Tất cả chuyên mục

Tính đến 8h ngày 9/3, tỉnh Quảng Ninh là địa phương thứ 12 trong cả nước phát hiện ổ dịch bệnh tả lợn châu Phi, trong đó trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên xảy ra tại thôn Đức Sơn, xã Yên Đức (TX Đông Triều). Trước diễn biến mới của dịch bệnh, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn nhanh ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) về những khuyến cáo của ngành Nông nghiệp để phòng chống dịch bệnh này.
[links()]
![]() |
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT). |
- Ông đánh giá thế nào về diễn biến mới của bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay?
+ Dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virut gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã). Đây là bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng với tỷ lệ lợn chết lên tới 100%. Hiện chưa có vắc-xin và thuốc đặc trị dịch bệnh.
Tại Quảng Ninh, mặc dù thời gian qua, các địa phương đã chủ động triển khai những biện pháp phòng chống dịch bệnh, tuy nhiên đến ngày 9/3, trên địa bàn thôn Đức Sơn, xã Yên Đức (TX Đông Triều) đã xác nhận trường hợp mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của tỉnh.
Qua xác định nguyên nhân ban đầu, chúng tôi nhận định địa bàn bùng phát bệnh nằm sát khu vực sông Kinh Thầy, trong đó bên kia sông có 2 xã: Liên Khê và Lưu Kiếm (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã có dịch tả cách đây hơn nửa tháng. Do nguồn nước dẫn từ sông Kinh Thầy có nguy cơ mầm bệnh nhiễm vào ao nuôi thủy sản của gia đình và nguồn nước này lại được sử dụng để rửa chuồng trại chăn nuôi khiến đàn lợn nhiễm bệnh. Với khả năng lây nhiễm cao, nếu không được kiểm soát và xử lý tốt, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất mạnh.
- Vậy trước mắt, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp khẩn cấp nào để khống chế ổ dịch tại TX Đông Triều, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thưa ông?
+ Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch, Sở NN&PTNT đã phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương tiêu hủy hết đàn lợn bị bệnh tại hộ bà Nguyễn Thị Làn, thôn Đức Sơn, xã Yên Đức và công bố dịch theo quy định. Hiện lực lượng chức năng đã khoanh vùng, bao vây ổ dịch, cắm biển báo, chốt kiểm soát hạn chế người và phương tiện ra vào ổ dịch 24/24h. Đồng thời rà soát, thống kê đàn lợn, theo dõi, giám sát tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Yên Đức và toàn TX Đông Triều nhằm phát hiện lợn ốm, chết, báo cáo kịp thời để phối hợp xử lý.
Tiếp tục phun khử trùng, tiêu độc tại ổ dịch (xã Yên Đức) và các khu vực lân cận (xã Hoàng Quế, Yên Thọ thuộc vùng dịch uy hiếp). Bên cạnh đó, tổ chức thông tin tuyên truyền về tình hình phát sinh dịch bệnh trên địa bàn để người dân chủ động phòng tránh; phổ biến cơ chế chính sách hỗ trợ giúp nhân dân biết, chủ động tham gia công tác phòng chống dịch.
Ngoài ra, lực lượng chức năng đang tiếp tục giám sát chặt chẽ tại các chốt kiểm soát liên ngành trên địa bàn TX Đông Triều; các tổ cơ động tăng cường hoạt động kiểm tra cơ sở giết mổ, chợ, các xe chở lợn vi phạm về kiểm dịch. Chúng tôi cũng khuyến cáo thêm người dân trong vùng tuyệt đối không lấy nước sông sử dụng chung cho canh tác và chăn nuôi bởi có thể mầm bệnh sẽ theo nguồn nước phát tán, bùng phát các ổ dịch.
![]() |
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh và khoanh vùng dịch bệnh tại thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, TX Đông Triều. |
- Nhiều ý kiến cho rằng khi dịch bệnh xuất hiện, người tiêu dùng sẽ quay lưng với thịt lợn, không sử dụng các sản phẩm từ lợn, còn đối với hộ chăn nuôi thì hoang mang, lo lắng. Đứng ở góc độ chuyên môn, ông có khuyến cáo thế nào về vấn đề này?
+ Tôi khẳng định, dịch tả lợn châu Phi hoàn toàn không lây sang người, vì vậy, người dân không nên hoang mang, không quay lưng với thịt lợn sạch. Bởi thực tế, cơ quan chức năng đang làm hết sức mình trong việc kiểm soát, ngăn chặn thịt lợn dịch bệnh vào thị trường tiêu thụ. Người dân nên sử dụng sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch.
Đối với các hộ chăn nuôi, trước mắt phải hết sức bình tĩnh, chủ động bảo vệ đàn lợn của mình, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan chức năng để phòng chống dịch hiệu quả. Trong đó, với các hộ chăn nuôi gia trại, nông hộ phải thường xuyên vệ sinh tiêu độc, phun thuốc sát trùng chuồng nuôi (2 ngày/lần). Đặc biệt trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, bà con phải thực hiện tốt nguyên tắc “5 không” (không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt). Tôi tin rằng nếu những giải pháp này được triển khai đồng bộ, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được dập tắt.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Tăng (thực hiện)
Ý kiến ()