Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:44 (GMT +7)
Báo động hiện tượng ca từ pha tạp, lai căng trong dòng âm nhạc trẻ
Thứ 6, 25/03/2022 | 15:23:32 [GMT +7] A A
Không thể phủ nhận những đóng góp của nhiều nhạc sĩ, ca sĩ trẻ trong việc góp phần làm mới và phong phú nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Tuy nhiên, những năm gần đây, đã xuất hiện không ít sản phẩm âm nhạc của một bộ phận nhạc sĩ trẻ có nội dung, ca từ thiếu trong sáng, lành mạnh, thậm chí pha tạp, lai căng, làm vẩn đục sự trong sáng của tiếng Việt. Nếu không ngăn chặn hiện tượng này sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức, tâm hồn và thẩm mỹ tiếp nhận của công chúng, nhất là giới trẻ.
Nguyên do sính ngoại
Sự xuất hiện khá nhiều ca khúc Việt, do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, ca sĩ Việt hát, nhưng lại chêm, đệm, thêm nếm kha khá tiếng Anh. Điều mà có lẽ chưa từng xảy ra với ca khúc tiếng Việt, kể từ giữa thập niên cuối của thế kỷ 20. Mức độ thêm nếm, chêm đệm tiếng Anh này, thoạt đầu, chỉ với một hai từ khe khẽ, rụt rè, bỗng nhiên sau đó đã phát triển thành một câu dài, tiến tới một đoạn dài, gây phản cảm cho những cái tai của nhiều người nghe lớn tuổi, chưa hề quen, nhưng có thể lại chưa bị/ít khi bị... chối bỏ với những cái tai trẻ nghe nhạc trẻ. Ví dụ, từ thuở còn dè dặt là bài “Katy Katy” của Đức Trí, chỉ duy nhất dùng một từ Katy Katy, đặt tên ca khúc về tình yêu này và toàn bài cũng chỉ duy nhất một danh từ riêng đó; thì đến những ca khúc sau của các nhạc sĩ “Tình bạn” của Phương Uyên: “You and I, buồn vui ta đã cho nhau niềm tin/ You and I, ngày đêm ca hát cho vơi sầu đau...”, trong “Nụ hôn bất ngờ” của ca sĩ Mỹ Tâm: “Oh first kiss, you make me happy/ Chẳng nói lên được tiếng chi...”... tiếng Anh đã được đưa vào nhiều lên dần dần và thậm chí... thả cửa, không kiềm chế.
Vài năm gần đây, có lẽ việc thêm nếm tiếng Anh vào ca từ bài hát tiếng Việt đã nhiều và bị lạm dụng đến thành... thảm họa. Mà thảm họa này lại được ca sĩ Sơn Tùng và kha khá người nghe trẻ cho đấy là hạnh phúc, thậm chí đam mê của người sáng tác, người hát và đương nhiên cả người nghe trẻ, nhất là khi họ cùng là người trẻ. Mà khi người ta trẻ, thì người ta thường rất thích cao hứng, thích cái mới và của lạ, đến mức không hề thấy chướng khi một bài hát tiếng Việt đã độn nhiều tiếng Anh vào đến mức lấn át hoàn toàn tiếng Việt.
Điều đáng nói, một loạt bài của Sơn Tùng M-TP sáng tác và hát đã được người trẻ ở sân khấu đô thị nhiệt liệt tán thưởng, say mê, bởi đầy rẫy sự chêm đệm các từ tiếng Anh trong ca từ, về yêu đương, như: “Cơn mưa ngang qua”, “Em của ngày hôm qua”... cùng một loạt tiếng Anh tình tứ, diễm huyền, cứ như nếu viết, hát bằng tiếng Việt thì sẽ quê một cục và tiếng Việt thì không đủ diễn tả tình yêu thời hiện đại và người nghe trẻ thì không đủ... đã đời.
Méo mó âm nhạc thị trường
Có một thời chưa xa, ca khúc tình yêu lại mắc một lỗi văn hóa ca từ khác, đã được báo chí, khi phê phán, đã gọi thành tên là “ca khúc não tình”, chính là một biến thể méo mó của ca khúc “âm nhạc thị trường”, với một đặc điểm đã được phơi lộ hiển nhiên: Đó là sử dụng tiếng Việt cẩu thả, bừa bãi, xô bồ, lủng củng, sai ngữ pháp, thậm chí đến mức... miệt thị tiếng Việt. Tiếng Việt đẹp tinh tế trong hát quan họ: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”, thì có ca khúc đã viết không ngần ngại: “Yêu nhau ném đá vỡ đầu nhau ra”. Có nhạc sĩ không ngán ngại dùng từ lủng củng, tối nghĩa, vu vơ như bài “Tình yêu trong âu lo”: “Qua bao ngày âu lo ngày xưa kia/ Qua bao ngày gian truân ngày xưa kia/ Giờ đây mới được em yêu kề bên anh/ Mà ngu sao để vụt bay, mất tình sẽ đau”. Có những bài hát còn ngang nhiên dùng từ dung tục, mà ngay cả đến lời ăn tiếng nói thông tục hằng ngày người Việt cũng ngại dùng, thế mà lại thành ca từ và được hát lên thánh thót đến vô tư và hồn nhiên: “Vô tư đi cứ bám vào anh này/ Suy tư anh u não cả tháng ngày/ Không may cho em yêu tìm đến phải đúng thằng điên rồ trên khinh khí cầu” (Bài “Không phải dạng vừa đâu”, nhạc và lời Sơn Tùng M-TP). Ngay cả một bài được giải cao trong chương trình “Bài hát Việt” 2014, do Phạm Toàn Thắng viết lời và nhạc, cũng thấy rõ ràng tiếng Việt bị viết một cách buông thả, dễ dãi đến khó hiểu, ngay từ cái tên bài hát “Bốn chữ lắm”. Cả bài hát đầy rẫy đến buông tuồng tùy tiện những chữ lắm: “Yêu lắm, thương lắm mà xa lắm... đau lắm/ Ai buồn... ai buồn em buồn vì ai/ Yêu lắm thương lắm... chứ đau lắm mà xa lắm...”.
