Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 17:27 (GMT +7)
Báo chí kiến tạo văn hóa: Từ tư duy đến giữ gìn bản sắc
Thứ 7, 05/02/2022 | 13:52:49 [GMT +7] A A
Báo chí có vai trò quan trọng trong sự nghiệp văn hóa và tư tưởng của đất nước. Trong thư gửi trí thức ở Nam Bộ ngày 25/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh sứ mệnh “phò chính, trừ tà” của các nhà báo. “Phò chính” là bảo vệ điều đúng đắn, tôn trọng lẽ phải và phát huy những giá trị tốt đẹp để chấn hưng văn hóa nước nhà đồng thời đưa đất nước tiến lên. Trong bối cảnh hiện nay, báo chí có sứ mệnh gìn giữ, kiến tạo nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để làm được như vậy, chúng ta cần có một tư duy văn hóa về báo chí.
Từ tư duy văn hóa
Mối quan hệ giữa báo chí và văn hóa từ lâu luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và giới nghiên cứu báo chí - truyền thông. Mối quan hệ mật thiết giữa báo chí và văn hóa được coi là nền tảng cho sự phát triển của xã hội. Trong các cuốn giáo trình báo chí, “khai sáng” được nhấn mạnh như chức năng văn hóa của báo chí. Theo đó, báo chí không chỉ cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức, hướng dẫn hành vi cho công chúng, mà còn tạo ra giá trị cho xã hội. Báo chí tạo ra giá trị cho xã hội thông qua việc làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, chức năng văn hóa của báo chí còn thể hiện qua việc báo chí tham gia phản biện, kiến tạo, củng cố, phổ biến hệ giá trị của xã hội.
Thực tiễn hiện nay đòi hỏi chúng ta phát triển tư duy văn hóa về báo chí để báo chí thúc đẩy văn hóa như nền tảng, động lực của sự phát triển xã hội. Những nhà nghiên cứu theo lý thuyết kiến tạo cho rằng, báo chí như thế nào thì văn hóa như thế đó và văn hóa như thế nào thì báo chí như thế đó. Báo chí là tấm gương phản chiếu văn hóa và văn hóa là tấm gương soi của báo chí. Quan niệm này nhấn mạnh, cả chủ thể và công chúng báo chí cần xây dựng một tư duy văn hóa vượt lên trên tư duy mang tính kỹ thuật về báo chí. Công chúng sử dụng báo chí không chỉ để tiếp cận thông tin, học tập, giải trí mà còn để hòa mình vào môi trường xã hội, môi trường văn hóa, từ đó định vị bản thân, định hình bản sắc cá nhân trong mối tương quan với các cá nhân khác trong xã hội.
Báo chí theo cách hiểu phổ biến là phương tiện thông tin thiết yếu với đời sống xã hội. Không chỉ vậy, báo chí còn là hệ thống truyền thông mà thông qua đó các cá nhân, cộng đồng và xã hội trao đổi thông tin, ý nghĩa để đạt được đồng thuận trên cơ sở những khác biệt. Nói cách khác, báo chí hướng tới xây dựng những ý nghĩa, giá trị chung, đồng thời trân trọng những khác biệt của mỗi cá nhân, cộng đồng và nền văn hóa. Báo chí không phải là công cụ để tạo ra một bộ đồng phục về văn hóa mà hướng tới kiến tạo sự thống nhất trong đa dạng văn hóa. Nếu như sự thấu hiểu lẫn nhau là mục tiêu báo chí hướng đến thì sự khác biệt là động lực thúc đẩy quá trình báo chí hướng tới sự thấu hiểu đó.
