Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 04:32 (GMT +7)
Quảng Ninh - Sức mạnh tự lực, tự cường Bài 3: Sớm trở lại mạnh mẽ hơn
Thứ 4, 30/10/2024 | 05:25:21 [GMT +7] A A
Sự chỉ đạo kịp thời, đúng đắn, sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết, tự lực, tự cường của mỗi người dân, gia đình, doanh nghiệp cùng những cơ chế, chính sách cấp bách, ưu việt đã trở thành nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh để Quảng Ninh hồi sinh nhanh chóng, mạnh mẽ sau bão số 3. Người dân trở lại nhịp sống thường nhật; diện mạo đô thị, khu dân cư được chỉnh trang sạch, đẹp...
Hồi sinh sau bão
Sau 1 tháng từ khi bão số 3 (Yagi) quét qua, tỉnh đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn để khắc phục thiệt hại; thống kê, kiểm đếm, lập hồ sơ thiệt hại theo quy định; dọn dẹp, tận thu tài sản; sửa chữa công trình, thiết bị...
UBND tỉnh đã cấp bổ sung có mục tiêu giai đoạn 1 là 180 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại mưa bão; tập trung huy động lực lượng, phương tiện thiết bị tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn; hỗ trợ lương thực cho các đối tượng chính sách; hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp; sửa chữa, khôi phục tài sản, công trình bị ảnh hưởng do bão để đảm bảo các hoạt động bình thường. Các địa phương đã và đang phân bổ, giải ngân một phần kinh phí được tỉnh hỗ trợ.
Đối với việc sử dụng nguồn kinh phí 1.000 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả của bão số 3, mưa lũ sau bão và thực hiện an sinh xã hội, UBND tỉnh đã cấp trên 72 tỷ đồng cho ngành Giáo dục và các địa phương hỗ trợ học phí kỳ 1 năm học 2024-2025; cấp 38,5 tỷ đồng kinh phí dự toán năm 2024 để thực hiện chính sách nâng mức trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác. Đối với cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại nặng về nhà ở, tỉnh đã phân bổ kinh phí cho các địa phương thực hiện chi trả cho các hộ dân bị thiệt hại đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Một số địa phương đang hoàn thành việc thẩm định và phê duyệt hồ sơ báo cáo tỉnh phân bổ kinh phí thực hiện trong tháng 10/2024. Đối với cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí phương tiện sản xuất là tàu đánh bắt thủy sản bị chìm do bão, các địa phương đang kiểm đếm, xác nhận, lập hồ sơ để thực hiện hỗ trợ theo quy định.
Với nỗ lực cao, quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục thiệt hại do bão số 3 đã và đang đi vào cuộc sống. Những ngày này, không khí khẩn trương tái thiết lại nhà ở, sinh kế sau bão lan tỏa rộng khắp các thôn, bản, khu dân cư, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh.
Trong ngôi làng nhỏ ở thôn Nam 1 (xã Liên Vị, TX Quảng Yên), gia đình ông Nguyễn Văn Vĩnh tất bật hướng dẫn các tốp thợ thi công xây nhà mới. Bên đống gạch tươi mới xếp gọn gàng, ông Vĩnh và vợ xúc động nói: "Bão số 3 đã làm cho ngôi nhà của gia đình tôi bị đổ sập hoàn toàn. Mưa lũ cuốn hết mọi thứ, chẳng còn gì ngoài những bức tường sập đổ. Nhận số tiền 100 triệu đồng từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, gia đình tôi rất cảm động. Số tiền này thực sự quý báu, là động lực để gia đình tôi có thể bắt đầu lại, xây nhà mới. Chúng tôi thấy thật may mắn khi được sống trên quê hương Quảng Ninh”.
Chỉ chưa đầy 1 tháng, trên đống đổ nát ấy, ngôi nhà mới của gia đình ông Vĩnh đã dần hiện hữu: Móng nhà vuông vức, vững chãi; những chiếc trụ nhà đầu tiên được dựng lên; bức tường gạch đỏ cao thêm mỗi ngày. Tết năm nay gia đình ông sẽ được đón xuân trong căn nhà mới.
