Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 10:03 (GMT +7)
Ổn định để phát triển - phát triển để ổn định Bài 3 - Phát triển để giữ vững ổn định hơn - Triết lý nhân văn, giải pháp độc lập và sáng tạo
Chủ nhật, 10/10/2021 | 12:39:14 [GMT +7] A A
Từ chủ trương, chính sách chung, các cấp ủy, chính quyền ở Bình Phước đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn góp phần xây dựng Bình Phước ngày một phát triển, bảo đảm đời sống dân sinh.
Dồn tâm sức, tài lực để chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân
Với 41 thành phần dân tộc cùng sinh sống, Bình Phước được ví như một Việt Nam thu nhỏ. Sự đa dạng về thành phần dân tộc cùng những khó khăn ban đầu sau ngày tái lập, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền trong tỉnh phải có những quyết sách sớm nhằm ổn định dân cư, bảo đảm sinh kế, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Cùng với kiện toàn công tác nhân sự và ổn định nơi làm việc, tỉnh bắt tay ngay vào triển khai thực hiện các Chương trình 134, 135, Chương trình định canh định cư, trợ giá, trợ cước và dạy nghề, giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Hơn 10 năm sau, toàn tỉnh đã có 25/43 xã thoát khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo giảm từ 23,6% (năm 2005) xuống còn 16,5% (năm 2010). Riêng năm 2020, toàn tỉnh giảm được 3.123 hộ nghèo, đạt 122% chỉ tiêu giao.
Trong đó đáng chú ý là chủ trương trồng cao su tạo quỹ an sinh xã hội và cấp đất sản xuất theo chương trình an sinh xã hội cho hộ nghèo đã đem lại những chuyển biến tích cực trong đời sống người dân.
Cùng với các nguồn vốn xã hội hóa và chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, chỉ trong giai đoạn 2016-2020, Bình Phước đã thực hiện có hiệu quả chính sách giảm nghèo vùng DTTS với kinh phí 522.878 triệu đồng. Riêng 2 năm (2019-2020), tỉnh đã tập trung gần 137 tỷ đồng ngân sách để thực hiện giảm 2.000 hộ nghèo DTTS.
Năm 2021, dù đại dịch diễn biến phức tạp, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn, nhưng Bình Phước vẫn dành nguồn lực đáng kể cho công tác giảm nghèo. Những nguồn lực này và kết quả giảm 2,54% hộ nghèo mỗi năm không dễ thực hiện, nếu không có sự đoàn kết, đồng tâm hợp sức của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp, mạnh thường quân, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, các tỉnh, thành bạn và tự chính hộ nghèo, cận nghèo, DTTS.
Cùng với công tác giảm nghèo, làm thế nào để Bình Phước xứng đáng tỉnh phát triển trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là câu hỏi đặt ra với các cấp lãnh đạo tỉnh nhiều nhiệm kỳ qua. Bài toán đặt ra phải có lời giải. Và để thu hút đầu tư, trước tiên tỉnh phải dùng chính nội lực để đầu tư hạ tầng cơ sở thật vững chắc. Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy quyết tâm trong năm 2019 phải thực hiện được 2 quyết sách bản lề cho những năm tiếp theo, đó là xóa 1.000 hộ nghèo DTTS và làm 1.000km đường giao thông nông thôn. Chủ trương nhanh chóng nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Tùy từng địa phương đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp, đem lại hiệu quả tích cực.
Với gần 2.500 đảng viên, Hớn Quản xác định trước khi trông chờ nguồn trợ lực bên ngoài, mỗi cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ huyện phải có vai trò, trách nhiệm cao trong công tác này. Và Kế hoạch số 131-KH/HU ngày 23-8-2019 của Huyện ủy Hớn Quản về việc triển khai làm đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù và giảm nghèo ra đời từ đó. Kế hoạch phân công mỗi huyện ủy viên giúp ít nhất 1 hộ thoát nghèo và làm được 1km đường bê tông xi măng. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, phong trào đã tạo hiệu ứng tích cực trong nhân dân, góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo, đời sống người dân ở các vùng nông thôn trong huyện.
Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội - môi trường để xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Xác định phát triển hạ tầng giao thông có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện không đơn giản, nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng khi khung giá đất ban hành ngày càng ngang bằng với thị trường. Linh động trong thực hiện, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thể hiện quyết tâm cao của người đứng đầu.
Năm 2020, huyện Đồng Phú triển khai 5 tuyến giao thông kết nối từ ĐT741 đến Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Đồng Phú, với tổng chiều dài trên 25km. Các tuyến đường đi qua 618 thửa đất, với tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng 109,27 ha. “Đây là chủ trương lớn của tỉnh nhằm hoàn thiện trước một bước hạ tầng giao thông kết nối. Tuy nhiên, tỉnh chỉ bố trí 150 tỷ đồng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 5 dự án đường kết nối vào Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Đồng Phú và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng. Trong khi đó, khái toán chi phí để thực hiện giải phóng mặt bằng và dự toán thi công của 5 tuyến là hơn 300 tỷ đồng. Vì vậy, UBND huyện đã xin chủ trương thực hiện 5 dự án theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú chia sẻ.
Mục tiêu đặt ra là rất cao, đòi hỏi sự tính toán cẩn trọng trong từng biện pháp nghiệp vụ của người đứng đầu để có được sự đồng thuận giữa ý Đảng - lòng dân. Tinh thần dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo tỉnh và huyện Đồng Phú đã lan tỏa, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là từng cán bộ, đảng viên. Mỗi người ở các vị trí công tác khác nhau đã làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, từ việc đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân đến tuyên truyền, vận động thuyết phục… Chỉ trong thời gian ngắn, huyện Đồng Phú đã nhanh chóng vận động người dân hiến được 252/381 thửa đất, tương ứng 68,23 ha với số tiền trên 200 tỷ đồng. Khi dự án được triển khai, lợi ích được hiện thực hóa, người dân càng đặt niềm tin, ủng hộ cấp ủy, chính quyền. Công tác dân vận, tuyên giáo, xây dựng Đảng theo đó càng có điều kiện triển khai thuận lợi, hiệu quả.
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được ví như một phép thử đối với hệ thống chính trị và nhân dân cả nước. Sự nguy hiểm, phức tạp, khó lường của dịch bệnh đặt trọng trách nặng nề lên vai từng cán bộ, đảng viên, người đứng đầu với những quyết sách đúng, trúng, kịp thời và hiệu quả vì an nguy tính mạng người dân và “sức khỏe” của nền kinh tế. Thành công trong cuộc chiến thể hiện rất rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của người đứng đầu, sự tiên phong gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của các cấp, các ngành và mỗi gia đình, người dân chống “thù trong, giặc ngoài”… Đến nay, Bình Phước đã cơ bản khống chế được dịch. Một trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập. Đây sẽ là tiền đề, cơ hội để Bình Phước bứt phá, sớm trở thành địa phương phát triển giữ vai trò động lực cho cả khu vực.
Theo Minh Nhâm - Tùng Sơn - Hoàng Thu - Minh Luận/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()