Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:38 (GMT +7)
Bán hàng online lên ngôi giữa mùa dịch: Cơ hội để hàng Việt thắng trên sân nhà
Thứ 4, 07/07/2021 | 14:34:44 [GMT +7] A A
COVID-19 bùng phát và kéo dài, thay vì cách mua hàng truyền thống thì xu hướng mua online ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Trong suốt gần 2 năm COVID-19 bùng phát nhiều lần ở Việt Nam, nhiều nơi đã bị phong tỏa, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm sút, gây nhiều thách thức với ngành bán lẻ trong nước. Để duy trì và phát triển, doanh nghiệp bán lẻ đã phải nhanh chóng tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, tìm ra những đột phá mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Trong đó, xu hướng bán hàng trên mạng (bán hàng online) trở thành "cứu cánh".
Bán hàng online tăng trưởng mạnh
COVID-19 với các chính sách giãn cách xã hội đã khiến việc mua sắm của người tiêu dùng thay đổi rõ rệt. Thay vì trực tiếp mua hàng như trước đây, người tiêu dùng tìm đến các trang mua sắm trực tiếp ngày càng nhiều hơn, để hạn chế tiếp xúc với nhiều người.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), cho biết, việc mỗi tỉnh áp dụng quy định về cách ly xã hội khác nhau gây nhiều khó khăn cho hệ thống siêu thị trong việc vận chuyển hàng hóa về các điểm bán. Ngoài ra, chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ cũng khiến các trung tâm thương mại, hay siêu thị gặp áp lực lớn về tài chính.
Do đó, trong bối cảnh này, mua bán hàng online thực sự là biện pháp hữu hiệu, hút khách nhất.
Điều này được thể hiện rõ trong báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). Theo đó, trong năm 2020 - năm đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 - với 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 18%, trị giá 11,8 tỷ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
"Đầu xuôi, đuôi lọt", trước tiềm năng lớn của thương mại điện tử, các doanh nghiệp bán lẻ nhanh chóng nắm bắt xu thế, tái cơ cấu, chuyển đổi hình thức kinh doanh, tìm ra những đột phá mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nhanh chóng nắm bắt xu hướng online hóa qua việc thúc đẩy mô hình app bán hàng trên điện thoại, ngay cả nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng lấn sân qua hình thức này.
Thậm chí, theo bà Hậu, hiện bà con nông dân đã biết dùng công nghệ để đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử. "Việc bán trên các trang mạng ngày càng thân quen với người tiêu dùng. Bán hàng trên mạng (hay bán hàng online) có ảnh hưởng lớn đến hệ thống bán hàng offline, các doanh nghiệp cũng đã có kịch bản để ứng phó với tình hình thực tế này. Bán hàng online là xu hướng tất yếu và phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay".
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bán lẻ cũng phải đầu tư rất nhiều trong việc mở thêm dịch vụ online như: công nghệ, lên đơn hàng, vận chuyển, con người…cố gắng để đáp ứng được xu hướng của thị trường, thị hiếu của khách hàng.
Trong khi đó, theo bà Lê Việt Nga, triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 có nội dung ưu tiên cho thương mại điện tử thông qua hỗ trợ xây dựng và vận hành cổng thông tin “Tự hào hàng Việt Nam”.
Việc này giúp hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá doanh nghiệp Việt, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ vừa; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; mở rộng thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại kết hợp với thanh toán điện tử và giao vận hiện đại; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, kênh phân phối.
Năm 2020, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” bắt đầu được triển khai thực hiện trên các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki) đã được công bố và đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ tháng 12/2020 cho tới nay, Bộ Công Thương cùng các sàn thương mại điện tử đã tổ chức hàng chục chương trình kết nối thương mại điện tử hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất Việt ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Sơn La, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP.HCM, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Nai...
Hàng nghìn lượt doanh nghiệp đã tiếp cận chương trình cũng như được lựa chọn các sản phẩm hàng Việt tổ chức phân phối thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” và trên các Sàn thương mại điện tử. Đây là chương trình được chuẩn bị từ cuối 2019 và đẩy mạnh trong 2021 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
"Có thể nhìn thấy “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” như là một “Siêu thị hàng Việt Nam” trên các sàn thương mại điện tử được bảo trợ bởi Bộ Công Thương, sự hỗ trợ đồng hành của các Sở ban ngành địa phương đẩy mạnh tiêu dùng hàng Việt, nông sản Việt, tổ chức phân phối trên khắp mọi miền đất nước thông qua thương mại điện tử", bà Nga nói.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử (Voso, Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Postmart) tổ chức rất thành công các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản Việt trên các sàn thương mại điện tử như “Ngày đặc sản Sơn La”, “Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre”, “Chương trình đặc sản vải thiều Hải Dương”, “Gian hàng vải thiều Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử” hay gần đây nhất là “Phiên chợ nông sản Việt”.
