Phạm Tuấn Anh (37 tuổi), người Gò Vấp, TP HCM, hiện sống và làm việc tại Hà Nội. Ngoài sở thích du lịch, khám phá, anh còn đam mê quay phim, chụp ảnh từ trên cao và thường đăng tải bộ ảnh, video quay các điểm đến tại Việt Nam trên kênh Youtube, fanpage cá nhân PTA Let’s go.
Ảnh trên chụp các thửa ruộng xanh mướt, ngả vàng mênh mông bên dòng suối chảy qua thung lũng Cao Phạ đẹp như tranh. Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Bản giao hưởng của lúa vùng cao” của Tuấn Anh thực hiện trong hai năm qua.
Tuấn Anh cho biết cung đường săn lúa của anh bắt đầu từ thung lũng Cao Phạ sang La Pán Tẩn, Sáng Nhù, Mù Cang Chải (Yên Bái), qua Lào Cai rồi đến Bản Phùng, Hoàng Su Phì rồi đến Quản Bạ, Dốc Chín khoanh lên Đồng Văn (Hà Giang).
Cảm giác vượt đèo Khau Phạ giữa núi non trùng điệp và ngắm ruộng bậc thang mang đến những trải nghiệm khó quên. Về thời điểm ngắm lúa chín, anh chia sẻ, các mùa lúa chín vùng cao thời rơi vào khoảng tháng 8-10, tùy theo yếu tố thời tiết và việc canh tác, thu hoạch của người dân nên có thể sớm hay muộn tùy năm.
Thông thường, Lào Cai lúa chín sớm rơi vào tháng 8-9, còn Yên Bái, Hà Giang muộn hơn vào tháng 9-10. Trong năm nay, mùa lúa chín vắng khách, chủ yếu là khách nội tỉnh do ảnh hưởng của Covid-19.
Ruộng bậc thang "mâm xôi” thuộc bản Hán Xung, xã La Pán Tẩn trở thành biểu tượng của Mù Cang Chải khiến bất kỳ du khách này đặt chân đến vùng cao này cũng hỏi đường lên thăm.
Sáng Nhù là nơi có nhiều ruộng bậc thang có hình dạng đa dạng, với đường nét trông như móng ngựa, mũi giày hay con mắt.
Với góc nhìn của cá nhân, anh Tuấn Anh thích ghi lại hành trình, chuyến đi và cố gắng truyền tải cảnh quan, hình ảnh đến người xem một cách chân thực và gần gũi nhất.
Ruộng bậc thang hình vòng cung uốn lượn như móng ngựa tại Sáng Nhù, cách trung tâm thị trấn Mù Cang Chải khoảng 2 km.
“Cách đây 8 tháng, tôi bắt đầu chia sẻ các video du lịch. Ngoài đam mê, thì chủ đề du lịch tốn nhiều công sức, di chuyển, vận động liên tục và đầu tư thiết bị để các khung cảnh Việt Nam lên hình được ấn tượng. Nhiều người nói tôi gần 40 tuổi mới trải nghiệm du lịch dọc miền đất nước. Tôi không nghĩ vậy, dù 20, 30 hay 60 đi nữa, nếu không ngừng vươn lên, phát triển bản thân và mang lại những giá trị có ích cho cộng đồng thì cuộc sống này mất đi một phần ý nghĩa”, anh bộc bạch.
Bản giao hưởng lúa vùng cao tiếp tục được ghi lại tại Bản Phùng, Hà Giang. Từ TP Hà Giang, du khách mất khoảng 3 giờ đến thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì. Sau đó, chạy xe thêm 30 km nữa là đến xã Bản Phùng. Đường lên Bản Phùng tuy gập ghềnh, nhiều khúc cua nguy hiểm nhưng bù lại cảm giác mệt nhọc tan biến khi được phóng tầm mắt nhìn những nếp nhà của người La Chí điểm xuyết giữa những ruộng bậc thang trải dài.
Trong quá trình khám phá bản giao hưởng của lúa, anh thực sự choáng ngợp trước cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, sự tích liên quan và nhịp sống con người từng vùng miền. Đến Hà Giang, lắng nghe sự tích núi đôi Cô Tiên, điểm tham quan gồm có hai ngọn núi nằm liền kề nhau tại thung lũng Quản Bạ thuộc thị trấn Tam Sơn. Khung cảnh nơi đây trở nên thơ mộng khi những thửa ruộng chuyển vàng ôm trọn quanh núi.
Anh Tuấn Anh kể, có những chuyến đi như đến Hà Giang, chỉ biết lặng im đứng nhìn khung cảnh hiện ra trước mắt, trong đầu cứ như vang lên những giai điệu của tình yêu quê hương đất nước. Trên hình là cung bậc ruộng bậc thang và núi non trùng điệp bên Dốc Chín Khoanh, một đoạn của QL 4C, con đường giao thông huyết mạch của Hà Giang, nối 2 xã Phố Cáo - Sủng Là, thuộc huyện Đồng Văn.
Ý kiến ()