Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:45 (GMT +7)
Bài 4: Du lịch Việt 'bắt tay' liên ngành để vững bước chuyển mình
Thứ 6, 22/10/2021 | 09:14:38 [GMT +7] A A
Với những nỗ lực và hành động quyết liệt của toàn ngành thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch… hoàn toàn có cơ sở để vững tin vào chặng đường chuyển mình phía trước.
Trên hành trình phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, du lịch không thể đơn thương độc mã. Để có thể sớm “vén màn mây xám xịt” bao phủ nền kinh tế xanh, lãnh đạo ngành đang dốc sức phối hợp với các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương trên toàn quốc hoàn thiện lộ trình hộ chiếu vaccine.
Để ngày mở cửa bầu trời sớm trở lại, du lịch đã chuẩn bị ra sao trong cuộc “bắt tay” cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành?
Chuyển đổi số mạnh mẽ để thích ứng
Ảnh hưởng của COVID-19 là vô cùng khủng khiếp, nhưng nhìn ở mặt tích cực, đại dịch lại khiến Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết với công nghệ. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong đó có du lịch, trước trì trệ, ngại thay đổi thì nay buộc phải “lột xác” nếu muốn tồn tại.
Đón đầu việc "mở cửa bầu trời," lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 theo tiêu chuẩn châu Âu, tại địa chỉ https://travelpass.tourism.vn, nhằm rộng đường đón và phục vụ khách khi hoạt động du lịch quốc tế và trong nước được mở trở lại.
Chứng nhận này của ngành du lịch được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế hỗ trợ, đáp ứng đủ quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đến và đi của khách quốc tế…
Có thể nói, chưa bao giờ du lịch Việt chuyển đổi số mạnh mẽ đến thế. Với hệ thống chứng nhận đã được tích hợp lên ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm soát quy trình thủ tục, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế theo một vòng khép kín, ngay từ trước khi vào Việt Nam, lúc nhập cảnh, trong quá trình di chuyển, du lịch cho đến khi xuất cảnh.
Đặc biệt, việc tích hợp còn giúp người dùng tiếp cận và tận dụng hệ sinh thái các tiện ích thông minh trên ứng dụng như: Tìm kiếm điểm đến an toàn, cập nhật thông tin dịch bệnh địa phương, bản đồ số du lịch an toàn, theo dõi sức khỏe, bảo hiểm du lịch, vé điện tử, mua sắm dịch vụ, quản lý tour, khám phá điểm đến...
Ông Nguyễn Đức Anh, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch MICE, Giám đốc Vplus Vietnam chia sẻ: “Kinh nghiệm từ Câu lạc bộ Du lịch MICE của chúng tôi là ngay từ khi dịch bùng phát lần đầu, chúng tôi đã tập trung vào công nghệ, phát triển nền tảng thể thao và du lịch trực tuyến. Trong nền tảng có tích hợp gói đặt dịch vụ online. Đến nay, chúng tôi có gần 15.000 người sử dụng, tổ chức thường xuyên cho các tập đoàn, khi hết dịch sẽ quay lại hoạt động trực tiếp.”
Và trong lúc các hãng hàng không chờ được công nhận Hộ chiếu sức khỏe điện tử (IATA Travel Pass) trên lộ trình nối lại đường bay quốc tế, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất nên sớm áp dụng trong nước cơ chế thông hành như Thẻ thông hành xanh để kích cầu du lịch nội địa.
Hiện đã có ứng dụng sổ sức khỏe điện tử của Bộ Y tế, xác định người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine. Đây chính là cơ sở giúp cơ quan quản lý dễ dàng kiểm soát khách nội địa khi họ di chuyển.
Song, để đồng bộ dữ liệu và thuận tiện cho quản lý, theo chuyên gia của Tổng cục Du lịch, Bộ Y tế và các bộ, ngành cần chuẩn bị hạ tầng, công nghệ, đồng bộ cơ sở dữ liệu, hợp nhất Cổng tiêm chủng quốc gia và các nền tảng ứng dụng, để người dân đi đâu chỉ cần có mã QR.
