Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:18 (GMT +7)
Báo động tình trạng kháng kháng sinh
Thứ 4, 22/11/2023 | 22:23:08 [GMT +7] A A
Sự lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức chính là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay.
Kháng thuốc là tình trạng các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng… kháng lại thuốc kháng sinh khiến các loại thuốc này giảm tác dụng, thậm chí không còn tác dụng. Tình trạng này đang gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc. Dự báo, đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có 1 người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, thậm chí các bệnh thông thường như ho, hay chỉ một vết cắt trên da cũng có thể gây tử vong.
Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Chính vì vậy, trong khi tại nhiều nước, việc sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả, tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.
Ở nước ta có nhiều loại vi khuẩn thông dụng, nguy hiểm, nhưng có tỷ lệ kháng thuốc cao đến rất cao, như nhóm vi khuẩn E.coli (vi khuẩn đường ruột), tỷ kháng thuốc lên tới 40%, thậm chí có địa phương lên đến 70%, kháng cả kháng sinh mạnh nhất là colistin, hay như vi khuẩn A.baumannii, vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện, tỷ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh lên đến trên 90%.
Gia tăng tỷ lệ kháng kháng sinh do tự dùng thuốc
Sự lạm dụng thuốc kháng sinh quá mức chính là nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh đáng báo động như hiện nay. Bất cứ ai đều có thể ra hiệu thuốc mua kháng sinh dễ dàng mà không cần có đơn của bác sĩ. Những hệ lụy từ việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều đã làm tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Sau một thời gian dài tự ra hiệu thuốc kể bệnh và mua thuốc về uống, bệnh không khỏi mà có phần nặng lên, bà Dư (Phúc Thọ, TP Hà Nội) mới tìm đến bệnh viện để khám, xét nghiệm. Bà cũng không biết mình đã uống những loại thuốc gì, vì thuốc được chia sẵn vào các túi.
"Người ta không nói gì, mình chỉ ra kể bệnh là ho với sổ mũi là người ta lấy thuốc đóng vào túi chia sẵn cho mình ngày 2 bữa", bà Phùng Thị Dư, Phúc Thọ, TP Hà Nội, chia sẻ.
Chủ quan và tâm lý ngại không muốn đến cơ sở y tế khám, nên khi có những triệu chứng đau đầu, ho, sốt hay đau bụng điều đầu tiên người dân nghĩ đến là ra hiệu thuốc để mua. Dù thuốc kháng sinh hay thuốc bắt buộc phải kê đơn đều có thể dễ dàng mua.
"Nghĩ là có lúc kháng thuốc, nhưng chỉ nghĩ là ốm bình thường nên đến hiệu thuốc để mua thuốc, chứ không có ý định khám ở bệnh viện", chị Nguyễn Thị Thúy, Hà Nam, cho biết.
Hầu hết các cửa hàng thuốc sẵn sàng, tư vấn cho người bệnh để bán thuốc dù là thuốc kê đơn hay thuốc thông thường, dù đã có quy định rõ ràng đối với nhóm thuốc kháng sinh, biệt dược chỉ được bán khi có đơn của bác sĩ.
Bệnh nhân lao kháng thuốc tăng
Dùng thuốc kháng sinh bừa bãi gây ra kháng kháng sinh. Vậy hậu quả của nó là gì? Ví dụ bệnh lao, khi kháng sinh đang dùng điều trị cho người bệnh không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh, phải thay thuốc thế hệ mới, ngoài việc gây ra khó khăn, tốn kém cho công tác điều trị, chủng lao đa kháng thuốc còn là mối đe dọa nguy hiểm khi lây lan ra cộng đồng.
Trường hợp lao siêu kháng thuốc hiện không còn hiếm. Đó là tình trạng nhiễm vi khuẩn lao thuộc chủng kháng các loại thuốc chống lao hiệu quả nhất. Một bệnh nhân đã bị lao siêu kháng thuốc 2 năm nay. Vi khuẩn lao còn gây tổn thương phổi nặng nề khiến bệnh nhân phải thở oxy kéo dài, cơ thể suy kiệt. Chưa kể các thuốc điều trị lao kháng thuốc có nhiều tác dụng phụ.
