Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:26 (GMT +7)
Ban Dân tộc tỉnh: Nâng cao các chỉ số CCHC
Thứ 4, 14/10/2020 | 13:37:00 [GMT +7] A A
10 năm thực hiện công cuộc cải cách hành chính (CCHC), tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Đóng góp vào thành công chung đó, Ban Dân tộc tỉnh đã và đang chủ động, tích cực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước trong lĩnh vực dân tộc ngày đạt hiệu quả, hiệu lực cao hơn.
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh tuyên truyền, vận động người dân xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. |
Kể từ năm 2013 - năm đầu tiên tỉnh thực hiện việc chấm điểm CCHC đối với các sở, ngành, địa phương, Ban Dân tộc tỉnh đã định kỳ tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm hằng năm để bàn giải pháp, quyết tâm nâng cao điểm chỉ số CCHC của Ban. Đồng thời tổ chức sinh hoạt chuyên đề ít nhất 2 lần/năm. Nhờ đó điểm chỉ số CCHC của Ban được nâng dần thứ hạng qua các năm.
Năm 2013, Ban xếp thứ 20/20 sở, ngành; nhưng chỉ sau 5 năm, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2018 Ban đã vươn lên xếp thứ 6/20 sở, ngành. Đặc biệt, kể từ năm 2016 đến nay, 3 năm liên tục Ban Dân tộc tỉnh giữ số điểm tuyệt đối ở công tác cải cách thể chế với số điểm 7/7.
Điểm số này đã ghi nhận sự quyết tâm của tập thể Ban Dân tộc tỉnh trong việc chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tiễn vùng DTTS, miền núi của tỉnh. Tiêu biểu như Nghị quyết 07-NQ/TU ngày 29/5/2013 của BTV Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030"; các chính sách đối với người có uy tín, chính sách vay vốn, cấp phát báo miễn phí; hỗ trợ nước sinh hoạt, đất ở, đất sản xuất cho hộ nghèo vùng DTTS và miền núi; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS; Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS miền núi...
Buổi sinh hoạt chuyên đề về CCHC của Ban Dân tộc tỉnh. |
Đặc biệt, năm 2016, Ban đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 50 về việc “bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh”, đồng thời tham mưu UBND tỉnh phê duyệt Đề án 196 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết này. Đề án đã khẳng định được cách làm sáng tạo, hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh khi đưa toàn bộ 17 xã, 54 thôn thuộc diện ĐBKK của tỉnh Quảng Ninh ra khỏi Chương trình 135, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu đề ra.
Quá trình tham mưu, dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật hoặc các kế hoạch chiến lược của UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh đều tổ chức lấy ý kiến trong tập thể cán bộ công chức, nhân viên cơ quan, lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương đảm bảo đúng quy trình.
Xác định cải cách thể chế là nhiệm vụ quan trọng, ngoài việc nỗ lực tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật và những văn bản có tính quy phạm, các kế hoạch chiến lược của tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh còn đặc biệt quan tâm đến công tác thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL thuộc lĩnh vực dân tộc; theo dõi chặt chẽ việc thi hành pháp luật tại vùng DTTS, miền núi và trong cơ quan; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ việc thực hiện CCHC tại các đơn vị thuộc Ban, kiểm tra, đánh giá chất lượng văn bản do Ban ban hành để rút kinh nghiệm. Đồng thời, thường xuyên sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy chế, quy định, quy trình thực hiện nhiệm vụ trong cơ quan.
Nhờ thực hiện tốt công tác cải cách thể chế, nhiều cơ chế, chính sách động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS đã được triển khai, mang lại diện mạo khởi sắc cho vùng miền núi, vùng DTTS. Trong ảnh: Người dân xã Đồng Văn, Bình Liêu trao đổi về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. |
Với mục tiêu hiện đại hóa nền hành chính, Ban Dân tộc cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động của Ban. Bên cạnh việc thường xuyên cập nhập các TTHC, văn bản chỉ đạo điều hành lên Cổng Thông tin điện tử thành phần, Ban còn chủ động đổi mới, thiết kế lại các chuyên mục, tiểu mục đảm bảo thuận tiện, dễ tra cứu, theo dõi. Đồng thời đầu tư hệ thống các phần mềm tin học phục vụ yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính như: phần mềm quản lý văn bản, phần mềm quản lý chương trình 135, phần mềm kế toán, số hóa lưu trữ.. Việc áp dụng chữ ký số điện tử trong ban hành văn bản đi được duy trì thường xuyên, nhằm tăng cường hiệu quả trao đổi thông tin chính xác, nhanh gọn và tiết kiệm.
Bà Ân Thị Thìn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Với mục tiêu “quyết tâm và nỗ lực cao nhất” thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong giai đoạn tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm từng bước nâng cao các chỉ số CCHC; qua đó, góp phần cùng tỉnh Quảng Ninh xây dựng nền hành chính minh bạch, hiện đại.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()