Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:40 (GMT +7)
Bình Phước - Đồng lòng dập dịch, giữ đà tăng trưởng Bài cuối: Mảng sáng từ "mục tiêu kép"
Thứ 3, 31/08/2021 | 13:50:39 [GMT +7] A A
6 tháng đầu năm 2021, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng khá và đứng top đầu về phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19, những tháng trở lại đây, nhiều nguồn thu của Bình Phước giảm mạnh, nhất là khi tỉnh thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Bình Phước đã tranh thủ khoảng “thời gian vàng” để tập trung dập dịch. Đồng thời, tỉnh cũng đã đề ra nhiều giải pháp để điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phòng, chống dịch đầy khó khăn.
Đoàn kết vượt khó
Diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, khó lường, đặc biệt là làn sóng dịch lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của cả nước. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, nhiều dịch vụ ăn uống, vận tải, giáo dục, lao động, việc làm bị tác động trực tiếp... Những khó khăn này đang tác động tiêu cực đến thu ngân sách của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021.
Ông Trần Văn Hướng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Qua theo dõi 4 tháng đầu năm, thời điểm dịch chưa phát sinh thì toàn tỉnh thu bình quân 1 tháng 1.160 tỷ đồng. Từ tháng 5, dịch bùng phát chỉ thu được 751 tỷ đồng, bằng 65% bình quân 4 tháng đầu năm; tháng 6 thu được 692 tỷ đồng, bằng 92% so với tháng 5 và bằng 60% so với bình quân 4 tháng đầu năm. Điều đó cho thấy, diễn biến thu ngân sách đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và có xu hướng giảm mạnh về các tháng cuối năm 2021.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, DN giải thể, tạm ngừng kinh doanh và bỏ địa chỉ kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 là 691 DN, tăng 14% so cùng kỳ (691/604 DN) và tăng hơn 3% so với số DN thành lập mới. Trong số 7.017 DN đang hoạt động có khoảng 3.300 DN không có phát sinh doanh thu (chiếm 47%). Theo ông Hướng, nguyên nhân chủ yếu là các DN mới hoạt động thì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngoài ra, nhiều DN chỉ thành lập với mục đích có pháp nhân để vay vốn ngân hàng, có dự án để thuê đất… thực chất chưa hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước khó khăn chung của dịch bệnh, để giữ đà tăng trưởng, Bình Phước đã chỉ đạo các DN xây dựng phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc bố trí phương tiện đưa đón công nhân tập trung theo phương thức “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đến nay, toàn tỉnh đã có 167 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh kéo dài tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, nhiều công ty thực hiện “3 tại chỗ” cũng đang tính đến việc ngừng sản xuất hoặc giảm công suất vì nguồn cung nguyên liệu đang cạn dần.
Tăng tốc để phá kỷ lục
Nhằm tháo gỡ khó khăn kịp thời cho DN trước tác động của dịch bệnh, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19-4-2021 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Ngoài ra, theo dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì trong 5 tháng cuối năm, Quốc hội sẽ giảm các loại thuế như: Giảm 30% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các hoạt động vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, dịch vụ vui chơi, giải trí; giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng (trên địa bàn tỉnh có khoảng 80% số DN); giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý 3 và 4 năm 2021 đối với hộ cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn, hình thức khai thuế, nộp thuế... Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, thực hiện chính sách hỗ trợ DN những tháng cuối năm Bình Phước sẽ giảm thu khoảng 75 tỷ đồng.
Ngành thuế đã tham mưu UBND tỉnh 2 kịch bản thu ngân sách trong tình hình dịch diễn biến phức tạp. Cụ thể, kịch bản 1 phấn đấu thu ngân sách năm 2021 là 11.180 tỷ (giảm 650 tỷ đồng so dự toán điều chỉnh tỉnh giao); kịch bản 2 thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 10.050 tỷ đồng, giảm 1.130 tỷ đồng so với kịch bản 1. Trong đó đi sâu phân tích kịch bản 1.
Để đạt được chỉ tiêu trong kịch bản 1, các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý 3 và đầu quý 4 phải được cải thiện mạnh mẽ. DN phải nhanh chóng hồi phục để phát triển và nộp thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất được gia hạn trong năm 2021. Đặc biệt việc đấu giá, triển khai các dự án thu tiền sử dụng đất, thuê đất của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố phải triển khai kịp thời, thu hút được các nhà đầu tư quan tâm. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phải đảm bảo các giải pháp để tổ chức triển khai thu tiền sử dụng đất của 5 tháng còn lại thì mới đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp, khó dự đoán, cùng với các chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của Chính phủ (dự kiến gần 450 tỷ đồng), số tiền thuế miễn, giảm theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến năm 2021 khoảng 543 tỷ đồng.
“Hiện ngành thuế đang bám sát kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo chống thất thu ngân sách của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, tham mưu kịp thời Ban chỉ đạo tỉnh và các đơn vị đôn đốc, triển khai tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất, thuê đất các dự án trong 5 tháng cuối năm. Đồng thời, tập trung đôn đốc các tổ chức, cá nhân trúng đấu giá nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước, trường hợp đã hết hạn thì tính phạt chậm nộp. Các trường hợp người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ thì xem xét kiến nghị hủy kết quả trúng đấu giá theo quy định” - ông Hướng cho biết thêm.
Giải pháp hoàn hảo
Để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch bệnh Covid-19, ngày 5-8-2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU. Ngoài các giải pháp phòng, chống dịch, nghị quyết cũng nêu rõ, phải tranh thủ tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những vùng đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đẩy mạnh thi đua lao động, sản xuất trong điều kiện thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch để bù đắp cho các giai đoạn phải thực hiện giãn cách xã hội; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khả năng còn kéo dài.
Nghị quyết số 05-NQ/TU cũng yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phải chủ động tìm hướng triển khai công việc trong tình hình mới, không thụ động chờ hết dịch; thay đổi phương thức làm việc, học tập, sinh hoạt (trực tuyến, không tập trung đông người…). Bên cạnh đó, cần lưu thông, cung ứng hàng hóa và chăm lo, hỗ trợ người nghèo, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; xử lý nghiêm trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để tiến hành các hoạt động thù địch, chống phá, gây rối, trộm cắp…
Với những giải pháp phòng chống dịch Covid-19 khoa học, phù hợp với tình hình thực tế, Bình Phước đang hướng đến sớm quét sạch F0. Từ đó, tạo môi trường sống an toàn để người dân, DN trong và ngoài nước tập trung phục hồi sản xuất; các hoạt động dịch vụ cũng nhanh chóng phục hồi.
Đặc biệt, tỉnh vẫn đang quan tâm việc đảm bảo nguồn thu để tái đầu tư phát triển hạ tầng giao thông liên kết vùng và khu vực, thu hút đầu tư vào các công trình phúc lợi, quan tâm giảm nghèo, nhất là hoàn thành chỉ tiêu giảm 2.000 hộ nghèo, trong đó có 1.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, Bình Phước tin tưởng sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 trong thời gian sớm nhất và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Theo Xuân Túc/ Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()