Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:36 (GMT +7)
Báo động tình trạng kháng kháng sinh
Thứ 5, 06/10/2022 | 08:24:00 [GMT +7] A A
Sự ra đời của kháng sinh đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc chiến của con người với bệnh tật. Hàng loạt căn bệnh nhiễm khuẩn từng đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người như lao, viêm phổi, viêm màng não, lậu, giang mai… được điều trị và khống chế hiệu quả. Tuy nhiên việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không hợp lý đang làm gia tăng nhanh chóng vấn đề kháng thuốc kháng sinh.
Kháng thuốc kháng sinh là hiện tượng các mầm bệnh (vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng) không bị diệt, dù người bệnh đã được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Ở Việt Nam, mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng. Hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh.
Bệnh nhân H.T.L 68 tuổi ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, tràn khí màng phổi, nấm máu, nhiễm trùng bàn chân trên nền đái tháo đường, tăng huyết áp. Kết quả nuôi cấy vi khuẩn kháng thuốc là pseudomonas aeruginosa. Bệnh nhân được điều trị lọc máu liên tục, kháng sinh, bù điện giải, an thần, thở máy, thuốc vận mạch, mở màng phổi… tại khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy.
Bác sĩ Lê Tiến Dũng, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Trung bình mỗi năm, khoa tiếp nhận khoảng 5-10% bệnh nhân có vi khuẩn đa kháng thuốc. Vi khuẩn đa kháng thuốc thường xuất hiện trên các bệnh nhân nằm thở máy kéo dài, có bệnh lý nền như đái tháo đường, mất máu, nằm lâu một chỗ có loét tì đè nhiễm khuẩn ngoài da, mô mềm… Do đó, đa phần bệnh nhân đều có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện rất cao, một số bệnh nhân từ tuyến khác chuyển tới kháng tất cả các loại kháng sinh khiến việc điều trị khó khăn, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân cần chăm sóc chuyên sâu từ hút đờm, vệ sinh tanuyn mở khí quản, chăm sóc vết mổ, cate tĩnh mạch…Bệnh nhân càng cần nhiều can thiệp y tế càng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Tại khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, đã gặp trường hợp một số trẻ nhiễm vi khuẩn kháng thuốc tại cộng đồng đến bệnh viện, điều trị tại bệnh viện và tại tuyến dưới chuyển đến. Có trường hợp trẻ nhiễm khuẩn huyết, vi khuẩn đa kháng gần hết các loại kháng sinh trên kháng sinh đồ kèm theo nhiễm nấm máu. Các bác sĩ phải kết hợp các kháng sinh khi điều trị và thời gian điều trị kéo dài tới 4 tuần.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thu Hà, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết: Hiện nay tình trạng kháng thuốc ngày càng nhiều, một phần là do việc người dân tự ý mua thuốc kháng sinh về sử dụng mà không có chỉ định kê đơn của bác sĩ và thời gian dùng thuốc không tuân thủ liều và thời gian. Với trẻ em, nhiều cha mẹ thấy con sốt, ho, ốm; đặc biệt sốt cao, vội vàng mua thuốc cho con uống, được 1-2 ngày thấy bệnh giảm là cắt. Mặt khác, một bộ phận nhỏ các thầy thuốc lạm dụng kháng sinh khi kê đơn, trẻ dùng kháng sinh dài ngày trong bệnh viện cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn.
Các bệnh nhân kháng kháng sinh điều trị rất khó khăn như vấn đề chăm sóc cần phải yêu cầu về phòng chống nhiễm khuẩn, lây chéo tại bệnh viện, mỗi nhân viên y tế cần mặc áo phòng hộ đúng quy định, rửa tay sát khuẩn đúng quy trình, quá trình điều trị bệnh lý nhiễm trùng của bệnh nhân không để bệnh nhân lây nhiễm thêm các vi khuẩn khác tại bệnh viện. Mặt khác, việc kháng thuốc đòi hỏi bác sĩ phải đổi thuốc khác để điều trị, tuy nhiên đây không phải là giải pháp tối ưu đặc biệt với vi khuẩn không còn nhạy cảm hoặc nhạy cảm kém với nhiều thuốc.
Hiện nay, nhiều loại thuốc mới ra đời, song không kịp đáp ứng với tình trạng kháng thuốc, đặc biệt là vi khuẩn đa kháng (tức là vi khuẩn không chỉ kháng 1 loại kháng sinh mà có thể kháng nhiều loại kháng sinh). Để phòng tránh kháng thuốc, người dân không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng thuốc sẵn có ở nhà, hoặc tự điều trị theo đơn thuốc cũ lần trước đã khỏi; không tự ý ngừng đơn thuốc khi bệnh đỡ mà không có ý kiến thầy thuốc; không tự ý rắc thuốc kháng sinh lên các vết thương hở, lở loét… Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ, tránh tiếp xúc với người ốm, giữ gìn sức khỏe để tránh lây nhiễm bệnh từ người khác trong đó có thể lây nhiễm vi khuẩn kháng thuốc.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()