Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:20 (GMT +7)
Bảo đảm dịch vụ y tế tối thiểu trong thực hiện chính sách xã hội
Thứ 3, 31/05/2022 | 09:09:07 [GMT +7] A A
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân luôn là vấn đề được Quảng Ninh quan tâm trong suốt những năm qua. Bởi vậy, các dịch vụ y tế tối thiểu trên địa bàn đều được đầu tư, hoàn thiện giúp mọi người dân tiếp cận một cách thuận tiện.
Hiện ngành Y tế tỉnh có 19 cơ sở khám chữa bệnh, 8 trung tâm y tế (TTYT) tỉnh và 2 TTYT tuyến huyện không giường bệnh, 177 trạm y tế tuyến xã. Thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; ngành Y tế đã sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc, giảm đầu mối các khoa, phòng đảm bảo cơ cấu hợp lý theo quy định. Sau sắp xếp, các cơ sở khám, chữa bệnh liên tục phát triển và mở rộng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ngành Y tế tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của ngành, trong đó chú trọng nâng cao y đức; không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và phục vụ bệnh nhân; chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.
Ngành đặc biệt quan tâm phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu; đẩy mạnh ứng dụng, triển khai những công nghệ mới, kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị theo phương châm: Trung ương làm được kỹ thuật nào thì Quảng Ninh cũng cơ bản làm được kỹ thuật đó. Qua đó giúp người dân được sử dụng kỹ thuật mới, công nghệ cao ngay tại tỉnh, huyện, từ đó giảm tối đa tỷ lệ chuyển tuyến. Đến nay, tỷ lệ chuyển tuyến trung ương chỉ còn dưới 1% tổng số bệnh nhân. Điều này giúp người dân tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở; chi phí khám, chữa bệnh và cũng góp phần vào giảm tải cho tuyến trung ương, tuyến tỉnh. Nhiều năm qua, Quảng Ninh không còn tình trạng nằm ghép tại các cơ sở y tế.
Tỉnh còn tăng cường đưa bác sĩ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới; đồng thời tiếp tục duy trì công tác hỗ trợ toàn diện cho các đơn vị khó khăn. Cụ thể: Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hỗ trợ cho TTYT huyện Ba Chẽ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long hỗ trợ TTYT huyện Vân Đồn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hỗ trợ cho TTYT huyện Đầm Hà, Bệnh viện Bãi Cháy hỗ trợ cho TTYT huyện Bình Liêu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh hỗ trợ TTYT huyện Cô Tô. Các TTYT hỗ trợ, hướng dẫn chuyên môn cho các trạm y tế tuyến xã để nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngành y tế cũng lựa chọn, điều động một số bác sĩ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, có kinh nghiệm tại các đơn vị tuyến cuối của tỉnh đến trực tiếp làm chuyên môn và lãnh đạo, quản lý tại một số đơn vị khó khăn để tăng cường năng lực chuyên môn cho y tế cơ sở.
Các trạm y tế tuyến xã đều được đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, nhân lực, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Các trạm này được chia thành 3 mô hình hoạt động phù hợp với từng địa bàn.
Cùng với đó, để giúp bà con vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe bản thân, một số bệnh viện, đơn vị y tế tuyến tỉnh còn phối hợp với các đơn vị y tế tuyến huyện triển khai khám, chữa bệnh lưu động đến các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Từ năm 2015-2021, các đơn vị này đã phối hợp khám, cấp thuốc miễn phí cho trên 80.000 lượt người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống tại các xã khó khăn của tỉnh. Qua đó đã sàng lọc, phát hiện trên 1.000 trường hợp bị mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo để tư vấn đi điều trị kịp thời.
Ngành Y tế còn phối hợp cùng các tổ chức phòng, chống mù lòa châu Á thực hiện nhiều đợt khám sàng lọc và phẫu thuật thay thủy tinh thể giải phóng mù lòa cho bệnh nhân bị đục thủy tinh thể ở các địa bàn khó khăn. Từ năm 2016 đến nay đã có 35.000 lượt người cao tuổi được khám, điều trị các bệnh về mắt, phẫu thuật thay thủy tinh thể cho hơn 1.000 bệnh nhân.
Không chỉ hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế trên địa bàn, để đảm bảo dịch vụ y tế tối thiểu cho người dân, tỉnh còn chú trọng hỗ trợ bảo hiểm y tế (BHYT) cho các nhóm đối tượng khó khăn. Ngoài việc sử dụng ngân sách của tỉnh để hỗ trợ đầy đủ mức đóng BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, tỉnh đã ban hành một số chính sách riêng về hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm đối tượng như: Hỗ trợ BHYT cho người cao tuổi từ 75 đến dưới 80 tuổi đang sinh sống trên địa bàn tỉnh không có trợ cấp xã hội hoặc đang hưởng tiền tuất hàng tháng; hỗ trợ 100% BHYT cho người thuộc gia đình hộ cận nghèo; hỗ trợ BHYT với một số đối tượng trẻ em chưa thuộc diện hưởng chính sách hiện hành của Nhà nước; nâng mức hỗ trợ đóng HBYT lên 80% cho người thuộc hộ gia đình nông, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình... Theo BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 3/2022, tỷ lệ phủ BHYT toàn dân của tỉnh là 92,8%.
Cùng với đó, ngành Y tế cũng nâng cao chất lượng công tác phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế khác để giúp người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất; từ đó nâng cao thể lực, chất lượng dân số, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()