"Tác dụng phụ thường gặp như buồn nôn, nôn, hoa mắt chóng mặt, tăng men gan, rối loạn nhịp tim, suy thận. Tác dụng phụ này nếu có sẽ rất nặng nề", bác sĩ Trương Đức Thái, Khoa Lao Hô Hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết.
Bệnh nhân 41 tuổi kháng 3 loại thuốc chống lao. Điều đáng nói, anh chỉ mới phát hiện mắc lao cách đây 4 tháng. Lúc đó, không ở lại bệnh viện mà về Nam Định điều trị cơ sở tư nhân, nơi không có xét nghiệm chuyên sâu, nên anh mắc lao đa kháng thuốc nhưng chưa biết nên tình trạng nặng lên.
Hàng năm, trong tổng số trường hợp phát hiện mắc lao mới có 4,5% là lao kháng thuốc. Còn trong số người đã phát hiện bệnh lao, có 15% chuyển sang lao kháng thuốc.
"Lao kháng thuốc nói riêng cũng như kháng các loại kháng sinh nói chung đa phần nguyên nhân là do bệnh nhân dùng thuốc không theo chỉ định. Chúng tôi đã gặp những trường hợp bệnh nhân mang một gói thuốc đến mà không rõ thuốc gì. Với tình trạng dùng kháng sinh không rõ loại mà dùng lan tràn như thế thì nó là một nguyên nhân gây ra kháng kháng sinh", bác sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phụ trách Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay.
Nguy cơ kháng kháng sinh cao
Mặc dù kháng kháng sinh bản chất là một hiện tượng tiến hóa tự nhiên của vi khuẩn, nghĩa là khi có một loại kháng sinh ra đời, theo thời gian, vi khuẩn sẽ tìm ra cách biến đổi để thích ứng với loại kháng sinh đó. Tuy nhiên việc sử dụng sai kháng sinh sẽ khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn và phức tạp hơn. Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai là nơi chứng kiến những loại siêu vi khuẩn xuất hiện do tình trạng kháng kháng sinh.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết phải thở máy, mở nội khí quản. Điều các bác sĩ đặc biệt lo ngại là tình trạng kháng kháng sinh của bệnh nhân. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn cho thấy bệnh nhân bị nhiễm tụ cầu vàng từ cộng đồng.
"Bệnh nhân đau lưng nhiều, không đi khám ở đâu cả, tự dùng thuốc kháng sinh và gọi lang vườn đến châm cứu, tiêm thuốc vào đấy, vì vậy vi khuẩn từ đường truyền, đường tiêm, châm cứu đi vào máu, đi khắp nơi trên cơ thể, đặc biệt đi đến tim dẫn đến thủng van tim", bác sĩ CKII Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.
Còn một bệnh nhân khác được chuyển từ tuyến dưới lên với tình trạng kháng kháng sinh rất nặng sau khi điều trị sốt xuất huyết và nhiễm trùng huyết, bệnh nhân lại xuất hiện thêm tình trạng viêm phổi, vì vậy phải thở máy và đặt nội khí quản.
"Chúng tôi lấy đờm qua ống nội khí quản cấy ra con trực khuẩn màu xanh. Trực khuẩn màu xanh kháng hết các loại kháng sinh", TS. Bác sĩ Bùi Thị Hương Giang, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay.
Tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40 - 60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh trước khi nhập viện. Nhiều bệnh nhân vào viện vì một bệnh khác nhưng gặp vi trùng kháng kháng sinh khiến bệnh nhân nguy kịch và tử vong do nhiễm trùng chứ không phải do bệnh lý lúc bệnh nhân nhập viện.
"Một số bệnh nhân nhiễm trùng với những con vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh mà chúng tôi đang có. Chúng ta đang chờ đợi thuốc mới, mà thuốc mới đó Việt Nam hiện không có", bác sĩ CKII Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thêm.
Theo kết quả khảo sát của ngành Y tế, phần lớn kháng sinh được bày bán mà không có đơn của bác sĩ, ở khu vực thành thị là 88%, ở nông thôn tới 91%. Đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút, khi đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều, rất dễ kháng kháng sinh.
Tình trạng kháng thuốc kháng sinh đang ngày càng trầm trọng. Nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh. Vì vậy, người dân cần bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách: Đừng tự ý cứ thấy đau, thấy bệnh là ra hiệu thuốc mua thuốc, chỉ sử dụng thuốc khi có đơn của bác sĩ.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()