dụng đã xuống mức âm kể từ tháng 7.
“Tiền chảy vào tín dụng. Tín dụng có thể chảy vào kênh bất động sản. Nếu tiền chảy vào bất động sản và bị kẹt lại, không tạo ra doanh thu thì tiền sẽ “nằm chết” ở đó”, một chuyên gia nhận định.
“Tiền hiện bị kẹt ở tài sản. Cách đây 1 - 2 năm, dòng tiền của người dân đổ vào chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp khá mạnh. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu huy động vốn qua kênh trái phiếu đứng vị trí thứ 2 sau các ngân hàng. Thị trường bất động sản không thanh khoản cũng dẫn đến việc trả nợ chậm hơn. Tiền nằm chủ yếu ở tài sản là bất động sản”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia Kinh tế cho biết.
Thời gian qua khi lãi suất huy động tăng mạnh khiến dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng. Trong khi đó, thanh khoản thị trường chứng khoán giảm mạnh, bất động sản gần như đóng băng, trái phiếu doanh nghiệp ế ẩm…
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 10.2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỉ đồng, tăng gần 5.800 tỉ đồng so với tháng 9. Trong đó, tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỉ đồng so với tháng trước, lên hơn 5,66 triệu tỉ đồng. So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được thêm hơn 360.000 tỉ đồng từ dân cư.
“Dòng tiền đầu tư sẽ tích cực từ nửa cuối năm 2023 khi các vấn đề về bất động sản, chứng khoán được giải quyết và kinh tế vĩ mô có dấu hiệu tích cực”, chuyên gia của Agriseco nhận định.
Theo đó, các tín hiệu tích cực từ việc nới room tín dụng, thay đổi chính sách, thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản kỳ vọng giúp thị trường địa ốc ấm dần lên từ cuối 2023 đến 2024.
Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tín dụng thêm 1,5% - 2% vào cuối năm 2022 (tương đương 240.000 tỉ đồng) tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Đây có thể coi tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tiền để trả nợ hoặc thực hiện dự án nhưng sẽ có sự chọn lọc, áp dụng với doanh nghiệp uy tín, dự án đang triển khai và tài sản đảm bảo chất lượng cao.
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, trong năm 2023, Chính phủ nâng ngân sách cho lĩnh vực này lên 700.000 tỉ đồng (tăng 25% so với kế hoạch năm 2022). Chính phủ cũng nâng chi đầu tư phát triển từ vốn ngân sách nhà nước lên gần 730.000 tỉ đồng, chiếm 30% tổng chi ngân sách dự toán năm 2023 cũng cho thấy quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ.
"Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới nhờ tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành", chuyên gia của Agriseco nhận định.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()