Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:17 (GMT +7)
Bàn giải pháp đưa nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Thứ 4, 09/03/2022 | 21:41:01 [GMT +7] A A
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch.
Chiều 9/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn về việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch tại thị trường Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch là "cuộc cách mạng," cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại. Do đó, phải có lộ trình để tổ chức lại sản xuất, thị trường, ngành hàng và cả hiệp hội ngành hàng.
Nếu không tổ chức sản xuất thì sẽ không chuẩn hóa được vùng nguyên liệu, không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm… và không có sản phẩm để đưa vào xuất khẩu chính ngạch.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc chuyển đổi hình thức xuất khẩu này đặt ra nhiều vấn đề giữa mong muốn và thực trạng. Bởi lẽ, thời gian vừa qua, ngành vẫn còn sản xuất để xuất khẩu tiểu ngạch chứ chưa phải sản xuất để xuất khẩu chính ngạch.
Do vậy, vấn đề đặt ra là cần chuẩn hóa từ đầu cung, điều kiện doanh nghiệp khi tiếp cận ở các vùng nguyên liệu chứ không chỉ là chuyển cách thức thương mại ở cửa khẩu mà quan trọng có hệ thống từ đầu cung đến đầu cầu, từ tổ chức sản xuất đến tổ chức thị trường.
Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết thách thức đối với hình thức xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện nay là thị trường ngày giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch. Thời gian qua, một số mặt hàng như sầu riêng, chanh leo… vẫn xuất qua các đường mòn, lối mở theo phương thức trao đổi cư dân biên giới, nhưng nay cũng không thể nhập khẩu vào Trung Quốc.
Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam. Đặc biệt, một số loại nông sản của Việt Nam như bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ trước đây Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi linh hoạt tùy theo từng thời điểm với mục đích hạn chế và duy trì lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam theo hướng có lợi nhất. Chẳng hạn như Trung Quốc chỉ định hoặc cấp phép nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc chỉ thông quan một loại hàng hóa tại một cửa khẩu... khiến các doanh nghiệp Việt Nam thường bị động.
Đặc biệt, Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID," thắt chặt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 trên cả bao bì hàng nông sản…, gây ùn tắc cục bộ tại khu vực cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Có thời điểm, phía Trung Quốc ngừng thông quan tại một số cửa khẩu do phát hiện virus SARS-CoV-2 đối với người và hàng hóa khi thông quan.
Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Long An cho rằng Trung Quốc đã có sự chuẩn bị sớm để chuyển nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch. Thị trường này cũng ngày càng chuẩn hóa tiêu chuẩn hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt dường như chưa có sự sẵn sàng.
Mặc dù Việt Nam có nhiều sản phẩm mà thị trường Trung Quốc có nhu cầu cao, nhưng để xuất khẩu được đòi hỏi doanh nghiệp phải kiện toàn cách kinh doanh, đáp ứng được điều kiện nhập khẩu.
Đơn cử như quả chanh leo, theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Đồng Giao (DOVECO), năm 2020, xuất khẩu tiểu ngạch quả này chiếm 75% nhưng năm 2021 chỉ còn 25%. Nhờ tăng chế biến nên giá chanh leo đã lên 20.000 đồng/kg so với trước đây chỉ từ 7.000-10.000 đồng/kg. Cùng với đó, sản phẩm chế biến cũng được tiêu thụ tốt theo đường chính ngạch.
Đối với quả thanh long thì xuất khẩu tươi quá nhiều, trong khi chế biến quá ít. Diện tích trồng thanh long cũng tăng nhanh và rất cần chuyển đổi một phần diện tích sang các loại cây trồng khác. Nhiều sản phẩm như: chuối, xoài, dứa, chanh leo… có thể xuất khẩu, nhưng phải thực hiện đúng quy trình, nếu xuất khẩu tươi khó thì chuyển sang chế biến.
“Cần chuyển sang chính ngạch càng sớm càng tốt, mọi vấn đề trong thương mại sẽ minh bạch. Để xuất khẩu chính ngạch, trước tiên phải xuất phát từ chính mình và làm phải chuẩn. Một số doanh nghiệp Trung Quốc chỉ thích đi chính ngạch với doanh nghiệp lớn," ông Đinh Cao Khuê chỉ rõ.
Ông Đinh Cao Khuê cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Nội vụ củng cố các hiệp hội ngành hàng để hiệp hội thực sự hoạt động hiệu quả. Bởi lẽ hiện nay, một số hiệp hội hoạt động không hiệu quả, còn xa rời thông tin thị trường...
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn, yêu cầu nghiêm ngặt. Những chính sách, cách tiếp cận đang làm tốt để xuất khẩu sang các thị trường như EU, Nhật Bản… là tính hệ thống. Do đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm sang Trung Quốc cũng phải theo hệ thống.
Đồng thời, cần huy động sự tham gia của cả chuỗi ngành hàng và xác định vai trò cụ thể của các bộ, doanh nghiệp, địa phương. Với cách làm này thì doanh nghiệp mới có cơ hội tiếp cận thông tin để thực hiện. Bên cạnh đó, nông sản phải có sự đầu tư kho bảo quản, kể cả kho khô và kho lạnh. Để thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, nhà nước cần có chính sách đất đai và vốn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc năm 2021 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 18,39% so với năm 2020.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt hơn 1,83 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đạt 1,3 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2021; nhập khẩu đạt 515 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2021/.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()