Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:10 (GMT +7)
Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội
Thứ 2, 20/02/2023 | 11:38:41 [GMT +7] A A
88 người bị ngộ độc chè đậu trắng ở An Giang vừa qua, trong đó có 50 người tự điều trị tại nhà, 38 người nhập viện (trong số những người nhập viện đã có 1 người tử vong) tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về công tác VSATTP trên cả nước.
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ CKII Nguyễn Phú Nhuận (ảnh), Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Quảng Ninh).
- Vụ ngộ độc chè đậu trắng ở An Giang xác định có khuẩn Bacillus cereus, vậy bác sĩ có thể cho biết rõ vi khuẩn này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?
+ Trên địa bàn huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) vừa qua đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm do một hộ dân tổ chức nấu và cung cấp miễn phí chè đậu trắng cho người dân vào dịp rằm tháng Giêng. Từ kết quả kiểm nghiệm của Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh ngày 10/2, nguyên nhân ngộ độc là do chè bị nhiễm khuẩn Bacillus cereus.
Đây là loại vi khuẩn phổ biến trong môi trường, nên dễ bị nhiễm vào thực phẩm. Khuẩn này có khả năng tồn tại ở dạng bào tử; bào tử này sẽ chết ở nhiệt độ cao, nhưng có thể nhân lên nhanh chóng ở nhiệt độ phòng.
Bacillus cereus được xem là một tác nhân gây ngộ độc thực phẩm hàng đầu, chỉ sau Salmonella (vi khuẩn thương hàn) và các vi rút. Nhiều loại thực phẩm được coi là môi trường lý tưởng của Bacillus cereus, như cơm, rau, thịt, mì ống, sữa trứng, bánh ngọt, xà lách, súp, kem, các loại thảo mộc và gia vị. Bacillus cereus gây ra 2 bệnh cảnh lâm sàng khác nhau là hội chứng nôn và hội chứng tiêu chảy. Ngoài ra, Bacillus cereus cũng có liên quan đến nhiễm trùng mắt, đường hô hấp và vết thương.
- Xin bác sĩ cho biết về cách phòng ngừa độc tố Bacillus cereus nói riêng và các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm nói chung?
+ Có nhiều loại vi khuẩn có khả năng gây ngộ độc thực phẩm, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, ngoài việc chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì nên ăn ngay sau khi vừa nấu chín xong. Bởi thức ăn càng để lâu, càng dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Thực phẩm sau khi đã nấu chín chưa sử dụng ngay nên bảo quản trong tủ lạnh, tủ cấp đông, không nên giữ ở nhiệt độ phòng. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng thì nhất thiết phải được đun kỹ lại. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa các vi khuẩn phát triển trong quá trình bảo quản.
Nếu nghi ngờ thực phẩm đã hư hỏng, nhiễm bẩn, cần loại bỏ, không nên sử dụng. Sát khuẩn tay trước và sau khi nấu ăn; sau khi đi vệ sinh. Khi xảy ra ngộ độc, cần lưu ý vệ sinh, tẩy trùng nhà bếp, dụng cụ chế biến. Giữ vệ sinh khu vực chế biến, dụng cụ bảo quản, chế biến thực phẩm luôn sạch, để hạn chế sự tồn tại và phát triển của vi khuẩn.
- Tại Quảng Ninh, công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhất là dịp lễ hội xuân năm 2023 đã được triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?
+ Để đảm bảo VSATTP, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, phòng ngộ độc thực phẩm xảy ra, hằng năm, Chi cục ATVSTP đều tham mưu cho Sở Y tế xây dựng các kế hoạch tăng cường kiểm soát công tác ATTP.
Sở Y tế chỉ đạo Chi cục ATVSTP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường triển khai hoạt động truyền thông, cập nhật kiến thức về ATTP cho các nhóm đối tượng chế biến, kinh doanh, tiêu dùng; trách nhiệm pháp lý khi vi phạm những quy định về ATTP... Đồng thời, công khai danh sách các cơ sở bị xử phạt vi phạm về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng, giúp cho nhận thức về ATTP của tất cả các đối tượng trong xã hội được nâng cao.
Chi cục cũng phối hợp liên ngành tăng cường kiểm tra, thanh tra về công tác về ATTP. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đã thành lập 3 đoàn liên ngành để kiểm tra 13/13 Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp huyện, 13 Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP cấp xã và kiểm tra 33 cơ sở giết mổ gia súc, sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và chợ. Thực hiện test nhanh 69 mẫu giò, chả, rau, hoa quả các loại; lấy 12 mẫu thực phẩm xét nghiệm, toàn bộ các mẫu đều đạt yêu cầu.
Chi cục ATVSTP đã thành lập 2 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP mùa lễ hội xuân tại Uông Bí, Hạ Long, Đông Triều, Vân Đồn. Đây đều là những địa phương có các chùa tổ chức lễ hội thu hút nhiều du khách tham dự. Các đoàn đã kiểm tra 50 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố khu vực xung quanh các chùa.
Theo thống kê, để bảo đảm công tác ATTP Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập 205 đoàn kiểm tra; đã kiểm tra 2.397 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 71 cơ sở với số tiền trên 560 triệu đồng. Đến nay, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng về công tác đảm bảo ATTP, người tiêu dùng cần cẩn trọng với việc chọn lựa và sử dụng thực phẩm để đảm bảo sức khoẻ và có một mùa lễ hội an toàn.
- Trân trọng cảm ơn bác sĩ!
Nguyễn Hoa (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()