Cần chính sách thống nhất, đồng bộ
Để du lịch sớm phục hồi, theo bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, điều kiện tiên quyết là cần sự thống nhất, đồng bộ các chính sách vĩ mô từ Chính phủ cũng như giải pháp tổng thể chung cho cả nước, bởi nếu mỗi địa phương một chính sách thì việc triển khai sẽ rất khó khăn.
Mặt khác, bà Hương cho rằng trong Nghị quyết 128/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 cũng có đề cập đến vaccine là điều kiện tiên quyết. Điều đó cũng đồng nghĩa chỉ khi vaccine được tiêm, nơi đến và nơi đi an toàn, người dân mới trở lại với du lịch, còn các doanh nghiệp, nhà cung cấp dù có nỗ lực bao nhiêu cũng khó kích cầu lại du lịch, giống như một bàn tay không thể vỗ thành tiếng.
“Với tình hình hiện nay, an toàn là điều kiện ưu tiên số một. Tuy nhiên, giữa các địa phương còn quá nhiều thủ tục hành chính. Nếu vẫn duy trì tình trạng này, rõ ràng du lịch không thể phát triển. Chúng ta cần hiểu rằng cứ vùng nào có độ phủ vaccine 77% là an toàn, không phải cách ly. Ví dụ như Hà Nội tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 đã tới 75% thì không đáng ngại, kể cả người đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy,” bà Hương nói.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho rằng chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tự tin mở cửa du lịch càng sớm càng tốt.
Cụ thể, theo ông Thắng, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL về cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trên cả nước, trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, đảm bảo an toàn với khách du lịch. Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới. Thứ ba, tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; mở lại du lịch trên các nền tảng số.
Thứ 4, việc ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch cần các địa phương, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư hơn nữa. Thứ 5, hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách. Thứ 6, tìm cách phát triển nguồn nhân lực lao động về du lịch trước thực trạng đã hao hụt rất nhiều vì dịch bệnh. Có kế hoạch đào tạo lại kỹ năng, nghiệp vụ...
Mặt khác, lãnh đạo ngành du lịch cũng cho biết đang cùng các bộ, ngành trao đổi để điều chỉnh Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hỗ trợ cho một số đối tượng, trong đó có hướng dẫn viên du lịch để cải thiện điều kiện sống, một phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, thúc đẩy trở lại các hoạt động du lịch.
Vì vậy, ông Thắng cho rằng với những nỗ lực và hành động quyết liệt của toàn ngành thời gian qua, các doanh nghiệp lữ hành, đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch… hoàn toàn có cơ sở để vững tin vào chặng đường chuyển mình phía trước.
Theo ông Phùng Quang Thắng, riêng với thị trường quốc tế, chúng ta cần cân bằng giữa an toàn phòng chống dịch bệnh với nới lỏng để phát triển kinh tế, du lịch. Địa phương nào có mong muốn mở cửa mà bảo đảm được an toàn sẽ mở ngay chứ không cần mở cửa lần lượt. Khi đó, Việt Nam vừa không mất thời gian xúc tiến du lịch vừa xúc tiến đúng chỗ. Thậm chí, chúng ta có thể tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước mở cửa ra sao, có giải pháp nào phù hợp với điều kiện Việt Nam không…
Các chuyên gia nhấn mạnh rằng cơ hội dành cho mỗi doanh nghiệp là như nhau, nhưng để toàn ngành lấy lại đà phát triển rất cần thời gian và sự phối hợp nhịp nhàng của các sở, ban, ngành, nhất là phải có sự thống nhất từ Trung ương tới địa phương.
Trong thời gian đó, các doanh nghiệp, những người làm nghề tiếp tục ngóng chờ một “cú hích thông hành” đảm bảo đủ an toàn để có thể tái khởi động guồng máy trong bối cảnh mới sớm nhất có thể.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()