Sau kỳ điều chỉnh ngày 11.2, giá xăng RON 95 vượt mức 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất trong 8 năm qua khiến thị trường xăng dầu chưa thể hạ nhiệt. Điều này tác động lớn đến kích cầu tiêu dùng nội địa khi hàng hoá, dịch vụ có xu hướng tăng theo giá xăng.
Nhiều nỗi lo khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục
Chị Nguyễn Thị Vân - chủ quán phở gà trên phố Đồng Bông (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) - cho Lao động biết, hiện giờ giá các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của họ.
Chị Vân cân nhắc việc có nên tăng giá bán phở không, bởi thời điểm này, giá cả nhiều mặt hàng cấu thành nên bát phở, từ cọng hành, mớ rau mùi, cân thịt đều tăng giá sau mỗi lần giá xăng trong nước tăng, lần gần nhất lên mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.
"Trước Tết, rau cải chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, nay tăng lên 50.000 đồng/kg; hành lá tăng từ 15.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg; dưa muối tăng từ 40.000 đồng/10kg nay tăng lên 230.000 đồng/10kg (tăng hơn 5 lần); giá gas công nghiệp tăng từ 1 triệu đồng lên 1,4 triệu đồng. Chưa kể phải trả tiền lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng… Một bán bún, phở mà gánh ngần ấy chi phí thì làm sao chúng tôi có lãi" - chị Vân nói.
Chị Vân cũng cho hay, rất muốn tăng giá khoảng 5.000 đồng/bát phở nhưng không dám vì sợ mất khách. "Chúng tôi không dám tăng giá bán và chấp nhận bù lỗ, bán cầm cự cho qua thời gian này. Hy vọng những ngày tới, giá cả các mặt hàng sẽ "dễ thở" hơn” - chị Vân bộc bạch.
Doanh nghiệp vận tải "sốc" vì giá xăng phi mã
Mỗi ngày chạy xe khoảng 50km, trong đó có 30km là có khách với doanh thu 300.000 đồng/ngày, song tiền xăng lên tới gần 150.000 đồng, anh Trần Văn Tuấn - tài xế của hãng taxi Mai Linh - than thở "chạy xe gần như không có lãi". Thậm chí là lỗ nếu giá xăng tiếp tục tăng vào các kỳ điều chỉnh tới, cộng thêm các chi phí gọi đàm, phí cầu đường, khấu hao xe...
Còn ông Bùi Văn Hùng - Nhà xe Bằng Phấn (chạy tuyến Hà Nội - Hà Giang) cho biết: "Doanh nghiệp vận tải sẽ tính toán điều chỉnh giá cước theo hướng tăng khoảng 10-20% để cân đối doanh thu".
Giải pháp nào để kìm hãm cơn bão tăng giá xăng dầu?
Để chặn đà tăng của giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới vẫn tăng chưa có điểm dừng và hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đầu mối đang âm lớn, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay, tính tổng thể, Quỹ bình ổn giá xăng dầu có đơn vị âm, có doanh nghiệp vẫn dương.
Song quỹ này cũng có hạn, nên nếu tới đây diễn biến giá dầu thế giới tăng quá cao, có thể đạt 100 USD một thùng, tác động tiêu cực tới kinh tế trong nước sẽ phải dùng các công cụ khác như thuế, phí.
Bởi, nếu giá xăng dầu trong nước quá cao có thể làm vô hiệu hoá một số chính sách của chương trình phục hồi kinh tế tổng thể mà Chính phủ đang tiến hành.
"Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn để ngỏ khả năng kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép lựa chọn thời điểm thích hợp điều hành giá xăng dầu khi tình hình thị trường căng thẳng hơn" - ông Đông nói.
Trả lời câu hỏi cho rằng, tỉ trọng thuế, phí trên mỗi lít xăng, dầu đang quá cao, 40 - 42%, là tác nhân khiến giá bán lẻ cao, ông Đông nói: "Vấn đề này phải để Bộ Tài chính lên tiếng. Trong các báo cáo, Bộ Tài chính đưa ra dữ liệu so sánh với các nước và đánh giá là vừa phải, phù hợp”.
Và ông Đông cho biết, mức thuế, phí đang chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm xăng dầu. Trong đó, các loại thuế, phí chiếm 42-43% trong cơ cấu giá thành mặt hàng xăng, và tỉ lệ này với mặt hàng dầu là 24-30%.
Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, điều chỉnh về giá phải sử dụng công cụ thuế của Nhà nước đang quản lý. Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như gần đây thì cũng nên tính toán giảm thuế như nhập khẩu hoặc thuế về môi trường cũng nên tạm thời duy trì ở mức hợp lý.
"Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay khi doanh nghiệp rất khó khăn, chúng ta đang phục hồi kinh tế thì giá xăng dầu tăng cao, tăng nhanh như vậy sẽ đẩy các chỉ số tăng giá của tất cả các ngành khác. Đặc biệt là tác động đến giao thông vận tải, du lịch… Trong khi đó, đây vốn là những ngành chịu tác động rất mạnh của dịch vừa qua” - ông Cường nói.
PGS-TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - cho rằng, điều hành xăng dầu cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và người dân.
Việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, nhưng cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.
"Phương án tối ưu nhất ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vì đây thuộc thẩm quyển của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2020 và 2021, trước thực trạng khó khăn của ngành hàng không, Bộ Tài chính cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 2 lần giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay" - ông Long cho hay.
Ý kiến ()