Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:06 (GMT +7)
Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn
Thứ 5, 25/04/2024 | 15:11:15 [GMT +7] A A
Ngày 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị làm việc với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh năm 2024 về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở; công tác quản lý nhà nước của chính quyền cấp cơ sở, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài chính, tài sản công. Đây là hội nghị làm việc đầu tiên giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với người đứng đầu các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến cấp xã. Các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chủ trì hội nghị.
Toàn tỉnh hiện có 177 xã, phường, thị trấn; trong đó 98 xã, 72 phường, 7 thị trấn. Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Cấp ủy các xã, phường, thị trấn của tỉnh đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, tập trung cụ thể hóa và triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh và cấp ủy địa phương; đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng; chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; chủ động, nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng bảo đảm thiết thực, hiệu quả; phát huy hiệu quả công tác dân vận và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, tài sản công...
Từ việc phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ tổ chức, công dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Đồng thời, cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém, chủ yếu liên quan đến công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở trong lĩnh vực đất đai, tài chính, tài sản công, quản lý phát triển xã hội, an ninh trật tự; công tác kiểm tra, tự kiểm tra, giám sát...
Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu đã tập trung làm rõ thực trạng năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phổ biến, điển hình trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở; công tác quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài chính, tài sản công từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay. Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở đã báo cáo, đánh giá có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những nội dung, vấn đề cụ thể; đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi và đề xuất được giải pháp tháo gỡ tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý thực tiễn ở cơ sở.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh đến vị trí, vai trò quan trọng của hệ thống chính trị cấp xã đối với sự phát triển bền vững địa phương; đồng thời khẳng định những kết quả nổi bật mà tỉnh Quảng Ninh đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay có sự đóng góp quan trọng của cấp ủy, chính quyền cấp xã trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hoá để tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương. Nhất là trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, trước khó khăn, thử thách chưa từng có bởi dịch bệnh Covid-19, hệ thống chính trị cấp xã, phường, thị trấn đóng vai trò trung tâm - là một pháo đài chống dịch, chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, yếu kém mà nguyên nhân chủ yếu do chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nơi còn hạn chế; trình độ hiểu biết pháp luật còn mức độ; công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cấp xã có nơi chưa được chú trọng toàn diện, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra…
Mục tiêu đặt ra hết năm 2024 thu nhập bình quân đầu người của người dân vùng nông thôn đạt trên 100 triệu đồng/người/năm; xóa hộ nghèo theo tiêu chí riêng của tỉnh, giảm 50% hộ cận nghèo; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 14,5‰, dưới 1 tuổi xuống dưới 9‰; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 11%; tỷ lệ hộ gia đình người dân nông thôn được sử dụng nước sạch qua công trình cấp nước tập trung đáp ứng quy chuẩn đạt trên 70%; xây dựng huyện Cô Tô và các xã đảo tỉnh Quảng Ninh không rác thải nhựa; xây dựng ít nhất 3 huyện, khoảng 50% xã, phường, thị trấn sạch ma túy. Hoàn thành rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, hương ước, quy ước tại mỗi cộng đồng dân cư về giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường gắn với thực hiện dân chủ ở cơ sở; bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp; xây dựng nếp sống văn minh.
Thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu tiếp tục đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị cấp xã. Trong đó trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị cấp xã trong sạch, vững mạnh, đổi mới nội dung, phương thức và cơ chế lãnh đạo của tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng ở xã, phường, thị trấn đối với hệ thống chính trị; xây dựng chính quyền địa phương ở cấp xã liêm chính, phục vụ, kiến tạo phát triển, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thực sự “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cấp xã trong phát huy đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân trên địa bàn; tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của chính quyền cấp xã, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; phát huy dân chủ gắn liền với tăng cường pháp luật, kỷ cương xã hội, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh. Quán triệt, thực hiện tốt nguyên tắc Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã phải lấy lợi ích thiết thực của người dân trên địa bàn, thước đo cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, hạnh phúc của mỗi con người làm mục tiêu phấn đấu, trách nhiệm hàng đầu, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu phải đổi mới hoạt động của cấp ủy, chính quyền cấp xã; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền địa phương ở cơ sở; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu quả bộ phận một cửa ở cấp xã gắn với xu hướng chuyển đổi số toàn diện; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng hình ảnh, tác phong, cốt cách của cán bộ, công chức, viên chức Quảng Ninh chuyên nghiệp, kỷ cương, tận tâm, mẫu mực, năng động, sáng tạo vì người dân phục vụ. Nâng cao chất lượng dịch vụ công ở cấp xã với sự tham gia và phối hợp của người dân, các nhóm dân cư, tổ chức xã hội ngày càng tốt hơn. Từ tỉnh đến cơ sở phải kiên quyết không để xảy ra tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, không nắm chắc tình hình nhân dân; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.
Cấp ủy, chính quyền cấp xã phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao, giảm nghèo bền vững, theo tiêu chí mới của tỉnh về thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống và hạnh phúc nhân dân; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh. Trọng tâm phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy gắn với chủ đề công tác năm về “Phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh” ở xã, phường, thị trấn, thôn, khu, bản, cộng đồng dân cư. Các phường, xã, thị trấn phải là nơi đi đầu rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới quy chế, quy định, hương ước, quy ước, nội quy, quy tắc ứng xử… trong mỗi cộng đồng tự quản; tạo chuyển biến rõ nét từ mỗi thôn, khu, bản, xã, phường, thị trấn trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, trong việc cưới - việc tang, lễ hội, xây dựng xã hội học tập, dòng họ học tập, gia đình hiếu học, gia đình văn hóa.
Kịp thời phát hiện, tập trung giải quyết các yếu tố tiềm ẩn phức tạp đối với an ninh trật tự từ cơ sở, tăng cường công tác bảo đảm an ninh xã hội, an ninh nông thôn, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, an ninh tôn giáo, an ninh con người, không để phát sinh “điểm nóng”, phức tạp về an ninh trật tự. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác lơi lỏng bảo đảm an ninh cơ sở; lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm gắn với tăng cường bảo đảm an ninh quốc gia theo đúng phương châm “chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, củng cố, phát triển, nhân rộng mô hình an ninh cơ sở, các mô hình xã, phường, thị trấn, thôn, khu, bản không có ma túy, không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức cộng đồng, dân cư, phát huy vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt các hương ước, quy ước, phát huy đúng mức tính tích cực của mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố đi liền với tăng cường cơ chế, giám sát của nhân dân.
Cùng với cấp xã, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh đến một trong những nhiệm vụ là cấp ủy, chính quyền cấp huyện cần đặc biệt quan tâm. Đó là phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện đối với hệ thống chính trị ở cơ sở, kịp thời giải quyết vướng mắc cho dân, tổng kết những điển hình tốt từ cơ sở, những sáng kiến của dân; chủ động rà soát theo đặc thù và tình hình thực tế của từng địa phương để có biện pháp khắc phục, hạn chế các nội dung tồn tại đã được chỉ ra. Ban thường vụ các cấp ủy cấp huyện, trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy chỉ đạo, đồng chí phó bí thư, chủ tịch UBND trực tiếp chịu trách nhiệm trong tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn diện công tác quản lý đất đai, tài chính, tài sản công thuộc thẩm quyền cấp huyện quản lý; chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()