Tất cả chuyên mục

Ông Vũ Cẩm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, nguyên Bí thư Khu đoàn Hồng Quảng (rồi sau đó là Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Ninh khoá I), có lần nói với tôi, rằng Quảng Ninh chính là “quê hương” của phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng” những năm chống Mỹ cứu nước!
Ông kể, đầu năm 1964, giặc Mỹ tăng cường cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam, đồng thời khiêu khích, uy hiếp miền Bắc. Thực hiện chủ trương của trên là phải sớm chuẩn bị cho đoàn viên thanh niên có tâm lý vững vàng, không bị bất ngờ nếu kẻ địch tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, Ban chấp hành Đoàn Tổng Công ty Than (lúc bấy giờ ông Vũ Cẩm đang là Bí thư - TG) đã họp bàn và quyết định phát động phong trào “Thanh niên ba rèn luyện, ba sẵn sàng” (Rèn đức, rèn sức, rèn tài và sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng đi bất cứ đâu, sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ gì!). Ngày 19-5-1964, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 74 của Bác, tại khu du lịch Bãi Cháy, phong trào đã chính thức được phát động; ban đầu là trong các cơ sở đoàn ngành Than, sau lan rộng ra toàn tỉnh.
![]() |
Tổ tự vệ trực chiến “Thanh niên ba rèn luyện, ba sẵn sàng” của Công ty Than Hòn Gai những năm chống Mỹ. (Ảnh tư liệu do ông Vũ Cẩm cung cấp). |
Cũng theo ông Vũ Cẩm, cùng với việc phát động phong trào “Thanh niên ba rèn luyện, ba sẵn sàng”, thanh niên trong ngành Than nói riêng, thanh niên Quảng Ninh nói chung, còn được tổ chức học tập, quán triệt “8 điều nếp sống thời chiến”…
“-Có thể nói, việc tổ chức Đoàn ở Quảng Ninh phát động phong trào “Thanh niên ba rèn luyện, ba sẵn sàng” có ý nghĩa rất quan trọng vào thời điểm ấy” - Ông Vũ Cẩm nói - “Bởi như anh biết đấy, chỉ hơn 2 tháng sau, ngày 5-8-1964, giặc Mỹ đã đánh ra miền Bắc, mà một trong những mục tiêu chúng tập trung oanh tạc mạnh nhất là Khu mỏ… Nhưng do đã có sự chuẩn bị trước, nên thanh niên Quảng Ninh, từ thanh niên trong lực lượng quân đội đến thanh niên là tự vệ, dân quân ở các địa phương, đơn vị, xí nghiệp, hầm mỏ v.v.. đều đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất tốt. Nhiều tấm gương thanh niên dũng cảm đã xuất hiện ngay trong trận đầu này!”.
Một điều thú vị là cũng trong thời điểm Quảng Ninh phát động phong trào “Thanh niên ba rèn luyện, ba sẵn sàng” thì ở Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng phát động phong trào “Thanh niên ba bất kỳ”, sau đổi tên là “Thanh niên ba sẵn sàng” và được Thành Đoàn Hà Nội nhân rộng, ban đầu là trong thanh niên Thủ đô, sau lan ra thành một phong trào lớn của thanh niên cả nước…
“-Tôi nghĩ, việc ở đâu khởi xướng không quan trọng, mà quan trọng là tác dụng, hiệu quả của nó đối với sự nghiệp cách mạng!” - Ông Vũ Cẩm nói - “Là những người trong cuộc, tôi có thể khẳng định rằng phong trào “Thanh niên ba rèn luyện, ba sẵn sàng” đã góp phần tích cực, mang lại những hiệu quả thiết thực, to lớn trong giai đoạn những năm đầu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Đây chính là một trong những dấu son trong “trang sử vàng” của tuổi trẻ Quảng Ninh suốt chặng đường 50 năm kể từ ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh đến nay…”.
Hoàng Long
Bài 1: Chuyện Bác Hồ đặt tên cho tỉnh
Bài 2: Náo nức những ngày hợp nhất
Bài 3: Đài Truyền thanh Quảng Ninh và Báo Quảng Ninh ra đời
Bài 4: Quảng Ninh - Những lần đón Bác về thăm
Ý kiến ()