Trên phương diện này, báo chí không đơn thuần là một hệ thống kỹ thuật hay vật chất để truyền đi thông điệp từ nguồn đến đích. Nó là môi trường, diễn đàn và không gian văn hóa để các cá nhân, cộng đồng tham gia vào quá trình xác lập bản sắc và hòa nhập xã hội. Giáo sư Thomas Alfred Bauer, Đại học Tổng hợp Viên (Áo), cho rằng, báo chí là nỗ lực để giúp các cá nhân, cộng đồng, văn hóa khác nhau thừa nhận lẫn nhau, là “tấm bản đồ xác định địa điểm và cách thức tiếp xúc để hiện thực hóa các tương tác xã hội”. Ông cũng cho rằng, tự thân các phương tiện truyền thông không có các giá trị văn hóa, thẩm mỹ hay đạo đức, mà cách sử dụng của công chúng gán ý nghĩa cho chúng.
Cách thức, thói quen, hành vi công chúng sử dụng các phương tiện truyền thông nói chung và báo chí nói riêng tạo nên giá trị văn hóa. Nếu coi báo chí là một hệ thống kỹ thuật hay vật chất, tự thân hệ thống đó không có giá trị văn hóa. Quan niệm của các nhà quản lý về báo chí, ứng xử của các nhà báo trong hoạt động nghề nghiệp và cách thức sử dụng của công chúng mới tạo nên ý nghĩa, giá trị văn hóa của báo chí. Báo chí theo nghĩa đó mang tính văn hóa và ở một mức độ cao hơn chính là văn hóa. Báo chí không chỉ hướng đến xây dựng hệ quy chiếu văn hóa cho việc mã hóa và giải mã các thông điệp mà còn là cơ chế để xây dựng, củng cố niềm tin xã hội.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đã ảnh hưởng sâu sắc, toàn diện đến báo chí. Công nghệ và công chúng thay đổi đòi hỏi báo chí phải thay đổi. Điều này là đúng trên phương diện công nghệ cần được ứng dụng mạnh mẽ để thu hút sự chú ý của công chúng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của công chúng. Báo chí dữ liệu, báo chí tự động hóa xuất hiện gắn liền với sự phát triển của công nghệ nhưng dù phát triển ở hình hài, trình độ nào, báo chí vẫn cần hướng tới tôn trọng con người, dựa trên những câu chuyện nhân bản. Báo chí văn hóa theo nghĩa đó chính là báo chí vì con người, lấy con người làm trung tâm và vì lợi ích của con người.
Đến giữ gìn bản sắc
Khi nhìn nhận báo chí bằng tư duy văn hóa, chúng ta sẽ nhận thấy vai trò to lớn của báo chí trong kiến tạo văn hóa, xây dựng nền tảng văn hóa lành mạnh cho xã hội. Đồng thời, văn hóa sẽ trở thành nền tảng vững chắc, định hình và định hướng sự phát triển tích cực của báo chí. Giáo sư Folker Hanusch trong nghiên cứu Báo chí, văn hóa và xã hội (năm 2016) cho rằng, các nền báo chí trên thế giới vận hành theo những cách khác nhau không chỉ do sự chi phối của các yếu tố chính trị, kinh tế, mà còn bởi sự tác động của văn hóa. “Báo chí ảnh hưởng đến văn hóa nhưng cũng chịu sự ảnh hưởng trở lại của văn hóa”.
Vai trò kiến tạo văn hóa của báo chí thể hiện chủ yếu qua quá trình báo chí nuôi dưỡng, vun đắp, củng cố và phổ biến các mã văn hóa. Còn được gọi là gen hay DNA văn hóa, mã văn hóa là hệ thống các biểu tượng và ý nghĩa được thừa nhận trong một cộng đồng, quy định cách thức các cá nhân trong cộng đồng giao tiếp, ứng xử với nhau. Mã văn hóa giúp cho những cá nhân trong cộng đồng giải mã và thấu hiểu thông điệp theo cùng một cách. Quan trọng hơn, mã văn hóa giúp cho các giao tiếp xã hội hiệu quả dựa trên sự thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau.
