Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:37 (GMT +7)
Bản Sen, những ngày bão đi qua
Chủ nhật, 22/09/2024 | 05:32:13 [GMT +7] A A
Trở lại xã Bản Sen (Vân Đồn) sau những ngày bão đi qua, mọi thứ còn khá ngổn ngang. Cuộc sống của người dân trên đảo vẫn còn nhiều vất vả. Cơn bão qua đi nhưng tình người thì ở lại. Tình người còn mãi, làm ấm lòng mỗi người dân đảo trước sóng gió biển khơi.
Trắng tay sau bão
Dù đã hơn chục ngày sau cơn bão số 3 (Yagi), chúng tôi mới trở lại Bản Sen (Vân Đồn) nhưng những gì mà cơn bão để lại vẫn còn hiển hiện. Trước mắt chúng tôi, những ô đầm nuôi trồng nhuyễn thể, ô lồng nuôi cá trên biển của người dân bị bão đánh tan theo sóng gió. Nhiều gia đình cả đời mưu sinh từ biển, bỗng nhiên trắng tay chỉ sau vài tiếng bão số 3 quần thảo. Nhiều lồng bè giờ chỉ còn là đống đổ nát, tan hoang. Hệ thống phao nhựa HDPE dùng để làm nhà bè, giàn nuôi hàu, lồng nuôi cá có nhà vẫn chưa trả hết tiền. Nay phao nhựa vẫn còn nổi vật vờ trên biển. Một số người dân tiếc của đã bắt đầu thu gom hoặc mua lại với giá rẻ để tập kết tại khu vực gần cầu cảng chờ có vốn để nuôi lại vụ sau.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Bản Sen là một xã đảo nên bão vào sớm hơn gây thiệt hại nhiều hơn. Toàn xã có 136 hộ bị tốc mái nhà, trong đó có 5 hộ hỏng không thể ở, có 55/61 nhà bè hỏng nặng, có 290 hộ nuôi hàu ngao sừng, các loài nhuyễn thể bị thiệt hại gần như mất trắng. Các trường học trên địa bàn xã đều bị bay mái, hư hỏng cửa chính, cửa sổ, bàn ghế, hỏng học các thiết bị dạy học của giáo viên và học sinh.
Người dân nuôi hàu ở Bản Sen bị thiệt hại rất nhiều. Nhìn ra trên biển, tôi vẫn thấy lác đác có những ngư dân đi tìm kiếm phao nhựa những mong vớt vát chút tài sản. Nhà nào nuôi nhiều mất nhiều, nhà nuôi ít mất ít nhưng cơ bản là mất sạch. Bình quân một hộ gia đình ở Bản Sen nếu ít thì cũng có khoảng 20 -25 dây hàu, nếu được thu mỗi nhà ít nhất cũng được mỗi dây khoảng 5 tấn, nhưng tỷ lệ sống sót sau bão chắc chỉ hoạ hoằn chừng 0,1%.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Thủ ở thôn Làng Nhô vẫn còn rân rấn nước mắt. Nhà ông có khoảng 200 dây hàu đã bị bão đánh trôi theo con nước. Bão ập đến khi con hàu đang độ lớn, khoảng tầm 1 tháng nữa sẽ thu. Vốn liếng cả tỷ đồng gửi theo con giống dưới biển. Chưa kể tiền đầu tư lồng bè, tiền trả nhân công. Bây giờ tay trắng hết, đến cái vỏ con hàu cũng chẳng còn. Muốn thuê công nhân đi tìm phao về cũng không ai nhận vì không có tiền công trả họ.
Sau siêu bão Yagi, những chiếc phao nuôi trồng thủy sản vẫn dạt trôi trên biển, nhiều nhà bè đổ nát chưa thể dựng lại như trước, nhưng ngư dân nơi đây vẫn căng mình để tái thiết cuộc sống trên sóng nước. Ngư dân vớt phao nhựa với hy vọng nghề nuôi biển sẽ sớm được hồi sinh.
Người Bản Sen nếu không nuôi hàu dưới biển thì cũng trồng cây trên rừng. Hàu mất trắng. Cây thì gẫy đổ. Những hộ gia đình như ông Thủ thì mất cả dưới biển lẫn trên rừng. Rừng trồng keo bạch đàn, mới được vài năm cây còn non chưa đến kỳ thu hoạch. Bão như một nhát dao khổng lồ chặt đứt ngang cây. Cây nào còn lá thì cũng táp hết trong trận cuồng phong. Khả năng phục hồi gần như là không thể. Cây non bán không được mà để thì cũng không xong. Người trồng rừng ở Bản Sen chỉ còn nước là chặt hết đi để trồng lại vụ sau.
Người Bản Sen lo cho sinh kế trước khi nghĩ đến cái nhà của mình. Khi cái nghề đã thất thu thì cái nhà cũng bị bão thổi cho điêu đứng. Chị Phạm Thị Muôn, Phó trưởng thôn Nà Sắn cho hay, thôn có 123 hộ thì tất cả đều bị ảnh hưởng trong bão số 3. Đặc biệt có 65 hộ thiệt hại nặng nề, nặng nhất là 8 hộ bị bay mái nhà chưa khắc phục được chỗ ở.
Bà Nguyễn Thị Thìn, 83 tuổi, ở thôn Đông Lĩnh không ngăn nổi giọt nước mắt ứa ra trên những nếp nhăn dưới khoé mắt. Trong câu chuyện với chúng tôi, chốc chốc, bà lại lấy dải khăn tang trên đầu chấm những giọt nước mắt hoen mờ.
