Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:48 (GMT +7)
Bảo đảm nguồn hàng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán
Thứ 3, 09/11/2021 | 14:05:12 [GMT +7] A A
Thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, thương mại đều đã xây dựng kế hoạch và chủ động phương án dự trữ, cung ứng hàng hóa, kế hoạch triển khai các chương trình bình ổn thị trường, khuyến mại, giảm giá sâu các mặt hàng thiết yếu vào thời điểm cận Tết, nên khả năng thiếu hụt nguồn cung hay biến động bất thường về giá cả ít xảy ra.
Vài năm trở lại đây, thói quen tiêu dùng của người dân đang có sự thay đổi, chỉ tập trung mua sắm những mặt hàng thiết yếu phục vụ đủ nhu cầu chứ không mua ồ ạt tích trữ hàng Tết như trước, nên sức mua trên thị trường thường chỉ tăng mạnh vào dịp sát Tết. Do đó, để bảo đảm đủ nhu cầu lượng hàng hóa tăng đột biến vào thời điểm ngắn, tránh tình trạng đầu cơ, tăng giá, Bộ Công thương đã chủ động chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các điểm bán hàng bình ổn giá chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa kể cả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đại diện Công ty bánh kẹo Bibica đang tăng tốc chuẩn bị lượng hàng khoảng 3.000 tấn bánh kẹo đưa ra thị trường, số lượng tương đương năm trước nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Hiện Bibica đang có hơn 80 chủng loại sản phẩm với các phân khúc khác nhau, được thiết kế trau chuốt, sang trọng và làm mới tỉ mỉ từ hình thức đến chất lượng sản phẩm. Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá nguyên liệu đầu vào của một số sản phẩm tăng khoảng 5% đến 12%, song Bibica vẫn cam kết không tăng giá bán sản phẩm nào để ổn định nguồn cung thị trường do đã có kế hoạch điều tiết sản xuất. Tương tự, Tập đoàn KIDO cho biết, đã tiến hành một loạt giải pháp để giữ nguồn cung hàng hóa thông suốt trong thời điểm dịch bệnh, không làm đảo lộn hoạt động kinh doanh, nhất là dịp cao điểm cuối năm. Theo đó, KIDO sẽ tập trung nguồn lực để sản xuất dầu ăn đưa ra thị trường với sản lượng tăng 30% so cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa thiết yếu, các doanh nghiệp thương mại đang có sự điều chỉnh chiến lược cuối năm để phù hợp và đạt hiệu quả hơn. Theo đó, hệ thống siêu thị Vinmart đã lên kế hoạch bổ sung nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho dịp Tết từ bây giờ với mục tiêu tăng lượng dự trữ lên 35% so những tháng bình thường. Phần lớn ngân sách sẽ ưu tiên đầu tư cho dự trữ chín nhóm hàng bình ổn thị trường, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết. Chuỗi hệ thống siêu thị Big C và Go cũng sẽ ưu tiên các nhà cung cấp trong nước để tránh rủi ro, chủ động nguồn vào cũng như giảm chi phí không cần thiết. Theo Giám đốc khu vực miền bắc (Tập đoàn Central Retail) Lê Mạnh Phong, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần của hệ thống siêu thị Big C và Go dự kiến tăng 5% đến 7% so dịp Tết năm trước. Trong đó, chú trọng nhóm hàng phổ biến ở mức giá vừa phải, tiết kiệm để phù hợp với thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thay vì các sản phẩm có tính “độc, lạ” như vài năm trước. Không chỉ bảo đảm nguồn cung, các chuỗi siêu thị cũng lên kế hoạch thuê thêm số lượng lớn nhân viên thời vụ ở các vị trí thu ngân, giao hàng, quầy cân hàng hóa để bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong các khung giờ cao điểm, dịp cuối tuần.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, nhằm thúc đẩy sản xuất trong dài hạn, Bộ đang gấp rút triển khai từng bước mở lại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích và các hộ kinh doanh trên cơ sở bảo đảm biện pháp phòng, chống dịch để tăng lượng tiêu thụ hàng hóa. Song song với đó, Bộ cũng xây dựng các chương trình bình ổn, kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, chương trình “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia”. Đồng thời, thành lập tổ công tác đặc biệt tại ba miền để bám sát diễn biến thị trường, tham gia phối hợp kết nối cung cầu hàng hóa thiết yếu giữa các địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng trong bất cứ tình huống nào.
Đến nay, TP Hà Nội xác định nhóm hàng cần bảo đảm cung - cầu trong dịp Tết gồm các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thịt bò, thịt lợn, thịt gà, thủy, hải sản và các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết như nông, lâm sản khô, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát,... Vì vậy, Sở Công thương Hà Nội đã lên phương án cung ứng thông qua 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ truyền thống và 1.800 cửa hàng tiện lợi, cùng hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn, với tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 39 nghìn tỷ đồng, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khoảng 10,3 triệu người sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội. Mặt khác, Sở cũng sẵn sàng phương án sử dụng 2.500 địa điểm tại các quận, huyện làm điểm bán hàng lưu động với các hàng hóa thiết yếu, trong trường hợp xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. Tại TP Hồ Chí Minh, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, song việc cung ứng hàng hóa tiếp tục ổn định, bảo đảm nhu cầu mua sắm của nhân dân trong trạng thái bình thường mới. Theo đánh giá của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 10 đến nay, kênh phân phối truyền thống phục hồi dần đã góp phần quan trọng bình ổn giá nông sản, rau quả,... về mức hợp lý hơn so với giai đoạn áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Hiện lượng hàng hóa thực phẩm tập kết về điểm trung chuyển ở ba chợ đầu mối cũng đang tăng dần, đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là vào giai đoạn Tết Nguyên đán sắp tới. Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi vẫn duy trì hoạt động với hơn 3.000 điểm bán lẻ để phục vụ nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, cùng việc thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương về công tác bảo đảm hàng hóa, dự báo thị trường dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sẽ không xảy ra biến động bất thường về giá cả cũng như thiếu hụt hàng hóa. Tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp vẫn phải theo dõi sát diễn biến của thị trường để có sự điều chỉnh cho phù hợp, cũng như kiểm tra, giám sát để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, bán đúng giá niêm yết,... Tổng cục Trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trần Hữu Linh nhận định, dịp cuối năm, các đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả thường gia tăng hoạt động, tập trung vào rượu bia, bánh kẹo,... Lực lượng quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch chặt chẽ, phối hợp các lực lượng liên quan có biện pháp hữu hiệu đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng gian lận thương mại, kể cả những hành vi vi phạm về thương mại điện tử nhằm làm lành mạnh, trong sạch thị trường.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()