Các tác phẩm báo chí - truyền thông kết tinh, truyền tải và quảng bá các mã văn hóa. Nhà báo sáng tạo ra các tác phẩm báo chí dựa trên các quy tắc nghề nghiệp và quy ước văn hóa. Thông qua các tác phẩm báo chí, công chúng tiếp nhận các mã văn hóa một cách có ý thức hoặc vô thức mà phần nhiều là vô thức. Không phải ngẫu nhiên, mỗi khi Tết đến Xuân về, người Việt lại rạo rực hướng về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. “Trở về nhà”, “Đi về quê” là một mã văn hóa ăn sâu trong tâm thức của người Việt. Mã văn hóa ấy không ngừng được báo chí nhắc lại, nhấn mạnh, củng cố, truyền bá tạo thành tâm thức chung.
“Thương người” cũng là một mã văn hóa quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Mã văn hóa này được thể hiện trong những tác phẩm báo chí về sự thương yêu, hỗ trợ lẫn nhau của người dân miền Nam nói riêng, người dân Việt Nam nói chung trong những ngày đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong khó khăn, hoạn nạn, mã văn hóa “Người trong một nước thì thương nhau cùng” kết nối cả nước, tạo nên sức mạnh dân tộc. Bà con miền Trung gửi gạo, nông sản hỗ trợ bà con miền Nam khi dịch giã lan tràn cũng giống như đồng bào miền Nam gói bánh chưng, bánh tét giúp đỡ đồng bào miền Trung khi bão lũ.
Các mã văn hóa thực chất là những giá trị tốt đẹp của dân tộc, được thử thách bởi thời gian và trở thành trầm tích văn hóa. Những mã văn hóa này quy định cách thức báo chí thông tin, lý giải các vấn đề, sự kiện. Đến lượt mình, báo chí góp phần củng cố, lan tỏa, làm cho các mã văn hóa ăn sâu hơn vào đời sống tinh thần và tiềm thức của công chúng. Một nền báo chí lành mạnh, nhân văn sẽ góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh và nhân văn. Điều này cũng được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng với chủ trương “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và bùng nổ thông tin như hiện nay, văn hóa bản địa và các giá trị truyền thống bị thử thách. Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc tiếp nhận các sản phẩm báo chí - truyền thông nước ngoài là cần thiết để làm phong phú đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân. Thế nhưng, sự du nhập các sản phẩm văn hóa, giải trí nước ngoài cũng làm dấy lên nỗi lo ngại về các cuộc xâm lăng văn hóa. Sự xâm lấn này có thể diễn ra dồn dập nhưng cũng có thể ngấm ngầm thẩm thấu vào nhận thức của từng cá nhân qua các sản phẩm báo chí - truyền thông, nhất là khi thông tin trên internet len lỏi vào từng cộng đồng.
UNESCO cho rằng, toàn cầu hóa đã đẩy nhanh tốc độ “hòa trộn” của các cộng đồng và các nền văn hóa. Hay như lập luận của Thomas L. Friedman, tác giả của cuốn "Thế giới phẳng", toàn cầu hoá đang tạo ra những “bộ đồng phục” cho các quốc gia. Đó là thách thức có thật và không ai có thể làm bánh xe toàn cầu hóa ngừng quay, nhưng báo chí có thể trở thành bộ lọc văn hóa. Do đó, nhà báo Phan Quang trong bài viết "Báo chí và văn hóa" cho rằng, báo chí “không đơn thuần làm công việc chuyển tải văn hóa một cách thụ động, mà phải chủ động sàng lọc khi quảng bá văn hóa đại chúng, không tiếp tay cho những hành vi phản cảm trong hoạt động văn hóa nghệ thuật…”.
Thực tiễn cũng cho thấy, các giá trị văn hóa truyền thống bị thử thách tột độ khi kinh tế phát triển nóng và văn hóa bị coi nhẹ. Trong bài viết nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu đối với báo chí trong việc gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư cho rằng, “Càng đi vào phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, nhà báo càng phải nêu cao tính tiên phong trên mặt trận tư tưởng, tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại, chống lại thứ văn hóa lai căng, đồi bại, xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức, bản sắc văn hóa Việt Nam, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ, hình thành và phát triển nhân cách, lối sống, đạo đức, tâm hồn của con người Việt Nam”.
GS.TS Vũ Thanh Vân (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Liên kết website
Ý kiến ()