Tất cả chuyên mục

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một trong những sự kiện đã trở thành mốc son chói lọi, thể hiện tinh thần “Quyết đánh -Quyết thắng” của dân tộc ta, có Chiến thắng trận đầu 5-8-1964. Đây là một chiến thắng hết sức quan trọng, bởi như Bác Hồ đã nói tại Lễ mừng công ở Thủ đô Hà Nội sau đó 2 ngày, ngày 7-8-1964: “Trong trận này, chúng ta đã cho Đế quốc Mỹ một bài học đích đáng; đồng thời chúng ta đã thấy rõ hơn những ưu điểm và nhược điểm của ta…”.
![]() |
Khẩu đội pháo cao xạ đóng trên đồi cao ở thị xã Hồng Gai đã bắn rơi máy bay Mỹ trong trận đầu 5-8-1964. (Ảnh Tư liệu tại Bảo tàng Quân đội Nhân dân Việt Nam). |
Với cả nước là như vậy, với Quảng Ninh, Chiến thắng trận đầu 5-8 càng có một ý nghĩa đặc biệt hơn! Tỉnh mới Quảng Ninh vừa thành lập chưa được bao lâu, chính quyền, cơ quan, đoàn thể v.v. đang trong giai đoạn củng cố ổn định về mặt tổ chức để triển khai nhiệm vụ công tác thì đã phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, mà trận chiến 5-8-1964 là thử thách đầu tiên. Trong trận chiến này, lực lượng dân quân, tự vệ ở thị xã Hồng Gai nói riêng, Quảng Ninh nói chung, đã “nhập cuộc” rất nhanh, phối hợp với các đơn vị bộ đội hải quân, pháo cao xạ v.v. đánh trả máy bay Mỹ và đã lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, cả trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cả trong bảo vệ nhà máy, hầm mỏ, xí nghiệp v.v. cũng như trong việc đảm bảo an toàn, tránh thương vong cho người dân…
Nhiều tấm gương dũng cảm đã xuất hiện ngay trong trận đầu này, như Trung đội phó súng máy cao xạ 14,5mm Trương Thanh Luyện, tự vệ Nguyễn Văn Bút của phố Bạch Đằng (thị xã Hồng Gai), Kíp trưởng Trần Xuân Tuấn của Nhà máy điện Cột 5, nhân viên bưu điện Hồng Gai Nguyễn Thị Thu Thuỷ và Vi Thị Mến v.v. và rất nhiều những tấm gương khác nữa. Tất cả cho thấy mặc dù đây là trận “thử lửa” đầu tiên, nhưng quân, dân Quảng Ninh không hề bị bất ngờ mà rất tự tin, sẵn sàng đánh trả kẻ thù xâm lược. Nhà báo Công Vượng, nguyên phóng viên Báo Quảng Ninh, người đã trực tiếp tham gia tác nghiệp trong trận đầu 5-8-1964 và là tác giả bức ảnh nổi tiếng chụp tên giặc lái Everett bị bắn rơi trên Vịnh Hạ Long trong trận chiến này, hồi tưởng: “- Chính bản thân tôi cũng không ngờ trong cuộc chiến đấu đầu tiên với hàng chục máy bay của Mỹ mà không một ai sợ hãi cả; cái đó làm cho khí thế chiến đấu càng ngày càng hăng lên. Là một phóng viên, tiếp xúc với mọi người, tôi thấy được một tinh thần rất lạc quan. Nhân dân ta vừa hăng hái chiến đấu mà vẫn đảm bảo sản xuất. Điều này đã trở thành truyền thống của Vùng Mỏ nói riêng và Việt Nam nói chung…”.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người đã có mặt tại Hồng Gai ngày 5-8-1964, sau 30 năm, năm 1994, khi nhớ lại sự kiện này, đã viết: “Tôi đã tận mắt chứng kiến trận chiến đấu oanh liệt của các đơn vị pháo cao xạ, tàu hải quân, dân quân, tự vệ, công an vũ trang và nhân dân Hồng Gai chiều ngày 5-8-1964 giáng trả không quân Mỹ đến gây tội ác tại đây. Ba máy bay phản lực bị bắn rơi. Một giặc lái Mỹ bị bắt sống. Đó là chiến công tuyệt vời của quân và dân Quảng Ninh, là kết quả 10 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, là biểu hiện tính ưu việt của chế độ XHCN do Đảng và Bác Hồ vạch đường chỉ lối, là sự mở đầu cho những thành tựu to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Quảng Ninh…”.
Trong giai đoạn hiện nay, âm vang của Chiến thắng trận đầu 5-8-1964 nhắc nhở chúng ta về lòng tự hào dân tộc, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp của cách mạng, không ngại khó khăn gian khổ, luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoàng Long
Bài 1: Chuyện Bác Hồ đặt tên cho tỉnh
Bài 2: Náo nức những ngày hợp nhất
Bài 3: Đài Truyền thanh Quảng Ninh và Báo Quảng Ninh ra đời
Bài 4: Quảng Ninh - Những lần đón Bác về thăm
Bài 5: Quảng Ninh và phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”
Ý kiến ()