Hơn nửa đời người, trải qua nhiều thăng trầm, bà Vũ Thị Nhiên (phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên) cố giấu đi những giọt nước mắc xúc động về sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, tỉnh cho gia đình bà sau bão khi trao đổi với phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh. Niềm vui của bà được nhân đôi khi được hỗ trợ tiền sửa chữa lại ngôi nhà nhỏ bị tốc mái do bão, nguồn trợ cấp xã hội được tăng lên 1,4 lần so với trước đây.
Bà Nhiên xúc động: "Hoàn cảnh của tôi rất khó khăn, một thân một mình, không con cái, tuổi cao, không thể lao động, hằng tháng trông chờ chủ yếu vào nguồn trợ cấp của Nhà nước. Cơn bão vừa qua đã cướp đi ngôi nhà, nơi nương tựa duy nhất trong lúc tuổi già, cứ nghĩ đã mất hết rồi. Nhưng thật may mắn khi được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa lại nhà, trợ cấp hằng tháng được tăng từ 500.000 đồng lên 700.000 đồng. Đó là nguồn động viên rất lớn dành cho những người già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn như tôi".
Rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh đã nhận được trợ giúp kịp thời từ những cơ chế chính sách của trung ương, của tỉnh để khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra; gần 244.000 học sinh được hỗ trợ, không phải đóng học phí năm học 2024-2025; trên 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội và đối tượng khó khăn khác được nâng mức hỗ trợ hằng tháng; gần 2.000 ngôi nhà đang được xây mới, sửa chữa; hàng trăm tàu được trục vớt, đưa đi sửa chữa, tới đây sẽ nhận kinh phí hỗ trợ; hàng trăm nghìn ha rừng gãy, đổ đang được tận thu, dọn dẹp để chuẩn bị cho vụ mới.
Ký vào biên bản nhận tiền hỗ trợ của tỉnh, anh Triệu Quý Lầu (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) chia sẻ: "Thực sự cảm ơn Đảng, Nhà nước, tỉnh đã giúp những gia đình như chúng tôi trong lúc khó khăn. Gia đình tôi như được sống lại. Không những được tỉnh hỗ trợ sửa nhà, các con tôi còn được miễn học phí, yên tâm học tập. Tới đây vợ chồng tôi sẽ cố gắng đi làm thuê, dành dụm tiền để mua cây giống, trồng lại rừng, làm lại cuộc đời".
Tái thiết, kiến tạo cuộc sống
Dù những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại đã được triển khai kịp thời, nhưng hậu quả của bão số 3 thực sự là quá lớn, cần nhiều thời gian để đưa các hoạt động trở lại bình thường. Quảng Ninh vẫn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mới, đặc thù phù hợp với tình hình thực tiễn; đồng thời bảo đảm nguồn lực để thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy khẳng định: Cùng với những cơ chế, chính sách đã được ban hành ngay sau bão, tỉnh đang nghiên cứu có chính sách riêng, bao trùm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, tập trung vào các lĩnh vực NTTS, nông, lâm nghiệp; các hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch thương mại; các hộ liên quan đến sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đảm bảo các quy định hiện hành.
Triển khai kịp thời Nghị quyết số 143-NQ/CP của Chính phủ, với mục tiêu cao nhất là “Tất cả vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển của doanh nghiệp; nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão số 3”, cả hệ thống chính trị đã và đang tích cực vào cuộc; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh đến cơ sở đã phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhiều cuộc họp, gặp gỡ trao đổi không kể ngày đêm để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão đã được tổ chức; hàng loạt biện pháp tiếp tục khắc phục thiệt hại được đưa ra bàn thảo; công tác rà soát tình hình khắc phục hậu quả được kiểm đếm hằng tuần…
Căn cứ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh đã có những đề xuất, kiến nghị kịp thời với Trung ương: Cho phép bổ sung đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/NĐ-CP của Chính phủ; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; khuyến khích các tổ chức tín dụng mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp không còn tài sản để thế chấp tiền vay… Tỉnh cũng kết nối làm việc với các tổ chức tín dụng, chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh bàn các giải pháp kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau bão số 3.
