Tất cả chuyên mục

Gần đến kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh, tôi nhớ đến một người bạn học sinh thời xa xưa, bây giờ nghe đâu đang ở Pháp. Chúng tôi hồi ấy là học sinh L’ecolle de Hongay (Trường Tiểu học Hạ Long bây giờ) ở phố Lê Văn Tám, phường Hồng Gai ngày nay (thời Pháp gọi là Rue Marseille).
Hồi ấy chúng tôi chung một sở thích là đá bóng trong giờ ra chơi. Dù là đá bóng trên hàng hiên hay sân trường, thì bao giờ bắt gôn của đội tôi cũng phải là Đen (chúng tôi quen gọi vậy, vì nước da bạn ấy đen cháy). Nếu đội nhà tấn công liên tục thì Đen... đu cành đa ngay cổng trường chơi, song không bao giờ để thủng lưới. Đen là con ông bưu tá của “Nhà dây thép” - Bưu điện Hongay. Gần đến ngày giải phóng Hongay (25-4-1955), Đen phải theo gia đình rời khỏi Vùng mỏ. Đến nay bạn tôi cũng đã ngoài “thất thập cổ lai hy”, nhưng chưa một lần trở lại thăm mảnh đất đã gắn bó với mình suốt tuổi ấu thơ.
Bạn có biết, bây giờ, những cây phượng ở phố Bến Đoan vẫn nở những chùm hoa đỏ đầu tiên, báo hiệu một mùa hè lại đến. Ngày bạn ra đi, Hongay được thế giới biết đến là nơi có than đá Antraxít do Công ty Than của người Pháp ở Bắc kỳ viết tắt là SFCT mà các phu mỏ-culi, nai lưng ra cõng từ hầm sâu tối tăm đưa lên để xuất khẩu, làm giàu cho người Pháp. Sau giải phóng Vùng mỏ, Hongay được đổi tên là Hồng Gai, là thủ phủ của Khu Hồng Quảng, nơi mà địa vị của người culi năm xưa, nay gọi là công nhân mỏ, người chủ thật sự của Vùng mỏ. Sau này, vào tháng 10-1963, sáp nhập thêm tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh, TX Hồng Gai vẫn là thủ phủ của tỉnh. Năm 1994, Hồng Gai được nâng cấp thành TP Hạ Long, đến nay được cả thế giới biết đến bởi Di sản, Kỳ quan thiên nhiên Vịnh Hạ Long...
![]() |
Một góc nhìn con đường bao biển Hạ Long, bao bọc lấy Công viên Lán Bè, núi Bài Thơ. (Ảnh minh họa) |
50 năm qua đi với biết bao đổi thay. Bạn về thăm Hạ Long bây giờ sẽ không thể nhận ra diện mạo của Hongay nhỏ bé năm xưa, nay đã phát triển cả về dân số, địa dư. Hongay xưa chỉ có vài ngàn dân và vỏn vẹn vài dãy phố. Hạ Long bây giờ đã phát triển về cả ba phía đông, tây, bắc và lấn biển về phía đông nam với dân số đông hơn nhiều. Hạ Long với tiềm năng công nghiệp than và du lịch đã được xếp vào hàng thành phố lớn của Việt Nam và đang phấn đấu thành đô thị loại 1 ngay trong năm 2013.
Ngôi trường nhỏ bé của chúng ta ngày ấy với cây đa già có bao kỷ niệm. Ngôi nhà hai tầng ngày ấy là nơi làm việc, nơi ở của các thầy, cô, giờ là ngôi trường cao tầng mang tên Trường THCS Lê Văn Tám. Dãy phòng học một tầng của L’ ecolle de Hongay, giờ là ngôi trường cao tầng nổi tiếng về chất lượng giáo dục ở Hạ Long. Sân trường nơi chúng mình thường đá bóng ngày ấy, nay được hạ độ cao ngang với mặt đường để xây những ngôi nhà 6 tầng làm nơi học tập tốt hơn cho thế hệ học sinh hiện tại. Cây đa già vẫn được bảo toàn, hàng ngày toả bóng mát cho học sinh như cách đây 50 năm...
Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, năm 1972 TX Hồng Gai đã bị bom Mỹ huỷ diệt, bao nhiêu ngôi nhà đổ nát, bao con người vô tội đã chết vì bom đạn. Song đến nay, Hạ Long đã vươn dậy mạnh mẽ bên bờ Di sản. Bến phà Bãi Cháy được xây dựng to lớn hơn, trở thành một đầu mối giao thông huyết mạch nối Hà Nội, Hải Phòng với Quảng Ninh, đã hai lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, nay đã kết thúc sứ mệnh lịch sử, thay thế là cây cầu Bãi Cháy hiện đại, như dải lụa vắt ngang sông Cửa Lục, gánh đôi bờ công nghiệp và du lịch của thành phố.
“Nhà dây thép” nơi bố bạn làm việc và nhà tù của thực dân Pháp nay không còn, được giải phóng mặt bằng để mở rộng đoạn đầu đường Lê Thánh Tông - con phố chính kéo dài từ Bến phà xưa đến cầu Kênh Liêm cũ. Cây cầu bé nhỏ cho xe hoả kéo than vượt qua con lạch nhỏ từ Hà Tu ra nhà sàng Ba Đèo cũng không còn nữa, giờ trở thành một nút giao thông quan trọng của thành phố. Bãi thải đá xít của nhà sàng Ba Đèo ở gần phố Bến Tàu mà thời ấy gọi là Bến đò gạo, các chủ thuyền gạo đã từng mang bán chịu cho phu mỏ đình công năm 1936, giờ là chợ Hạ Long I to đẹp. Lán Bè, địa danh đã đi vào lịch sử của thị xã, giờ cũng “nhường chỗ” cho nút giao thông quan trọng nhất của thành phố. Cả một vùng bãi triều có lán thui thuyền của Lán Bè ngày xưa nay thành Công viên Lán Bè rộng 12,6ha, như một lá phổi xanh của thành phố du lịch. Con đường bao biển Hạ Long kéo dài từ Công Kêu - Cái Đá xưa (nay là phường Hà Khánh), đi qua Vụng Đâng, Bến Đoan, qua xóm Lò Vôi ngoài kéo dài tới hòn Cặp Bè - nơi đỗ tạm chờ nước triều lên của các bè mang chở tranh tre nứa lá cho người nghèo Hongay làm nhà ngày xưa, nay bao bọc lấy Công viên Lán Bè và khu đô thị văn minh trong tương lai gần của Hạ Long. Bãi sú vẹt ở khu Cột 3 ngày xưa đã trở thành quảng trường rộng rãi.
Chắc bạn không thể tưởng tượng nổi, Giếng Đồn, bãi tha ma chôn người chết đói năm 1945, giờ trở thành những dãy phố ẩm thực. Ngã tư Loong Toòng đã trở thành nút giao thông quan trọng từ cầu Bãi Cháy xuống. Bãi sú vẹt Vụng Đâng trở thành khu đô thị cao tầng Cenco 5. Bãi sú vẹt chạy dài từ cầu Kênh Liêm xưa đến tận núi Hạm Cột 8, nay đã được lấn biển, mọc lên những toà biệt thự cao cấp. Phố nối phố, nối dài Hongay xưa với Hà Tu - Đèo Bụt. Nhà nối nhà, ken dầy hai bên đường từ Loong Toòng tới dốc Cao Đắc Lương - phường Cao Thắng ngày nay, đến tận Hà Lầm, Lán 14, phường Hà Trung. Con đường Cao Xanh xưa vắng vẻ, nay mọc lên mấy khu đô thị. Con đường ven biển bao bọc lấy Hạ Long, đã có hai cây cầu bê tông bám theo chân núi đá Bài Thơ lịch sử mang tên Cầu Bài Thơ 1 dài 350m, cầu Bài Thơ 2 dài 370m, khi chiều xuống sẽ sáng bừng lên với hệ thống chiếu sáng hiện đại. Nhất là Bãi Cháy bây giờ khác “một trời một vực”. Mảnh đất “Vạ cháy ngày xưa” đã hình thành nên một khu du lịch nổi tiếng... Còn nhiều lắm những đổi thay mà tôi không thể kể hết. Bạn hãy về mà xem...
Nguyễn Gia Phong (TP Hạ Long)
Ý kiến ()