Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:36 (GMT +7)
Bài toán 15.000 tỷ đồng “xanh hóa” xe buýt Thủ đô
Thứ 7, 19/08/2023 | 18:15:00 [GMT +7] A A
Hà Nội có hơn 2.000 xe buýt sử dụng nhiên liệu diezel. Muốn chuyển đổi toàn bộ sang nhiên liệu, năng lượng sạch ước tính cần khoảng 15.000 tỷ.
2.000 xe buýt chạy diezel cần được thay mới
Theo Quyết định số 876 của Chính phủ về Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành GTVT, đến năm 2030 tỷ lệ xe buýt xanh ở ở Hà Nội đạt tối thiểu 50% và đến năm 2035 đạt 90-100%.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, địa bàn Thủ đô hiện có 2.279 xe buýt. Trong số này, có 277 xe buýt sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch, đạt 13,6% toàn mạng. Hơn 2.000 xe còn lại (tương ứng 86,8%) đang sử dụng nhiên liệu diezel cần được thay thế sang sử dụng nhiên liệu, năng lượng sạch.
Theo tìm hiểu, giá xe buýt điện xuất xứ Trung Quốc đang được rao bán trên thị trường hiện nay rẻ nhất vào khoảng 7 tỷ đồng/xe buýt trung bình (dung lượng pin 255kW có thể chạy 230-250km/xe/lần sạc điện). Xe buýt điện sức chứa lớn do Vinfast lắp ráp đang có giá khoảng 7,4 tỷ đồng.
Như vậy, giá xe buýt điện cao gấp 4 lần so với xe buýt trung bình và gấp 3,2 lần so với xe buýt lớn đang được sử dụng để tính đơn giá khấu hao phương tiện tại Quyết định số 1494/2017 của Hà Nội.
Mức giá này cũng cao gấp 2,3 lần xe buýt CNG trung bình và 3,2 lần xe buýt CNG nhỏ được sử dụng để tính khấu hao phương tiện tại Quyết định số 2307/2021 của thành phố.
Tương ứng với mức giá trên, để thay thế toàn bộ hơn 2.000 xe buýt diezel hiện đang được sử dụng mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Hà Nội sang sử dụng điện, cần khoảng 14.815 tỷ đồng (tương ứng với 7,4 tỷ đồng/xe). Nếu chuyển sang xe sử dụng nhiên liệu CNG/LNG, sẽ cần khoảng 6.400 tỷ đồng (tương ứng giá trị khoảng 3,2 tỷ đồng/xe).
Chuyển đổi theo lộ trình
Theo phương án mới nhất triển khai “xanh hoá” xe buýt, Sở GTVT Hà Nội đề xuất chia lộ trình chuyển đổi. Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2025 đến năm 2030), xe buýt xanh tại Hà Nội sẽ đạt khoảng 50 - 60%, giai đoạn 2 (từ năm 2030 đến năm 2035), con số này đạt từ 90 - 100%.
Dù đưa ra lộ trình dự kiến như trên, song, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, tùy thuộc vào điều kiện, nguồn cung cấp năng lượng điện, khí CNG/LNG, thời gian và lộ trình chuyển đổi có thể thay đổi so với dự kiến. Cơ cấu tỷ lệ chuyển đổi của xe buýt điện, xe buýt CNG/LNG trong toàn mạng sẽ được điều tiết, xác định phù hợp theo tình hình thực tế.
Đối với việc hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, nội dung này đã được quy định tại Nghị quyết 07/2019 của HĐND thành phố.
Theo đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng trong 5 năm đầu để đầu tư xây dựng hạ tầng vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và mua sắm xe buýt sử dụng năng lượng sạch. Mức cụ thể theo từng dự án được UBND TP phê duyệt.
Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Giao thông, hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Được biết, UBND TP Hà Nội đang giao sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở GTVT, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan, báo cáo thành phố hướng dẫn thủ tục, quy trình để thực hiện chính sách này.
Có thể thấy được quyết tâm “xanh hoá” xe buýt của Hà Nội, song với giá thành đầu tư mới phương tiện quá cao, rõ ràng áp lực về chi phí đầu tư, chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp vận tải là rất lớn.
Chuyên gia giao thông, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, để có thể chuyển đổi các tuyến hiện tại sử dụng phương tiện dầu diezel bao gồm cả các tuyến sử dụng xe buýt lớn, nhỏ, trung bình sang xe buýt điện qua hình thức đấu thầu, cần thiết phải có đơn giá, định mức xe buýt diện trung bình và nhỏ.
Muốn ban hành đơn giá, định mức cần có khoảng thời gian nhất định đưa vào khai thác sử dụng để đánh giá và tính toán.
Theo bà Thủy, Hà Nội cần lựa chọn, xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt sử dụng điện và xe buýt sử dụng năng lượng xanh đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện, nguồn năng lượng xanh theo các giai đoạn.
“Với các tuyến buýt mở mới, ngay từ bây giờ Hà Nội nên ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh. Việc chuyển đổi với các tuyến buýt đang khai thác cần thực hiện theo lộ trình, trong đó ưu tiên trước cho các tuyến có phạm vi hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm, nội đô lịch sử và các tuyến kết nối với đầu mối giao thông lớn nhà ga, bến xe, sân bay”, bà Thủy góp ý.
Cho rằng việc Hà Nội đưa vào sử dụng hệ thống xe buýt điện là rất tích cực, song theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, xanh hóa xe buýt không chỉ là chuyển đổi thành xe thân thiện hơn với môi trường, mà còn phải “xanh” ở chất lượng dịch vụ. Như vậy mới có thể thu hút người dân, du khách sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.
Hà Nội hiện đang khai thác 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyển City tour.
Tổng số xe buýt đang khai thác trên toàn mạng là 2.279 xe, trong đó có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 138 xe buýt điện); có trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên.
Theo Báo Giao thông
Liên kết website
Ý kiến ()