Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 09:04 (GMT +7)
Văn hóa cồng chiêng S’tiêng: Vấn đề nghiên cứu và trao đổi Bài cuối: Cồng chiêng - sức mạnh vật chất và cộng đồng
Thứ 2, 15/11/2021 | 19:08:03 [GMT +7] A A
Đặc điểm địa lý và lịch sử phát triển của tộc người S'tiêng ở vùng đất huyền thoại miền Đông Nam bộ (Nam Đông Dương) đã sản sinh ra sự đa dạng loại hình di sản tiêu biểu như: Lễ hội, phong tục, tập quán, luật tục, tín ngưỡng, văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng, dân ca dân vũ, văn hóa cồng chiêng…
Sức mạnh vật chất
Chiêng (ching) một bộ có 6 chiếc, cồng (goong) một bộ có 5 chiếc là tài sản quý giá của người S'tiêng. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng sở hữu được nhạc cụ cồng chiêng, đặc biệt là sở hữu cả 2 loại nhạc cụ này. Trong xã hội truyền thống (S'tiêng phụ hệ), tiêu chí một gia đình giàu có hoặc để được làm chủ làng (tơm poh) ở đầu giường (sạp) phải có nhiều ché quý và cồng chiêng, ngoài sân có nhiều trâu, trong chuồng có nhiều heo, với ngôi nhà dài và có nhiều vợ, con. Trong làng nếu có nhiều nhà dài và trong nhà có nhiều tài sản quý như vậy thì đó là một làng giàu có, làng có nhiều dòng tộc giàu mạnh.
Người S'tiêng ở các nhánh sở hữu các bộ nhạc cụ cồng chiêng và định giá trị cũng khác nhau. Trong từng giai đoạn xã hội, giá trị của bộ cồng chiêng được tính khác nhau. Một bộ cồng chiêng được tính bằng ché cổ (srung), ngang giá với 1 con trâu trưởng thành (trâu trên 3 năm tuổi), nhưng có khi được tính giá trị cao hơn. Đối với người S'tiêng Bà Rá, chiêng có giá trị hơn cồng, có khi 2 bộ cồng mới đổi được 1 bộ chiêng. Một bộ chiêng có giá trị tương đương 1 ché cổ hay trâu trưởng thành, 2 bộ chiêng được tính bằng 1 người nô lệ (dic). Vì vậy, trong xã hội truyền thống, nếu ai nợ 2 bộ chiêng thì phải đi ở làm nô lệ. Trong cưới xin, nếu nhà trai (S'tiêng phụ hệ) trao cho nhà gái 2 bộ chiêng thì cô dâu phải về nhà chồng, người S'tiêng quý cồng chiêng như ché cổ, như một "con người". Đến nay, chưa có tài liệu nào giải thích vì sao có sự khác biệt trong việc sở hữu cũng như định giá trị của nhạc cụ cồng chiêng giữa các nhánh người S'tiêng.
Sức mạnh tinh thần
Người S'tiêng Bu dêh chủ yếu sử dụng cồng, người S'tiêng Bu lơ (gần người M'nông) chủ yếu sử dụng chiêng, còn người S'tiêng Bà Rá (TX. Phước Long và một số vùng lân cận) sử dụng cả cồng và chiêng. Tiết tấu, giai điệu nhạc cụ cồng chiêng của người S'tiêng Bà Rá phong phú, đa dạng so với người S'tiêng ở các nhánh khác. Người S'tiêng Bù dêh, cả đàn ông và đàn bà đều sử dụng cồng. Người S'tiêng Bu lơ (gần người M'nông) thì đàn ông và đàn bà đều sử dụng chiêng, nhưng riêng người S'tiêng Bà Rá thì việc sử dụng cồng chiêng chủ yếu là đàn ông. Vấn đề này đến nay chưa có tài liệu nào giải thích cụ thể. Dựa vào đặc điểm văn hóa (tổ chức xã hội truyền thống) và tiết tấu, giai điệu của nhạc cụ cồng chiêng có thể giải thích rằng: Người S'tiêng Bù dêh (mẫu hệ) nên đàn bà được quyền sử dụng cồng như đàn ông, thậm chí người vợ còn bắt chồng "phục vụ" mình trong quá trình đánh cồng. Người S'tiêng Bu lơ (gần người M'nông) tương tự như vậy, đàn bà cũng có quyền sử dụng chiêng. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, qua khảo sát, nghiên cứu thì tiết tấu, giai điệu cồng của người S'tiêng Bù dêh và tiết tấu, giai điệu chiêng của người S'tiêng Bu lơ (gần người M'nông) không đa dạng, phức tạp nên phụ nữ có thể sử dụng được. Trong khi đó, tiết tấu, giai điệu cồng chiêng của người S'tiêng Bà Rá rất đa dạng, phức tạp nên phụ nữ khó có thể học và tham gia sử dụng cồng chiêng. Đây là yếu tố quan trọng chưa ai đề cập khi nghiên cứu nhạc cụ cồng chiêng của người S'tiêng.