"Thông qua các chương trình này, hàng nghìn tấn nông sản (chủ yếu là vải thiều Bắc Giang đợt vừa rồi) đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh thương mại điện tử mà Bộ Công Thương đang triển khai", bà Nga thông tin.
Kiểm soát mua bán online thế nào?
Các chuyên gia nhận định, việc phát triển hình thức bán hàng online là xu hướng tất yếu của thị trường trong thời dịch COVID-19 và hậu COVID-19. Vì vậy, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội, đặc biệt là hàng Việt không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu.
Theo bà Vũ Thị Hậu, trên nhiều sàn giao dịch quốc tế, sản phẩm của Việt Nam cũng đã lên được sàn và đến với nhiều nước trên thế giới. Điều đó cho thấy chỗ đứng hàng Việt vững chắc trên thị trường quốc tế. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cải tiến công nghệ, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Phải làm sao cho ra được sản phẩm ngon, chất lượng.
Tuy nhiên, bên cạnh sự thúc đẩy xu hướng bán hàng online tăng trưởng thì một vấn đề "nóng" cũng không thể coi nhẹ đó là phải giám sát, kiểm soát như thế nào để kênh mua bán này hoạt động hiệu quả, tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng?
Theo chuyên gia, biện pháp thiết thực nhất đó là cần có chế tài cho việc thực hiện quy định và bán hàng trên tất cả các trang mạng. Vì chỉ kiểm soát chặt mới có thể đảm bảo người tiêu dùng được hưởng những sản phẩm tốt.
"Bán hàng online không phải hàng nào cũng có chất lượng tốt. Để có được niềm tin cho người tiêu dùng, chúng ta phải có chế tài cho việc thực hiện quy định và bán hàng trên tất cả các trang mạng. Các bác nông dân livetream, chúng ta cũng phải quản lý vật nuôi, cây trồng, cơ sở chế biến. Chỉ kiểm soát chặt mới có thể đảm bảo người tiêu dùng được dùng sản phẩm tốt. Cạnh tranh phải lành mạnh, quảng cáo cũng phải đúng sự thật. Tất cả hàng hoá trên siêu thị đều kiểm tra chặt chẽ, từ giấy tờ xuất xứ đến hàng hoá bày trên kệ. Chỉ kiểm soát chặt thì mới có được những loại hàng hoá tươi, ngon", bà Vũ Thị Hậu khẳng định.
Cũng theo bà Hậu, bên cạnh kiểm soát chất lượng hàng hóa, cũng cần quản lý việc đóng thuế của các doanh nghiệp bán hàng online. Khi bán hàng ofline phải đóng thuế, thì bán hàng online cũng phải giám sát chặt việc nộp thuế để tạo sự cạnh tranh công bằng.
Tuy nhiên, theo bà Hậu, việc đầu tư công nghệ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay rất khó khăn. Đặc biệt, hàng Việt gặp nhiều khó khăn khi tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng vẫn còn.
"Theo tôi nên có quỹ xúc tiến công nghệ, điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện tại để doanh nghiệp có thể tiếp cận được công nghệ thông tin, công nghệ sinh học. Quỹ xúc tiến công nghệ này rất cần thiết ở hiện tại và cả tương lai để đưa hàng Việt phổ cập, chất lượng tốt hơn và hoàn hảo hơn", bà Hậu đề xuất.
Còn ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội - nhận định, sàn giao dịch thương mại điện tử cũng giống như chợ mua bán hàng hóa và ban quản lý chợ phải kiểm soát, quản lý được các hộ kinh doanh.
“Nếu các tiểu thương bị phát hiện kinh doanh hàng giả, hàng nhái, họ sẽ phải bị xử phạt theo quy định của pháp luật, đồng thời ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì kiểm soát không nghiêm. Vì vậy, các sàn thương mại điện tử phải có trách nhiệm kiểm soát, quản lý hàng hóa được bày bán trên trang của mình và xác định rõ trách nhiệm của chủ sàn giao dịch”, ông Phú nhấn mạnh.
Theo VTC
Liên kết website
Ý kiến ()