Trước bão, bà Thìn đã phải đớn đau tiễn người bạn đời của mình về bên kia thế giới. Mới được vài chục ngày nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì bão ập về. Bão làm lung lay căn nhà cũ kỹ. Thổi xiêu cả mái bay cả cửa làm cho căn nhà trống vắng đàn ông nay lại càng hiu quạnh. Căn nhà xác xơ sau bão nay chỉ còn mình bà Thìn sống lay lắt những năm tháng cuối cùng của đời người.
Sau bão, con đường đến trường của các bạn nhỏ cũng thêm vất vả. Trường học thì cũng bay mái tôn, vỡ cửa kính, bay nhà xe. Hiện các cháu học sinh đã được đến trường trở lại, nhưng điện nước thì vẫn chưa có. Cô giáo Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học và THCS xã Bản Sen, cho biết: Trường chỉ có 2 giáo viên là người địa phương còn lại từ bờ ra tăng cường. Sau bão, nhiều giáo viên từ Vân Đồn, Cẩm Phả ra thấy mái tôn trên nóc nhà bay, cây đổ, tốc mái tan hoang, nhìn mà không khỏi thấy thất thần. Giáo viên dọn trường cả tuần mới tạm ổn để đón học sinh đến trường.
Tình người ở lại
Những ngày sau bão, nhiều tấm lòng thiện nguyện ấm áp lại đến với Bản Sen. Mỗi túi gạo, chai nước, túi thuốc, hay cây xúc xích ăn liền đều chứa đựng tấm lòng sẻ chia, nghĩa tình đồng bào được mang lên tàu gửi ngay ra đảo. Chị Bùi Thị Hồng, Trưởng nhóm Thiện nguyện Quảng Ninh thân yêu, cho biết, chúng tôi xót xa khi cơn bão đi qua, nhiều nhà dân bị bay mái, lồng bè bị tan hoang, nhiều học sinh đến trường thiếu sách vở, bút mực. Bởi vậy, ngay từ khi nhận được sự kết nối của Hội Nhà báo Quảng Ninh, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp để đến với Bản Sen luôn. Chúng tôi biết ngoài tuyến đảo thiệt hại nhiều và sau bão thì càng thiếu thốn nên đã vận động các thành viên trong nhóm ra hỗ trợ bà con, tặng quà cho các con để nâng bước các con đến trường.
Nhà báo Đỗ Ngọc Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: Với mong muốn chia sẻ làm vơi bớt khó khăn của bà con sau bão số 3, giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống, chúng tôi đã báo cáo, đề nghị với Hội Nhà báo Việt Nam, vận động các cơ quan báo chí thường trú trên địa bàn tỉnh và các Mạnh Thường Quân, các cơ quan tổ chức doanh nghiệp cá nhân quan tâm hỗ trợ người dân sau bão lũ, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc, biên giới, miền núi hải đảo xa xa. Những món quà chúng tôi tặng bà con là các nhu yếu phẩm thiết yếu cùng với thuốc men. Tuy giá trị vật chất chưa cao nhưng cũng góp phần để bà con có thêm động lực vượt qua hậu quả của cơn bão số 3. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức cá nhân các cơ quan báo chí đã đồng hành cùng chúng tôi chia sẻ khó khăn với bà con tuyến đảo. Bà con rất phấn khởi khi đoàn thiện nguyện đến. Và chúng tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi đến với bà con.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bản Sen, cho biết: Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân trong xã ghi nhận và biết ơn những tấm lòng thiện nguyện của các cơ quan đoàn thể các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi quyết tâm nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão, ổn định lại cuộc sống và phát triển sản xuất.
Không chỉ được đón nhận những tấm lòng thiện nguyện ở nơi khác, bà con Bản Sen còn luôn nghĩ đến những người cùng cảnh ngộ. Họ đã nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau với phương châm "Lá rách ít đùm lá rách nhiều". Bà Lý Thị Dung ở thôn Đông Lĩnh cầm một chiếc phong bì tiền đã ghi sẵn nội dung ủng hộ đồng bào bão lũ phía Bắc đưa cho chúng tôi rưng rưng bảo: "Quà và tiền đoàn thiện nguyện cho bá đã nhận. Bá rất cám ơn. Còn đây là tấm lòng của bá. Bá nhờ các con chuyển cho quỹ ủng hộ đồng bào bão lũ của bên Mặt trận Tổ quốc".
Một cô bạn đồng nghiệp của tôi rút ngay điện thoại, mở e-banking tìm số tài khoản chuyển tiền ủng hộ giúp bà Dung. Bà Dung mỉm cười khi tâm nguyện của mình đã được hoàn thành. Bà nghĩ số tiền đó chẳng thấm tháp vào đâu nhưng đó là tấm lòng của bà gửi đến những người cùng cảnh ngộ. Bà Dung hạnh phúc vì điều đó.
Nghe câu chuyện của bà Dung, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây. Cơn bão có thể đẩy nhiều thứ ra xa tầm với của bà con dân đảo Bản Sen nhưng không làm họ xa nhau. Họ vẫn xích lại bên nhau. Những tấm lòng nhân ái nhân tâm vẫn tìm thấy nhau giữa bão lũ. Và ngay cả khi bão lũ dập vùi người dân Bản Sen vẫn hướng về đồng bào bị lũ lụt phía Bắc. Trong những chuyến thực tế của mình, tôi cảm thấy ấm lòng hơn khi đến với Bản Sen, đến với những người dân đảo kiên cường và nhân hậu.
Phạm Học
- Trao hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do bão số 3
- Trên 81,6 tỷ đồng ủng hộ nhân dân tỉnh Quảng Ninh khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3
- Thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3
- 10 triệu bản sách giáo khoa được in bổ sung sau thiệt hại do bão số 3
- Quảng Ninh xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau bão số 3
Liên kết website
Ý kiến ()