Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:29 (GMT +7)
Tái định vị hình ảnh Bình Phước Bài cuối: Văn hoá là cốt lõi
Thứ 6, 10/11/2023 | 11:46:57 [GMT +7] A A
Sau Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước lần thứ I năm 2023, dự thảo nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong giai đoạn mới đã được Tỉnh ủy hoàn thành và đang trong giai đoạn hoàn thiện trên cơ sở các ý kiến góp ý. Nghị quyết đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và khát vọng Bình Phước vươn lên; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng văn hóa, con người Bình Phước thời kỳ đổi mới.
“Lần đầu tiên chúng ta có nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người chứ không phải văn hóa chung chung. Đây là lần đầu tiên chúng ta có nghị quyết rất căn cơ, bài bản từ quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đến thực hiện. Và đây chính là việc cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Tôi tin nghị quyết sẽ tạo ra một dấu ấn, một sự khởi đầu mới” - ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tin tưởng.
Nghị quyết tạo khởi đầu mới
Dự thảo nghị quyết xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước là mục tiêu hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để giữ vững ổn định và tạo động lực cho phát triển.
Đánh giá việc đầu tư cho phát triển văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, từ đó dự thảo nghị quyết khẳng định: Phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Dự thảo nghị quyết nhấn mạnh việc bố trí ngân sách đầu tư cho phát triển văn hóa, con người tương xứng với đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2025-2030, chi cho văn hóa đạt 2% và phấn đấu đến năm 2045, đạt từ 2,5-3% trong tổng chi ngân sách của tỉnh. Giải pháp này đã giải tỏa được một trong những băn khoăn của người làm trong lĩnh vực văn hóa, khi thời gian qua, mức chi ngân sách của tỉnh cho lĩnh vực này khá thấp, trung bình chỉ đạt 1,38%/năm.
Trong những mục tiêu mà dự thảo nghị quyết đề ra, đáng chú ý là mục tiêu 100% lễ hội trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh được tổ chức định kỳ. Các di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng được đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong việc “biến” di sản thành tài sản, chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành các giá trị kinh tế, xã hội. Đây là một chặng đường dài, để nhìn thấy kết quả rõ ràng không phải ngày một, ngày hai, nhưng nếu không đi sẽ không bao giờ đến. Như Lễ hội Thành Tuyên ở tỉnh Tuyên Quang đến nay đã có lịch sử 20 năm chứ không phải mới bắt đầu.
Kỳ vọng của “người trong cuộc”
Dự thảo nghị quyết đang trong giai đoạn hoàn thiện để chính thức ban hành nhưng đã thu hút sự quan tâm của nhân dân, nhất là những người làm trong ngành văn hóa. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh nhấn mạnh: “Nghị quyết khi ban hành sẽ tạo ra sự khởi đầu mới. Đối với VHNT, nghị quyết như một luồng gió mới”.
Văn hóa thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Đánh giá nội dung của nghị quyết lần này có nhiều điều mới, hay, thiết thực, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống, nhà văn Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng: “Nghị quyết sẽ có tác động tích cực trong việc mở đường và định hướng cho các văn nghệ sĩ củng cố thêm niềm tin và nỗ lực trong sáng tạo. Bản thân cũng kỳ vọng nhiều vào nghị quyết này, là cơ hội để phấn đấu trong hành trình rất dài phía trước”.
Bày tỏ cảm xúc khi lãnh đạo tỉnh đang có sự quan tâm đúng mức đến hoạt động văn hóa, nhạc sĩ Quang Vượng, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết, đây là cú hích quan trọng cho giới văn nghệ sĩ. “Đảng ta đã có quan điểm rất rõ ràng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị. Vừa rồi Bình Phước tổ chức hội nghị văn hóa, chúng tôi cũng được đến dự và rất phấn khởi. Đây là một chặng đường mới, một bước phát triển và mang lại rất nhiều hứa hẹn trong hiện tại và tương lai” - nhạc sĩ Quang Vượng tin tưởng.
GS,TS khoa học Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: Muốn làm tốt việc đưa văn hóa trở thành nền tảng, quyết tâm của các cấp chính quyền là quan trọng. Để nghị quyết về văn hóa khi ban hành sớm đi vào cuộc sống, cần đến hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó, nhà báo, truyền thông có vai trò rất quan trọng.
Thời gian qua, báo chí Bình Phước đã làm tốt nhiệm vụ quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bình Phước ra ngoài tỉnh. Hiện nay, chung sức xây dựng nền văn hóa Bình Phước “đa dạng”, “bản sắc”, “hội nhập” không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là tình cảm của người làm báo. Báo chí Bình Phước đang góp phần vào “Một nền báo chí vì sự phát triển của văn hóa, luôn lấy mục tiêu là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời là tiếp biến văn hóa, tạo sự thích nghi văn hóa để mở rộng và làm giàu thêm những giá trị và bản sắc văn hóa Việt Nam” như khẳng định của PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Hội Nhà báo Việt Nam.
“Trả nợ” bằng những tác phẩm xứng tầm
Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lê Văn Quang luôn trăn trở khi Bình Phước là miền đất di sản, có 5 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di tích quốc gia và nhiều di tích - danh thắng…, hội đủ các điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tạo những tác phẩm có giá trị, không chỉ về đề tài chiến tranh cách mạng mà còn là đề tài về khát vọng phát triển hôm nay, nhưng lại chưa có những tác phẩm xứng tầm. Ông cho rằng, “đó là món nợ với lịch sử tỉnh nhà, món nợ với địa danh tỉnh nhà”. Để trả món nợ này, ngoài sự ưu ái, tạo điều kiện của Đảng, chính quyền, nhân dân các dân tộc thì bản thân văn nghệ sĩ phải nỗ lực nhiều hơn.
Nhạc sĩ Quang Vượng, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ: “Văn nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy tự hào và thấy mình có trách nhiệm nặng nề hơn. Chúng tôi nguyện một lòng sát cánh cùng Đảng, chính quyền tham gia tích cực hơn, có hiệu quả hơn trong hoạt động văn hóa”.
“Đội ngũ văn nghệ sĩ Bình Phước đang có cả cơ hội và thách thức. Cơ hội đó là sẽ có một nghị quyết về văn hóa, con người Bình Phước được ban hành. Thách thức là, hơn lúc nào hết, văn nghệ sĩ phải tiếp tục dấn thân, đắm mình trong thực tiễn cuộc sống để cho ra đời các tác phẩm VHNT gắn với thực tế, bắt nguồn từ thực tế và xuất phát từ thực tế. Chính thực tiễn sẽ tạo cho chúng ta cơ hội có được các tác phẩm VHNT không chỉ phục vụ hôm nay mà còn để lại cho thế hệ mai sau. Đắm mình vào thực tiễn cuộc sống để biến những tư duy ngôn ngữ, tư duy âm nhạc, tư duy nghệ thuật trở thành những tác phẩm VHNT xứng tầm. Đó là cách văn nghệ sĩ trả được món nợ với tỉnh” - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lê Văn Quang khẳng định.
Theo baobinhphuoc.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()