Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
Bánh đa gạo lứt
Chủ nhật, 18/07/2021 | 13:55:34 [GMT +7] A A
Được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chất lượng, bánh đa từ gạo lứt của cơ sở Phúc Anh (TP Cẩm Phả) đã được đưa ra thị trường, mở ra xu hướng tiêu dùng "xanh", phát triển các sản phẩm truyền thống tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Vận, chủ cơ sở sản xuất bánh đa gạo lứt Phúc Anh (TP Cẩm Phả) chia sẻ: "Trong thời gian gần đây, người dân có xu hướng tiêu dùng rất nhiều gạo lứt và sản phẩm từ gạo lứt. Chính vì thế, chúng tôi cũng quan tâm tới các sản phẩm mới từ gạo lứt cũng như các sản phẩm sạch, có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng".
Gạo lứt còn gọi là gạo lật, được chế biến ít hơn gạo trắng, để lại cám và mầm. Theo nghiên cứu, gạo lứt giữ lại các chất dinh dưỡng mà gạo trắng thiếu như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa... Bà Vận cho biết, 2 năm trước, trong những lần đi tìm mua nguyên liệu làm bánh đa ở TX Đông Triều, bà đã phát hiện ở địa phương có nhiều sản phẩm gạo lứt có chất lượng tốt. Bà bèn có ý tưởng phát triển sản phẩm bánh đa từ gạo lứt.
Năm 2021, cơ sở Phúc Anh quyết định sản xuất bánh đa gạo lứt từ giống gạo lứt Hồng Hương ĐT128 của Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh, được trồng nhiều ở TX Đông Triều. Đây là loại gạo rất giàu chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể, như: vitamin, khoáng chất, giàu Omega...
Do gạo lứt là loại gạo dẻo, cùi gạo dày nên công đoạn xay bột đòi hỏi kỹ thuật hơn gạo tẻ thông thường. Ngoài ra, việc ngâm gạo lứt cũng ngắn hơn gạo tẻ thường, chỉ ngâm khoảng 3 tiếng rồi xay để đảm bảo độ mềm mà không làm mất chất dinh dưỡng.
Sau khi được xay nhuyễn, hỗn hợp bột nước được đưa qua hệ thống tự động đi lên giàn tráng và được hấp chín bằng công nghệ gia nhiệt bằng hơi. Mức độ nhiệt được điều chỉnh cao hơn bánh đa thông thường. Sau đó, bánh được đưa vào nhà sấy ở nhiệt độ 27-35 độ để bánh đa khô ráo, lúc này, bánh có màu nâu sẫm đặc trưng của gạo lứt.
Việc gia nhiệt bằng nồi hơi giúp sản phẩm có độ chín đều, dẻo, dai. Tuy ít chất béo nhưng bánh đa gạo lứt có vị ngậy dễ ăn, giàu chất dinh dưỡng, được thị trường đón nhận và đánh giá cao.
Được biết, tiến tới cơ sở Phúc Anh sẽ thử nghiệm phương pháp xay bột khô nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất. Cơ sở đang tính toán nghiên cứu phát triển các sản phẩm bánh đa, bánh tráng từ các sản phẩm nông nghiệp sẵn có trong tỉnh như ngô, khoai hoặc các sản phẩm giàu chất sơ, phối trộn giữa các nguyên liệu này.
Theo thống kê, trung bình cơ sở Phúc Anh có thể sản xuất, tiêu thụ 100-500kg gạo lứt/ngày tuỳ theo nhu cầu đặt hàng của người tiêu dùng. Sản phẩm đã được đăng ký vào Chương trình OCOP của TP Cẩm Phả tháng 5/2021.
Với phản hồi tốt của thị trường, có thể thấy, hướng đi sản xuất các sản phẩm thực phẩm tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng đang tạo chỗ đứng vững chắc, tăng tính cạnh tranh, mở rộng phân khúc thị trường cho sản phẩm truyền thống.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()