Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:28 (GMT +7)
Bảo đảm nông sản lưu thông an toàn trong đại dịch
Thứ 7, 12/06/2021 | 10:25:29 [GMT +7] A A
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khi đánh giá về những kịch bản xuất khẩu, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến lưu thông.
Nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào
Thưa Thứ trưởng, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, có nhiều lo ngại về chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm có thể bị ảnh hưởng, ông đánh giá như thế nào về nguồn cung lương thực, thực phẩm hiện nay?
Ông Phùng Đức Tiến: Có thể khẳng định, đến thời điểm này, mọi kế hoạch sản xuất lương thực, thực phẩm vẫn theo sát các mục tiêu đề ra.
Đối với lương thực, đến nay, ngành nông nghiệp đã thu hoạch được 16,6 triệu tấn, dự kiến hết vụ Đông Xuân sẽ thu hoạch được 20,6 triệu tấn (tăng 2,5 % so với năm 2020). Ngoài ra, rau màu, hoa quả hiện nay cũng rất dồi dào. Về thực phẩm, năm nay ngành nông nghiệp dự kiến cung ứng 8,6 triệu tấn thủy sản, đến thời điểm hiện tại đã đạt được 3,3 triệu tấn (tăng 2,6% so với năm ngoái, trong đó 1,6 triệu tấn khai thác và 1,7 triệu tấn nuôi trồng).
Về mặt hàng thịt, năm nay ngành nông nghiệp phấn đấu cung ứng khoảng 5,6 triệu tấn. Hết quý I/2021, tăng trưởng của ngành chăn nuôi đạt 7,12%. Tổng kết đến tháng 5/2021, đàn lợn tăng 11,1%, gia cầm tăng 6,4%, mặt hàng sữa vẫn tăng rất đều đặn. Đối với trứng, năm nay dự kiến cung ứng 15 tỷ quả.
Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ và các địa phương quyết tâm thực hiện để đạt được các mục tiêu. Hiện tại, COVID-19 chưa ảnh hưởng đến mục tiêu mà ngành nông nghiệp đặt ra. Các chỉ tiêu được giao đang trong đà đạt và vượt, nông dân vẫn yên tâm sản xuất. Vì vậy, người tiêu dùng không nên lo lắng về tình trạng thiếu hụt hay đứt gãy nguồn cung lương thực thực phẩm do dịch COVID-19 gây ra bởi chúng ta có hệ thống 13.500 doanh nghiệp, 17.400 hợp tác xã với 34.390 trang trại để cung ứng lương thực thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, dù tác động của dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt kết quả khả quan. Theo ông, điều gì giúp nông sản tiếp tục lập nên kỳ tích?
Ông Phùng Đức Tiến: 5 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản ước đạt 42,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ tính riêng tháng 5, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,01 tỷ USD, tăng 40,2% so với tháng 5/2020; trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,75 tỷ USD, lâm sản chính ước đạt 1,52 tỷ USD, thủy sản đạt 750 triệu USD và chăn nuôi đạt 41 triệu USD… Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 22,83 tỷ USD, tăng 30,3% so với 5 tháng/2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 7,78 tỷ USD, tăng 13,0%; lâm sản chính đạt 7,06 tỷ USD, tăng 61,8%; thủy sản ước đạt 3,24 tỷ USD, tăng 12,0%; chăn nuôi ước đạt 166 triệu USD, tăng 43,9%.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm cao su, chè, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm; quế… Trong đó, cao su, chè, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường dưới sự hỗ trợ, tạo điều kiện của ngành chức năng đã làm nên kỳ tích này.
Không để đứt quãng dòng chảy lưu thông nông sản
Những kết quả đạt được trong xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm 2021 là rất khả quan, tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 có thể khiến các thị trường xuất khẩu, trong đó có Trung Quốc, áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn. Bộ NN&PTNT có giải pháp gì để dòng chảy xuất khẩu nông sản vẫn lưu thông, thưa ông?
Ông Phùng Đức Tiến: Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, có thời điểm xuất hiện tình trạng hàng hóa ứ đọng trên cửa khẩu với lượng lớn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Ngay lập tức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chủ động làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam và các tham tán thương mại cùng bàn bạc, đề nghị các tỉnh biên giới bố trí lực lượng kéo dài thời gian thông quan, làm thêm giờ. Bộ cũng có công văn cho các tỉnh, đối với những nông sản có thể dự trữ được thì hoãn lại, ưu tiên những nông sản có tính mùa vụ được thông quan trước. Nhờ đó, việc xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Năm nay, Bộ NN&PTNT cũng chủ động sớm thành lập các đoàn công tác làm việc với các tỉnh để thúc đẩy thông quan, tạo "luồng xanh" cho nông sản. Bộ cũng vừa có công văn cho 4 bộ ngành gồm: Giao thông vận tải, y tế, công an, tài chính đề nghị các cửa khẩu tổ chức phân luồng thông quan, ưu tiên với nhóm hàng nông sản khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ; kéo dài thời gian làm việc, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính.
Đồng thời, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải (như giảm phí cầu đường, bến bãi; giảm phí dịch vụ tại các cửa khẩu, cảng biển) để giảm chi phí lưu thông hàng hóa; nghiên cứu, xem xét việc cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh đối với các sản phẩm nông sản địa phương đã thực hiện đúng quy trình kiểm soát an toàn dịch COVID-19 theo hướng dẫn; quan tâm triển khai cơ chế ưu tiên tiêm vaccine sớm cho đối tượng lái xe vận chuyển, giao nhận hàng hóa.
Về khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp gặp khó khăn do tâm lý e ngại tiêu thụ nông sản của người dân vùng dịch. Tuy nhiên, chưa có căn cứ khoa học để cho rằng virus gây ra COVID-19 có trên vỏ bao bì hàng hóa, trên nông sản có thể lây sang người. Đến nay, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có công bố chính thức nào về việc SARS-CoV-2 lây từ bao bì sang người, đây là căn cứ để chúng ta yên tâm vận chuyển và tiêu thụ nông sản.
Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) xây dựng mô hình kết nối, tiêu thụ nông sản kiểu mới. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng của mô hình này?
Ông Phùng Đức Tiến: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để hỗ trợ các địa phương trong việc tiêu thụ nông sản (đặc biệt là những địa phương có những nông sản đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch), Bộ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19; đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…, chủ động tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đẩy mạnh đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU,...
Đối với thị trường trong nước, để không còn những hình ảnh nông sản phải giải cứu, làm méo mó thị trường, gây tổn thương nông dân, Bộ đã phối hợp với các hội đoàn thể ra mắt 5 điểm kết nối tiêu thụ nông sản, đồng thời thúc đẩy bán hàng trên các nền tảng công nghệ số.
Mô hình kết nối cung-cầu này sẽ chính quy, chuyên nghiệp hơn để vừa cung cấp sản phẩm tốt, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng, vừa nâng niu giá trị nông sản Việt.
Tại các điểm bán hàng này, chúng tôi sẽ thiết kế, phân luồng theo quy chuẩn phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các quầy hàng sẽ được bố trí lọ sát khuẩn trước khi vào mua hàng. Đồng thời, sẽ kẻ cách vạch giãn cách bảo đảm khoảng cách tối thiểu cho người mua hàng. Sau đó sẽ phân luồng một chiều cho người mua hàng, mua xong chỉ đi theo một chiều ra quầy thu ngân. Khẩu hiệu chúng tôi đưa ra là: Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương vượt qua đại dịch. Nói cách khác, vẫn là giúp nông dân tiêu thụ nông sản nhưng làm bài bản, chính quy hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()