Rất tiếc, một số giọng ca và nhạc sĩ, khi nhân danh bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, coi trọng yếu tố dân gian của âm nhạc dân tộc, cũng tùy tiện và sai lạc khi sáng tác và hát theo dòng ca khúc này. Có nên tin và nghĩ rằng, đấy là những tác phẩm âm nhạc thực sự có giá trị nghe-nhìn khi có những sản phẩm âm nhạc đương đại giả danh như thế, đã bất ngờ nổi tiếng, dẫn đầu trên bảng xếp hạng nhạc số và nhận vô số tung hô của một bộ phận người nghe trẻ hay không?
Hãy sáng tác những bài hát Việt luôn tự hào mãi với thời gian
Không thể không nhận thấy rằng, thị trường ca khúc của hơn hai thập niên đầu thế kỷ 21, đã và đang diễn biến phức tạp và có những dấu hiệu tha hóa ca từ tiếng Việt vào sự nghiệp dư thật đáng tiếc, như trường hợp đã dẫn ở trên.
Vấn đề đặt ra là: Có thể vừa tránh được những bi kịch về ca từ hiện nay, như sự “não tình”, sự phá phách vô lối, làm hỏng tiếng Việt và sự pha trộn cẩu thả, hổ lốn tiếng Anh vào tiếng Việt trong ca khúc. Và nữa, cả sự thiếu vắng nền tảng văn hóa dân gian Việt trong sử dụng tùy tiện những mẫu mã văn hóa dân gian Việt để đưa vào ca khúc hiện đại không?
Vấn đề này đang bức thiết đặt ra, trước hết, có lẽ là đối với nhạc sĩ viết nhạc và lời cho bài hát. Đặc biệt là các nhạc sĩ trẻ và đặc biệt là viết lời bài hát bằng tiếng Việt. Trong nền tân nhạc Việt Nam, không thiếu những nhạc sĩ viết lời cho ca khúc Việt đã thành công với một thứ tiếng Việt trong sáng, đẹp tinh tế và sang trọng, huy hoàng, quyến rũ đến mức ca từ đã thành những bài hát còn xanh mãi và sống mãi với thời gian. Từ đó, đã thành “giai điệu tự hào” của cả một nền tân nhạc hiện đại Việt Nam. Với những tên tuổi của các nhạc sĩ tài năng, tiếp nối nhiều thế hệ tân nhạc, từ Văn Cao, Trần Hoàn, Trịnh Công Sơn, Hồng Đăng, Phan Huỳnh Điểu, Văn Ký, Văn Dung đến Phó Đức Phương, Thanh Tùng, Phú Quang, Dương Thụ, Trần Long Ẩn, Trần Tiến... Và vừa mới đây thôi, tân nhạc Việt đã mất một nhạc sĩ Ngọc Châu, người đã để lại những ca từ tiếng Việt trong sáng tinh khôi, đẹp dặt dìu như “Thì thầm mùa xuân” (tên một ca khúc thật hay của Ngọc Châu).
Nhiều người yêu nhạc Việt chắc cũng chung một mong muốn: Thay vì trách cứ những nhạc sĩ đã mắc lỗi văn hóa trong việc viết ca từ như đã nói ở trên, có lẽ đã chỉ mong nhắn nhủ và hy vọng họ nên học hỏi cách viết ca từ của những bậc nhạc sĩ đàn anh, nhằm “dọn vườn” ca từ tiếng Việt thiếu trong sáng, để đạt chuẩn mực trong sáng nhất của tiếng Việt, phải thành một nhu cầu sáng tạo tự thân của nhạc sĩ Việt của thế kỷ 21. Hội chuyên ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, các tổ chức cần thường xuyên tổ chức các sân chơi, cuộc thi sáng tác và đưa ra những điều lệ định hướng cụ thể, chuẩn mực để giới trẻ tham gia dự thi sáng tác... Dĩ nhiên, muốn phát triển âm nhạc Việt Nam phải đưa đẩy nó dấn thân vào cuộc giao duyên và tiếp biến với văn hóa của âm nhạc phương Tây.
Phải có ca từ tiếng Việt trong sáng đến tuyệt hay trong những ca khúc Việt hay, thì mới phát sáng giọng hát hay của ca sĩ. Và không gì bằng, tiếng Việt đã được viết thật trong sáng, mỹ lệ, huy hoàng trong những bài hát Việt còn xanh mãi với thời gian.
Theo Quân đội nhân dân
Liên kết website
Ý kiến ()