Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:27 (GMT +7)
Bảo đảm quyền lợi của thí sinh trong xét tuyển đại học
Thứ 5, 23/02/2023 | 15:30:59 [GMT +7] A A
Hiện nay, nhiều trường đại học bắt đầu triển khai phương án tuyển sinh năm 2023. Trong bối cảnh các trường đại học ngày càng đẩy mạnh tự chủ, phương án, cách thức tuyển sinh của các trường phong phú, đa dạng sẽ tạo nhiều cơ hội lựa chọn nguyện vọng cho thí sinh nhưng cũng gây nên nhiều rắc rối nếu quy chế, quy định cũng như giải pháp tuyển sinh không được ban hành sớm, thông tin rõ ràng.
Những năm qua, công tác tuyển sinh ngày càng đa dạng với nhiều phương án xét tuyển khác nhau. Nhiều trường đại học xét tuyển theo kết quả học tập phổ thông, theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, theo kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi đánh giá tư duy hoặc xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế… Việc đa dạng phương thức xét tuyển đáp ứng nhu cầu hàng triệu nguyện vọng khác nhau của thí sinh trên cả nước; tạo thuận lợi để các trường tuyển được những thí sinh theo đúng yêu cầu năng lực người học của ngành, nghề đào tạo.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khi tăng cường tự chủ, nhiều trường có quá nhiều phương án tuyển sinh phức tạp nhưng lại phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý gây khó khăn cho thí sinh và hệ thống xét tuyển chung. Một số trường xét tuyển sớm, dành tỷ lệ chỉ tiêu cho phương án xét tuyển bằng học bạ quá nhiều; không chủ động xác định được số lượng thí sinh nhập học dẫn đến vượt chỉ tiêu. Việc xét tuyển sớm yêu cầu thí sinh phải nộp hồ sơ với nhiều thủ tục khai báo và các minh chứng kèm theo cho mỗi trường riêng biệt; trong khi thí sinh vẫn phải khai báo trên hệ thống chung, từ đó gây nhiễu loạn thông tin, dẫn đến nhầm lẫn, sai sót.
Đáng chú ý, hệ thống công nghệ phần mềm xét tuyển đại học, kể cả hệ thống chung do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và hệ thống của các trường chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của công tác tuyển sinh. Bên cạnh đó, khó khăn trong thanh toán phí xét tuyển trực tuyến do lỗi hệ thống phần mềm cũng như việc ứng dụng công nghệ thông tin không đồng đều của thí sinh các vùng miền cũng thường xuyên xảy ra. Việc sử dụng các phần mềm mới, các phương pháp mới sử dụng chung cho xét tuyển nhưng chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng khiến quá trình triển khai bộc lộ nhiều bất cập. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm ban hành quy chế, quy định cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của các trường và thí sinh. Các trường vừa triển khai xét tuyển, vừa nhận những văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo kiểu “thủng đâu vá đó” khiến công tác tuyển sinh kéo dài, gây áp lực với các trường và khó khăn cho thí sinh.
Để công tác tuyển sinh năm 2023 hiệu quả, tạo thuận lợi và bảo đảm quyền lợi của thí sinh, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ, các trường đại học cần phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không bảo đảm sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh. Các đơn vị liên quan cần rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm tuyển sinh, có kế hoạch nâng cấp để tiến tới hệ thống đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng và thanh toán trực tuyến dễ sử dụng, thân thiện và hiệu quả hơn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành các quy chế, quy định, kế hoạch tuyển sinh để các trường sớm triển khai theo yêu cầu trong Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2023 của Chính phủ đã nêu: “Sớm có kế hoạch, hướng dẫn về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023 bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định”. Các quy chế, quy định cần rõ ràng, gắn với thực tiễn tuyển sinh, không gây khó khăn cho các trường và thí sinh; đồng thời khắc phục triệt để tình trạng “vừa làm vừa sửa” như đã xảy ra trong tuyển sinh năm 2022 nhằm bảo đảm quyền lợi thí sinh.
Liên kết website
Ý kiến ()