Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:33 (GMT +7)
Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp huyện, cấp xã trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ 5, 27/07/2023 | 18:35:39 [GMT +7] A A
Ngày 27/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh tổ chức phiên họp thứ năm để đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác 6 tháng đầu năm và thảo luận một số nội dung 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh chủ trì.
Tại phiên họp, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Ninh được Ban Chỉ đạo Trung ương đánh giá là 1 trong các đơn vị đã tổ chức hoạt động bài bản, khoa học và nghiêm túc. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, một khối lượng lớn công việc đã được thực hiện và hoàn thành; Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động một cách đồng bộ, chặt chẽ; phát huy hiệu quả cơ chế làm việc tập thể, duy trì họp, thảo luận, thống nhất, cho ý kiến chỉ đạo, xử lý đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo các quy định của Đảng.
Quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội, nhất là tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Trong 6 tháng năm 2023, đã có 99 cuộc thanh tra kinh tế xã hội được triển khai, tăng 10 cuộc so với cùng kỳ; 11 cuộc thanh tra trách nhiệm, tăng 5 cuộc so với cùng kỳ; triển khai 272 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tăng 82 cuộc so với cùng kỳ. Qua đó, kịp thời phát hiện, chỉ đạo, xử lý nghiêm các tổ chức Đảng, cán bộ đảng viên vi phạm. Một số vụ việc được phát hiện qua các hoạt động của các cơ quan chức năng được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo có tác động răn đe, cảnh tỉnh rất lớn.
Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng quyết liệt đấu tranh, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực trên địa bàn tỉnh, thể hiện rõ sự kiên quyết, không nể nang, né tránh, thực hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Trong kỳ, cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp của tỉnh đã khởi tố điều tra 22 vụ với 103 bị can về tham nhũng, chức vụ, kinh tế, tiêu cực. Chú trọng thực hiện các biện pháp về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực. 6 tháng qua, đã có trên 6,5 tỷ đồng được thu hồi.
Đã kết thúc điều tra 8 vụ/50 bị can, đình chỉ 1 bị can; đã truy tố 9 vụ/52 bị can; xét xử 7 vụ/44 bị cáo. Đáng chú ý là các vụ án xảy ra tại Công ty CP quản lý đường sông 3, vụ án liên quan tới Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á xảy ra tại TX Đông Triều đều đã được đưa ra xét xử công khai, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật.
Một số ý kiến cũng chỉ ra những nội dung cần quan tâm hơn, đó là, công tác tự kiểm tra, giám sát, phát hiện các vi phạm, sai phạm từ dưới cơ sở, nhất là cấp huyện, cấp xã, cấp phòng ban chưa đủ mạnh. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã chưa coi trọng đúng mức công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước và sự chỉ đạo của BCĐ cấp tỉnh đối với nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi địa phương mình.
Kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh tới một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Ban Chỉ đạo. Theo đó, về khâu phòng ngừa, phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo gắn với vai trò người đứng đầu, trong đó có người đứng đầu các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan công an, thanh tra, kiểm tra trong thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, kiến nghị phòng ngừa từ xa, từ sớm, từ cơ sở đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật; tập trung hoàn thành các cuộc kiểm tra, giám sát đảm bảo thực sự có chất lượng và hiệu quả; tiếp tục rà soát kỹ việc khắc phục hậu quả về kinh tế, thu hồi tài sản, đất đai gắn với xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; Tăng cường trách nhiệm Ban Thường vụ huyện, thị, thành ủy, Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND cấp huyện đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và phải tạo được sự chuyển biến thực sự rõ nét trong phạm vi địa bàn chịu trách nhiệm. Đồng thời báo cáo việc củng cố cơ quan thanh tra cấp huyện sau khi sắp xếp lại theo kết luận của Bộ Chính trị.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, MTTQ, các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, nhất là Ủy ban Kiểm tra, các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan thông tin đại chúng và quần chúng nhân dân trong phát hiện, tố giác tham nhũng, tiêu cực.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()