Cồng chiêng của người S'tiêng thường được sử dụng vào 2 mục đích chính: dùng trong sinh hoạt và "phục vụ" người đã khuất (dùng làm nhạc tang).
* Cồng chiêng trong sinh hoạt văn hóa
Cồng chiêng dùng trong sinh hoạt của con người thể hiện rõ nhất là trong lễ hội, cưới xin hoặc sau khi hoàn thành những công việc như: phát rừng, dọn rẫy, tỉa lúa, thu hoạch lúa, làm nhà... có sự tham gia của cộng đồng. Trong các sự kiện này, việc lấy cồng chiêng ra đánh (đánh đủ cả bộ), âm thanh của cồng chiêng như báo tin mừng cho cộng đồng, sự cảm ơn của chủ nhà đối với trời đất, cộng đồng. Vì thế, người S'tiêng không lấy cồng chiêng ra đánh tùy tiện nếu không có sự kiện, đặc biệt là trong các sự kiện đó không có rượu cần và thịt.
Do giá trị của cồng chiêng quá đắt, quý hiếm nên người S'tiêng không tùy tiện mượn hay cho người khác mượn cồng chiêng của mình. Bởi nếu người mượn lỡ làm vỡ, hư 1 chiếc thì phải bồi thường cả bộ, dễ gây nợ nần, nếu người mượn không có tài sản để bồi thường thì phải gả bán con hoặc bản thân mình phải đi ở làm nô lệ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến người biết sử dụng cồng chiêng trong cộng đồng S'tiêng bị hạn chế.
Mặt khác, luật tục người S'tiêng không cho phép đánh cồng chiêng tùy tiện, họ quan niệm rằng: Âm thanh của cồng chiêng vang rất xa, các vị thần (sông, suối, núi rừng, linh hồn ông bà đã mất...) khi nghe được, các thần sẽ "đến thăm" và khi các thần đến nếu không có thịt để ăn, không có rượu để uống, các vị thần sẽ phạt. Những sinh hoạt bình thường, đám cưới của gia đình nghèo có thể không có tiếng cồng chiêng, nhưng khi đã đánh cồng chiêng là phải có thịt, có rượu cần, người tổ chức phải mời các thần, linh hồn của người đã khuất.
* Cồng chiêng trong tang lễ
Khi có người mất, tiếng cồng được gióng lên để báo tin buồn cho cộng đồng (nếu người ác chết thì gia đình không đánh cồng). Trong đám tang, người S'tiêng thường dùng cồng (vì âm thanh vang xa hơn chiêng) và chỉ dùng 3 chiếc (gồm 2 chiếc con: số 1, số 2 và chiếc cái lớn số 5), việc dùng không đủ bộ mang ý nghĩa khác nhau. Thứ nhất là để phân biệt âm thanh, vì vậy người S'tiêng tối kỵ đem 3 chiếc cồng ra đánh và đánh theo điệu nhạc tang, nếu ai vi phạm sẽ bị làng phạt rất nặng, vì họ cho rằng như vậy là nguyền rủa, mong cho làng có người chết. Thứ hai là, việc sử dụng không đủ bộ chính là phân biệt tài sản của người sống và người chết. Trước kia, những gia đình khá giả, nếu cha mẹ hay con "cưng" qua đời, cồng sau khi sử dụng trong đám tang thường được chủ nhà đập cho vỡ và mang ra nghĩa địa, một hình thức chia tài sản cho người đã mất. Đây là quan niệm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người S'tiêng. Ngoài ra, tiếng cồng còn mang ý nghĩa giúp linh hồn người chết "được vui" trên đường sang thế giới cõi âm (phan). Vì vậy, những gia đình không có cồng chiêng thường dùng 6 ống lồ ô (hình dáng như đàn tơ rưng - gơr) do 3 người đánh khi đẽo cây làm quan tài (trong rừng), khi người chết còn trong nhà và trong quá trình chôn tại nghĩa địa để tạo nên âm thanh, cho hồn người chết "được vui".
