Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:40 (GMT +7)
Bắn súng, cử tạ hy vọng có huy chương Olympic Paris 2024
Thứ 4, 19/06/2024 | 15:50:43 [GMT +7] A A
Thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu giành 12 vé chính thức tham dự Olympic Paris 2024. Cử tạ, bắn súng được hy vọng có khả năng tranh chấp huy chương Thế vận hội.
Ngày 19-6, Cục Thể dục thể thao đã có cuộc gặp mặt báo chí để thông tin về các hoạt động của ngành trong 6 tháng cuối năm 2024, trọng tâm là Olympic Paris.
Trước đó, Cục Thể dục thể thao đưa ra chỉ tiêu, đoàn thể thao Việt Nam phải giành được từ 12-15 suất chính thức tham dự Thế vận hội 2024. Con số này thấp hơn khá nhiều so với số VĐV Việt Nam đã có mặt tại Olympic Tokyo 2020 (18 vé), Olympic Brazil 2016 (23 vé).
Đến thời điểm này, đã có 12 VĐV có vé chính thức đến Paris, bao gồm: Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng), Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing), Nguyễn Thùy Linh và Lê Đức Phát (cầu lông), Võ Thị Kim Ánh và Hà Thị Linh (boxing), Lê Quốc Phong (bắn cung).
Trong ít ngày tới, thể thao Việt Nam có thể có thêm 1 suất chính thức ở môn judo. Ngoài ra, điền kinh và bơi Việt Nam sẽ có thêm 2 suất đặc cách tham dự Olympic dành cho những môn, nội dung không có VĐV giành vé chính thức.
Ông Hoàng Quốc Vinh - trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 (Cục Thể dục thể thao), cho biết thể thao Việt Nam bị mất 3-4 vé chính thức đến Olympic vì nhiều lý do là: Kim Tuyền (taekwondo), Thành An (đấu kiếm), 2 suất ở thể dục dụng cụ và vật.
Hiện các VĐV đã giành vé chính thức đến Paris đang tích cực chuẩn bị chuyên môn. Nhiều môn đi tập huấn và thi đấu nước ngoài như: Trung Quốc, Pháp, Úc... để tăng cường cho đại hội. Dự kiến ngày 20-7 đoàn thể thao Việt Nam sẽ nhập làng Olympic tại Paris.
Về hy vọng giành huy chương Olympic, ông Hoàng Quốc Vinh cho biết đây là việc rất khó khăn.
Ông Hoàng Quốc Vinh nhận định một số môn được trông chờ có hy vọng huy chương là: bắn súng (Trịnh Thu Vinh, Mộng Tuyền), cử tạ (Trịnh Văn Vinh), boxing (võ sĩ Hà Thị Linh)...
Ông Ngô Ích Quân - trưởng phòng thể thao thành tích cao 2, cho biết hiện Trịnh Văn Vinh đang tập huấn tại Trung Quốc. Chấn thương khớp gối của anh đã gần như bình phục hoàn toàn. Dù vậy khả năng cạnh tranh HCĐ là không dễ.
Thành tích tốt nhất mới đây của Trịnh Văn Vinh là tổng cử 294kg, đứng thứ 9 thế giới trong số các VĐV đã giành vé ở hạng 61kg nam. Hiện thế giới có 6 VĐV đã có tổng cử trên 300kg ở hạng cân này, kỷ lục Olympic là 318kg. Do vậy, dù mong muốn nhưng để có thể có huy chương Olympic là chuyện cực kỳ khó khăn với cử tạ và thể thao Việt Nam.
Ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục Thể dục thể thao - khẳng định xu thế của thể thao thế giới là phát triển, tăng cường các hạng cân nặng thay vì hạng cân nhẹ. Đó là điều khó khăn cho thể thao Việt Nam trong bối cảnh thể chất người Việt Nam thấp bé. Cơ sở vật chất, tài chính, con người... của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Để vươn thành tích lên tầm thế giới như Olympic, Asiad là không dễ và cần rất nhiều yếu tố.
Muốn có huy chương Olympic thì phải có HLV trình độ Olympic Trao đổi với báo chí, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao cho biết muốn có VĐV giành HCV Asiad, huy chương Olympic thì cần rất nhiều yếu tố. Đầu tiên, đó phải là việc tìm được VĐV giỏi, có cơ sở vật chất tập huấn tốt, HLV đạt trình độ Asiad, Olympic. Hiện thể thao Việt Nam chỉ có một vài HLV và chuyên gia đạt trình độ Asiad, Olympic như chuyên gia Park Chung Gun (bắn súng). Ông là người đã huấn luyện các xạ thủ: Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Trịnh Thu Vinh, Phạm Quang Huy... Ông Hoàng Quốc Vinh cho biết thời gian qua ngành thể thao đã mời chuyên gia đấu kiếm người Trung Quốc về huấn luyện Vũ Thành An, lương khoảng 7.000 - 8.000 USD/tháng. Dù vậy cũng không thể mời được vì họ không đến. Ngoài việc cần nhiều tiền để thuê chuyên gia giỏi, đó phải là người có quan hệ tốt, có tình cảm gắn bó với Việt Nam thì họ mới đến Việt Nam làm việc. |
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()