Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:38 (GMT +7)
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo: Xử phạt chủ yếu là răn đe
Thứ 3, 19/07/2022 | 11:05:26 [GMT +7] A A
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chủ yếu mang tính khuyến cáo, răn đe là chính mà không vì mục tiêu là phạt tiền.
Kể từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo) có hiệu lực thi hành, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng còn có những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó đòi hỏi phải có những quy định cụ thể, rõ ràng để xử lý nghiêm tình trạng này.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến Điều 5 của Luật, gồm các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; trục lợi.
Bên cạnh đó, còn có các hành vi vi phạm khác như vượt quá các quyền đã được quy định trong Luật, không thực hiện nghĩa vụ khi thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; chẳng hạn, không đăng ký hoặc không đăng ký bổ sung hoạt động tín ngưỡng; không thông báo hoặc không thông báo bổ sung danh mục hoạt động tôn giáo; thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; tổ chức các cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng, các hành vi vi phạm này cần được xử lý để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa trong việc chấp hành pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.
Trong khi đó, do chưa có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được xử lý hoặc không thể xử lý.
Đối với vấn đề này, thời gian qua, các cơ quan chức năng chủ yếu tiến hành tuyên truyền, vận động để các tổ chức, cá nhân tôn giáo chấp hành các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. Đây chính là những hạn chế, bất cập, khó khăn trong công tác thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương cần được sớm giải quyết.
Các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật khác như: việc một số cơ sở tôn giáo nhận chuyển nhượng, hiến tặng đất nông nghiệp trái pháp luật; lấn chiếm đất lâm nghiệp để mở rộng cơ sở tôn giáo; xây dựng không phép, vượt quá giới hạn trong giấy phép xây dựng; vi phạm các quy định về phòng, chống dịch; vi phạm làm mất an ninh trật tự nơi công cộng... đã bị các cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc xử lý đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật được các cá nhân, tổ chức tôn giáo chấp hành.
Việc thực hiện các biện pháp xử lý hành chính gắn với vận động cá nhân, tổ chức tôn giáo chấp hành pháp luật; triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức tôn giáo. Qua đó, không để xảy ra những vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Việc xử phạt chủ yếu mang tính khuyến cáo, răn đe, không vì mục tiêu phạt tiền
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, bảo đảm công bằng, đúng quy định pháp luật, mới đây, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Dự thảo Nghị định đang được xin ý kiến rộng rãi.
Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đều bị xử phạt vi phạm hành chính. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp vi phạm hành chính nhiều lần đối với hành vi sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Hình thức xử phạt bao gồm xử phạt chính và xử phạt bổ sung. Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định quy định các biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo đối với cá nhân là 30 triệu đồng và đối với tổ chức là 60 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định cũng quy định về thủ tục xử phạt đối với những hành vi đồng thời được quy định trong Bộ luật Hình sự và việc xử phạt hành vi chống đối hoặc cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo quy định này, tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối hoặc cản trở người thực hiện nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo hình thức, mức xử phạt được quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết trong dự thảo Nghị định xử phạt, Ban soạn thảo, tổ biên tập đã bám sát các quy định mang tính nguyên tắc khung của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là quy định về mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo; đối chiếu về hành vi và mức xử phạt của các nghị định xử phạt trong các lĩnh vực liên quan.
Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học và căn cứ vào thực trạng tình hình tín ngưỡng, tôn giáo trong cả nước để dự thảo các mức phạt cụ thể nhằm đảm bảo việc quy định mức xử phạt theo quy định của pháp luật, không thể tùy tiện.
“Xác định rõ ‘cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng,’ phải tập trung vận động, hướng dẫn, nâng cao ý thức tự giác chấp hành của cá nhân, tổ chức tôn giáo nên hầu hết các quy định của dự thảo Nghị định, nếu vi phạm lần đầu chủ yếu phạt cảnh cáo nhằm nhắc nhở, buộc các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ pháp luật. Đối với các hành vi tái phạm và vi phạm điều cấm của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, mức xử phạt nghiêm khắc hơn, đủ sức răn đe” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ, về quan điểm, việc xử phạt chủ yếu mang tính khuyến cáo, răn đe là chính mà không vì mục tiêu là phạt tiền. Ngoài ra, việc xem xét mức xử phạt còn phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức tôn giáo và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()