* Ý nghĩa của hướng di chuyển trong diễn tấu cồng chiêng
Cồng có thể dùng dây để treo và đánh trong nhà một cách cố định hoặc mang trên vai, vừa đánh vừa di chuyển. Riêng chiêng, người S'tiêng không treo cố định mà luôn phải đeo trên vai và di chuyển liên tục trong quá trình đánh. Khi đánh cồng chiêng, người S'tiêng thường đi vòng hay đi tới đi lui (đi một đoạn rồi quay lại) tùy thuộc vào không gian trong nhà hay ngoài sân. Về sự di chuyển này, các nhà nghiên cứu cho rằng: "Cơ thể con người, theo giải phẫu cơ thể học có phần chênh lệch về bên trái bởi trái tim nằm bên trái lồng ngực, con người luôn luôn cảm thấy dễ dàng, thoải mái hơn khi đi hoặc chạy cua quẹo về bên trái" (Vũ Hồng Thịnh và Bùi Lẫm, 1995, tr. 82). Tuy nhiên, cách giải thích này cơ bản đúng nhưng chưa đủ.
Một vấn đề khác mà các nhà nghiên cứu chưa đề cập đó là: Khi đánh cồng chiêng, người đánh luôn đeo cồng chiêng bên vai trái, trọng lượng của cồng chiêng làm cho người đánh thường bị nghiêng về bên trái nên khi di chuyển phải theo hướng trái thì thuận lợi hơn. Mặt khác, người S'tiêng thường đánh vào mặt ngoài của cồng chiêng (người Êđê và một số tộc người Tây nguyên thường đánh vào mặt trong của cồng chiêng), mặt bên trong là mặt phát ra âm thanh, nên khi di chuyển theo hướng bên trái thì mặt trong của cồng chiêng sẽ quay ra hướng người đi sau, người đi sau nghe âm thanh của chiếc do người đi trước đánh rõ hơn. Điều này thể hiện rất rõ khi đánh chiêng (bộ 6 chiếc), 3 chiếc đầu của bộ chiêng thường đi một nhóm riêng giữ vai trò tạo nền, nhưng 3 chiếc sau rất quan trọng, vì tiết tấu luôn thay đổi nên họ phải đi theo nhóm riêng và di chuyển sát nhau, người đi trước phải quay mặt trong của chiêng theo hướng trái để người đi sau nghe rõ âm thanh. Đó chính là lý do vì sao họ phải di chuyển sang hướng trái.
Có thể khẳng định, cồng chiêng vừa là thứ tài sản đặc biệt vừa là loại nhạc cụ quan trọng của người S'tiêng, bởi những giá trị rất đặc biệt của nó trong đời sống vật chất và tinh thần, có ý nghĩa với người sống và người đã khuất, đối với con người và thần linh. Trong xã hội truyền thống, giá trị của cồng chiêng có thể trao đổi ngang hàng với ché cổ, trâu, bò, thậm chí cả con người. Ngày nay, dù cồng chiêng được chế tác dễ hơn nhưng những giá trị về lịch sử, văn hóa của cồng chiêng (cổ) đến nay vẫn là ẩn số. Bởi cồng chiêng không chỉ có ở cộng đồng dân tộc thiểu số tại Việt Nam mà còn có ở những cộng đồng quốc gia khác ở Đông Nam Á.
Theo Điểu Điều - Buôn Krông Tuyết Nhung/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()