Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:16 (GMT +7)
Bản sắc du lịch Bình Liêu
Thứ 6, 30/04/2021 | 13:22:47 [GMT +7] A A
Cách trung tâm TP Hạ Long chỉ hơn 100km, huyện Bình Liêu đang trở thành một điểm đến hấp dẫn người dân, du khách, đặc biệt là những bạn trẻ yêu thích hoạt động trải nghiệm, khám phá. Sức hút Bình Liêu đến từ cảnh sắc tự nhiên, văn hóa truyền thống và chủ trương phát triển du lịch bền vững của địa phương.
Vườn hoa Cao Sơn của HTX hoa Bình Liêu (xã Hoành Mô) trở thành điểm đến tham quan mới lạ của địa phương. |
Bình Liêu hội tụ đầy đủ những yếu tố hấp dẫn từ cảnh quan tới văn hóa... Nền văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương (chủ yếu là 3 dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ) vẫn được gìn giữ nguyên vẹn trong nhịp sống lao động quanh năm gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp trồng cây lúa nước, dong riềng, quế, hồi... Huyện có những mảng ruộng bậc thang, cung đường tuần tra biên giới hùng vĩ, cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của quốc gia.
Để phát huy tốt những tiềm năng du lịch này, từ năm 2015, Huyện ủy Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”. Huyện xác định các mục tiêu: Xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn; chú trọng thế mạnh về sản phẩm địa phương được xây dựng thương hiệu từ chương trình OCOP; đầu tư hạ tầng du lịch hiện đại, đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch ở thời điểm hiện tại và tương lai; kết nối với các trung tâm du lịch lớn trong và ngoài tỉnh để thu hút du khách...
Du khách tham quan Cột mốc 1327 (bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn) và hưởng ứng hoạt động giữ gìn vệ sinh điểm du lịch. |
Nghị quyết số 01-NQ/HU đã được cụ thể hóa thành các chương trình bài bản với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân huyện. Nổi bật như: Quy hoạch phát triển du lịch; Đề án bảo tồn các giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về phát triển du lịch để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập; phát triển nguồn nhân lực và thị trường du lịch; tổ chức kích cầu du lịch nội địa; chương trình “Phát huy vai trò của thanh niên khám phá miền biên giới thiêng liêng hùng vĩ, tham gia xây dựng thương hiệu Quảng Ninh giai đoạn 2014-2017”...
Huyện đã báo cáo và được UBND tỉnh công nhận 3 tuyến, 7 điểm du lịch trên địa bàn, làm cơ sở để đầu tư, phát triển du lịch, tạo cơ chế ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp khi đầu tư phát triển du lịch. Từ đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, quảng bá, thu hút ngày càng nhiều du khách đến khám phá mảnh đất, con người, văn hóa Bình Liêu.
Ruộng bậc thang đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của huyện, gắn liền với Hội mùa vàng Bình Liêu lần đầu tiên tổ chức năm 2020. |
Sau 1 nhiệm kỳ nỗ lực cho mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện đã tạo được sự chuyển biến vượt bậc trong ngành "công nghiệp không khói" này. Hạ tầng giao thông được đầu tư kết nối thông suốt tới toàn bộ 104 thôn, bản. Huyện hiện có 28 cơ sở lưu trú với gần 300 phòng nghỉ; trong đó có 8 cơ sở với 58 phòng được Sở Du lịch thẩm định xếp hạng đủ tiêu chuẩn đón khách du lịch; các hình thức lưu trú homestay khá hiệu quả, như Homestay A Dào (bản Phạt Chỉ, xã Đồng Văn), Homestay Hoàng Sằn (bản Đồng Thanh, xã Hoành Mô)...
Huyện vừa kết nối với các thương hiệu lữ hành uy tín trên toàn quốc, như Vietravel, Halotours, PYS Travel, Saigontourist; xây dựng các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, rõ nét theo từng chủ đề, như khám phá tự nhiên, trải nghiệm bản sắc văn hóa... để du khách lựa chọn. Nhiều hoạt động được duy trì thường xuyên, trở thành bản sắc du lịch của địa phương.
Mỗi cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu đã hình thành ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Cùng với cảnh sắc thiên nhiên sẽ là nguồn tài nguyên vô giá để huyện phát triển thêm nhiều loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch biên giới... với bản sắc riêng có.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()