Ông Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho biết: Bão số 3 đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp từng bước phục hồi sau bão, tỉnh đã tổ chức các cuộc họp với các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, ngân hàng bàn giải pháp xử lý nợ cho doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt là triển khai nhanh chóng các giải pháp tiêu thụ gỗ rừng trồng bị gãy, đổ, tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu du lịch, đánh bắt thủy sản. Những biện pháp của tỉnh đưa ra trong thời gian qua thực sự cần thiết. Đây là niềm mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp để nhanh chóng ổn định tình hình SXKD, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Qua cơn bão số 3, tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, những điểm bộc lộ ở một số lĩnh vực cần phải được điều chỉnh, tái thiết, như thủy sản, lâm nghiệp... Trên tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Quảng Ninh xây dựng Đề án “Khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão” với quyết tâm cao nhất là phát triển hơn sau bão, đặc biệt là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh của tỉnh, phấn đấu giữ vững tăng trưởng trên 10% năm 2024, là năm thứ 10 liên tiếp đạt tăng trưởng 2 con số.
Với mục tiêu cấp bách nhằm tái thiết các công trình xây dựng, tài sản, cơ sở vật chất bị thiệt hại, khôi phục mạnh mẽ hoạt động sản xuất của các ngành kinh tế, các khu vực kinh tế…, UBND tỉnh thành lập tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để xây dựng Đề án khôi phục, tái thiết kinh tế sau cơn bão số 3. Nội dung Đề án hướng đến những nhiệm vụ cần triển khai trước mắt và lâu dài; thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người dân bị hư hại; sử dụng nguồn lực đầu tư công và các nguồn lực xã hội khác để đầu tư tái thiết, xây dựng lại các công trình cơ sở hạ tầng, các công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu; các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh tế, thu xếp việc làm và ổn định đời sống nhân dân.
Bên cạnh đó, nghiên cứu các giải pháp để tối ưu, nâng cao hiệu quả hơn nữa trong phát triển các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, như du lịch (phát triển đội tàu du lịch, đầu tư nâng cao chất lượng các điểm thu hút khách du lịch trên địa bàn...), khai thác than (đầu tư khai thác xuống sâu, công nghệ sản xuất chế biến than...); đồng thời nắm bắt thời cơ để khắc phục những điểm yếu trong phát triển kinh tế của tỉnh thời gian vừa qua (áp dụng KHKT, công nghệ mới, loài nuôi mới vào nuôi trồng thủy sản; lập lại quy hoạch 3 loại rừng, cơ cấu lại các loại cây trồng trong phát triển lâm nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo, giá trị gia tăng cao, công nghiệp bán dẫn...).
Để giữ vững mục tiêu đến năm 2025 Quảng Ninh không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, các sở, ngành, địa phương đã, đang khẩn trương thành lập tổ rà soát, xác định chính xác, cụ thể, nhận định, dự báo nguy cơ, tình hình gia tăng các hộ nghèo, cận nghèo. Từ đó làm cơ sở, có giải pháp kịp thời triển khai ngay các chính sách hiệu quả, mục tiêu xóa hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trên tinh thần kế thừa, vận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân sau bão của Chính phủ và tỉnh, Quảng Ninh đã, đang nghiên cứu thực hiện tái cơ cấu lại lao động; huy động thêm các nguồn lực xã hội nhằm quyết tâm vượt qua khó khăn, kiên định mục tiêu xoá nghèo bền vững theo tiêu chuẩn của tỉnh, đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, hoàn thành trong năm 2025.
Công cuộc tái thiết sau bão còn gian nan, vất vả đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Chỉ có thực hiện tốt nhiệm vụ này mới có thể bảo đảm sự ổn định, bền vững của đời sống, sinh kế của người dân vùng bị ảnh hưởng của bão lũ nói riêng, nhân dân toàn tỉnh nói chung; tạo ra được nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bằng truyền thống đoàn kết, sáng tạo, sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm”, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tự lực, tự cường, Quảng Ninh sẽ sớm trở lại những ngày tươi đẹp, tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của Vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.
Nguyễn Huế - Thu Chung - Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()